Chúng ta có ba con đường cho tương lai của tiền kỹ thuật số, nhưng không có con đường nào cung cấp cùng một sự tự do, riêng tư và dễ sử dụng như tiền mặt.
Một khối Bitcoin chứa một loạt các giao dịch diễn ra trong thời gian khoảng 10 phút. Một người dùng nào đó, gọi là “người đào”, kiểm tra tất cả các giao dịch này, và chỉ định đó là khối duy nhất nối tiếp khối ngay trước đó và nhận được một khoản trả công đáng kể bằng Bitcoin.
Với Bitcoin, mặc dù các giao dịch được công khai, người dùng không phải tiết lộ họ thực sự là ai; nhân dạng của mỗi người trên blockchain công khai chỉ là một chuỗi các chữ cái và số ngẫu nhiên (mặc dù trong những năm gần đây, các quan chức thực thi pháp luật đã phát triển kỹ năng kết hợp dữ liệu blockchain công khai với các manh mối khác để vạch mặt những người sử dụng tiền crypto cho mục đích bất hợp pháp).
Còn với Libra, mặc dù thông tin về loại tiền này dùng những từ như “tiền mã hóa” (tiền crypto) hay “blockchain”, thực tế, dự án của Facebook hầu như không giống với Bitcoin, Ethereum và những loại tiền crypto dựa trên blockchain. Nó không thực sự phi tập trung và dữ liệu sẽ nằm trong tay tổ chức vận hành, Hiệp hội Libra, một tổ chức phi lợi nhuận, làm việc cho một nhóm những công ty lớn thân hữu với Facebook.
Trong một bài đăng trên blog vào tháng 7/2019, David Marcus, người đứng đầu dự án Libra lập luận rằng Libra sẽ là một lợi ích cho việc thực thi pháp luật, vì nó sẽ giúp cho "chuyển các giao dịch tiền mặt, nơi có nhiều hoạt động bất hợp pháp xảy ra, lên mạng kỹ thuật số".
Mu Changchun, người đứng đầu Viện nghiên cứu tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, cho biết loại tiền tệ mà ngân hàng này phát triển trong nhiều năm qua "sắp được phát hành".
Đối với tiền kỹ thuật số Trung Quốc mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc “sắp phát hành”, Mu đã nói rằng họ sẽ duy trì một mức độ ẩn danh nhất định. "Chúng tôi biết rằng nhu cầu của công chúng là giữ ẩn danh bằng cách sử dụng tiền giấy và tiền xu... Chúng tôi sẽ cung cấp tính ẩn danh cho những người yêu cầu," ông nói tại một hội nghị vào tháng 11/2019 ở Singapore. "Nhưng đồng thời, chúng tôi sẽ giữ cân bằng giữa 'ẩn danh có thể kiểm soát được' và chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, và cả các vấn đề về thuế, cờ bạc trực tuyến và bất kỳ hoạt động tội phạm điện tử nào," ông nói thêm. Tuy nhiên, ông không giải thích cách Trung Quốc thực hành sự "cân bằng" đó.
Thụy Điển và Trung Quốc đang dẫn đầu trong việc phát hành tiền điện tử tập trung vào người tiêu dùng, nhưng theo John Kiff, chuyên gia về ổn định tài chính cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, hơn 30 quốc gia đã khám phá hoặc đang khám phá ý tưởng này. Một số nước có lý do tương tự như Thụy Điển, tiền mặt chết dần và hệ sinh thái thanh toán khu vực tư nhân đang phát triển. Nhiều quốc gia cho rằng đây là cơ hội để giám sát các giao dịch bất hợp pháp, nhưng tất cả đều gặp phải những vấn đề quyền riêng tư tương tự như Libra và đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số.
Robleh Ali, một nhà khoa học nghiên cứu tại Sáng kiến tiền tệ kỹ thuật số MIT, cho biết các hệ thống tiền tệ kỹ thuật số từ các ngân hàng trung ương có thể cần phải được thiết kế để chính phủ có thể "tự làm mù mình trước thông tin". Một cách làm kiểu như vậy có thể khả thi về mặt kỹ thuật nhờ các công cụ mã hóa tiên tiến như bằng chứng không kiến thức (zero-knowledge proofs), được sử dụng trong các hệ thống như Zcash để bảo vệ thông tin giao dịch blockchain khỏi bị công khai.
Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy bất kỳ chính phủ nào đang nghĩ về việc triển khai các công cụ như thế. Và liệu có thể tin rằng các chính phủ, ngay cả Thụy Điển, sẽ tự làm mù mình trước thông tin?
Tiền crypto: giải pháp cho tự do
Niềm tin như thế chỉ là mơ ước, Alex Gladstein, giám đốc chiến lược của Tổ chức Nhân quyền nói. Mặc dù bạn có thể tin tưởng chính phủ của mình hoặc nghĩ rằng bạn không có gì phải che giấu, nhưng điều đó có thể không phải lúc nào cũng đúng. "Chính phủ sẽ không bao giờ cho bạn sự riêng tư tài chính," Gladstein nói. Ông cho rằng giải pháp kỹ thuật số cho tiền mặt phải xuất hiện dưới dạng một loại tiền crypto phi tập trung như Bitcoin.
Trên thực tế tiền điện tử là cái mà nhà phát minh ẩn danh của Bitcoin, tên giả Satoshi Nakamoto, tuyên bố đang cố gắng tạo ra (trước khi người này biến mất). Mười một năm sau khi Bitcoin ra đời, công nghệ của Nakamoto vẫn thiếu một số tính năng đặc trưng của tiền mặt. Bitcoin rất khó sử dụng, các giao dịch có thể mất hơn một giờ để xử lý và giá trị tiền tệ có thể dao động mạnh. Và như đã lưu ý, các giao dịch được cho là ẩn danh đôi khi có thể bị theo dõi.
Nhưng ở một số nơi, mọi người chỉ cần một loại tiền có thể hoạt động, cho dù không hoàn hảo. Như Venezuela. Tiền mặt tại quốc gia này đang khan hiếm, và đồng bolivar của Venezuela liên tục mất giá do siêu lạm phát. Nhiều người Venezuela tìm đến USD, cất chúng dưới đệm (theo nghĩa đen), nhưng giữ tiền như vậy khiến họ dễ bị kẻ trộm tấn công.
Sự sụp đổ của tiền tệ Venezuela khiến hàng triệu người rơi vào nghèo đói. Các nghệ sĩ như Edison Infante, 23 tuổi, dệt tiền giấy nước này thành đồ trang trí, ví, túi xách để bán ở Colombia với giá 7 đến 15 USD như những biểu tượng của một nền kinh tế thất bại.
Nhiều người muốn sử dụng dạng kỹ thuật số của tiền mặt, và không có cách nào dễ dàng để có được điều này, theo Alejandro Machado, đồng sáng lập của Sáng kiến về tiền mở. Do sự kiểm soát vốn do chính phủ áp đặt, các ngân hàng Venezuela phần lớn đã bị cắt khỏi mạng lưới các ngân hàng nước ngoài. Và do các hạn chế của hệ thống tài chính Hoa Kỳ, các dịch vụ tiền kỹ thuật số như PayPal và Zelle không thể tiếp cận được với hầu hết mọi người ở đó. Vì vậy, một số ít người Venezuela am hiểu công nghệ đã chuyển sang một dịch vụ có tên LocalBitcoins.
Nó giống như Craigslist, ngoại trừ những thứ duy nhất được bán là bitcoin và bolivar. Trên trang Venezuela LocalBitcoins, mọi người quảng cáo và bán số lượng tiền tệ khác nhau với tỷ giá hối đoái khác nhau. Trang web giữ tiền trong ký quỹ cho đến khi giao dịch hoàn tất và theo dõi danh tiếng của người bán.
Bitcoin không dành cho số đông, nhưng là công cụ rất hiệu quả đối với những người dùng được, Machado nói. Chẳng hạn, anh ta và các đồng nghiệp của mình đã gặp một người phụ nữ trẻ khai thác Bitcoin và giữ tiền tiết kiệm của mình bằng tiền crypto. Cô ấy không có tài khoản ngân hàng nước ngoài, và sẵn sàng đối phó với sự biến động liên tục của giá Bitcoin. Sử dụng LocalBitcoins, cô ấy có thể rút tiền bolivar bất cứ khi nào cô ấy cần chúng để mua đồ tạp hóa chẳng hạn.
Tuy nhiên, điều này chỉ khả thi nếu có đủ người sử dụng LocalBitcoins để tạo ra thứ mà ngành tài chính gọi là tính thanh khoản địa phương, có nghĩa là bạn có thể dễ dàng tìm được người mua bitcoin hoặc bolivar của mình. Bitcoin là loại tiền điện tử duy nhất đã đạt được điều này ở Venezuela, Machado nói, chủ yếu nhờ vào LocalBitcoin.
Vẫn còn một chặng đường dài đến giấc mơ tiền crypto thay thế tiền pháp định - đồng tiền của các chính phủ. Hầu hết người Venezuela không thể sử dụng Bitcoin, và rất ít thương nhân ở đó thậm chí biết Bitcoin là gì, chứ chưa nói đến chấp nhận nó.
Nhưng tình trạng này cũng cho thấy một cái nhìn thoáng qua về viễn cảnh tài chính mà tiền crypto có thể mang lại: bất cứ ai cũng có thể tham gia giao dịch với sự tự do và riêng tư như tiền mặt.
Phi tập trung
Liệu Bitcoin có thể trở nên dễ sử dụng và đáng tin cậy như tiền mặt? Câu trả lời nằm ở cả phương diện triết lý cũng như kỹ thuật.
Libra hoặc một số loại tiền kỹ thuật số do các ngân hàng trung ương phát hành trong tương lai có thể chạy trên công nghệ blockchain, nhưng sẽ không phải tiền crypto vì chúng sẽ nằm dưới sự kiểm soát tập trung của chính phủ hoặc một số tập đoàn.
Các loại tiền crypto thực sự phải là các hệ thống phi tập trung, không có người trung gian như ngân hàng chứng thực rằng một giao dịch đã diễn ra, mỗi giao dịch phải được xác thực bởi phần lớn các nút trong mạng lưới. Nhưng điều này đòi hỏi một khoản chi phí khổng lồ cho sức mạnh tính toán và đó là lý do khiến các giao dịch Bitcoin có thể mất hơn một giờ để được giải quyết.
Một loại tiền tệ như Libra sẽ không gặp vấn đề này, bởi vì chỉ một vài thực thể được ủy quyền mới có thể vận hành các nút. Sự đánh đổi là người dùng của các loại tiền tệ này phải đặt niềm tin vào việc các thực thể đó đảm bảo quyền riêng tư của họ, giống như tin tưởng vào ngân hàng, chính phủ hoặc với Libra là Facebook.
Về mặt kỹ thuật, liệu có thể đạt được mức độ phi tập trung của Bitcoin nhưng kết hợp với tốc độ, quy mô, quyền riêng tư và dễ sử dụng mà của các phương thức thanh toán truyền thống không? Đó là vấn đề mà nhiều nhà nghiên cứu tài năng vẫn đang cố gắng giải quyết. Nhưng một số người cho rằng đó không nhất thiết phải là mục tiêu.
Trong một bài tiểu luận gần đây, Jill Carlson, người đồng sáng lập Sáng kiến về tiền mở, đã lập luận rằng vốn dĩ mục đích ban đầu của các hệ thống tiền crypto phi tập trung là "không chính thống". Thay vào đó, chúng được tạo ra dành cho các giao dịch bị kiểm duyệt, thanh toán chất cấm hoặc tình dục, tài trợ khủng bố hoặc rút tiền ra khỏi các quốc gia có kiểm soát tiền tệ hạn chế. Sự chậm chạp của loại tiền này là cố hữu, không phải là một lỗ hổng thiết kế. Họ "từ bỏ quy mô, tốc độ và chi phí để đổi lại một đặc điểm chính: kháng kiểm duyệt". Một thế giới mà loại tiền này trở thành chính thống sẽ là "một nơi rất đáng sợ", cô viết.
Tóm lại, chúng ta có ba con đường cho tương lai của tiền kỹ thuật số, nhưng không có con đường nào cung cấp cùng một sự tự do, riêng tư và dễ sử dụng như tiền mặt. Các công ty tư nhân có động cơ rõ ràng để kiếm tiền từ dữ liệu của người dùng và theo đuổi lợi nhuận thay vì lợi ích công cộng. Chính phủ vẫn có thể sử dụng tiền kỹ thuật số để theo dõi công dân, ngay cả các chính phủ có thiện chí, và đối với những chính phủ "chặt chẽ" hơn thì tiền kỹ thuật số sẽ là một công cụ giám sát toàn năng. Và tiền crypto phi tập trung có thể hữu ích trong việc bảo vệ quyền riêng tư và tự do, nhưng chưa có vẻ gì là loại tiền này sẽ trở nên dễ sử dụng trên quy mô lớn.
Vậy nếu tiền mặt biến mất mà chưa có sự thay thế hoàn hảo thì sẽ ảnh hưởng thế nào? Điều này phụ thuộc vào nơi bạn sống, chính phủ và các tập đoàn cung cấp tiền kỹ thuật số cho bạn, và tại sao bạn muốn sử dụng tiền mặt.
Nguồn:
https://www.technologyreview.com/s/614998/an-elegy-for-cash-the-technology-we-might-never-replace/
https://www.bbc.com/worklife/gallery/20180918-the-people-making-bags-out-of-worthless-money
http://tiasang.com.vn/-khoa-hoc-cong-nghe/Blockchain-Su-huu-dung-va-vo-dung--14141
http://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Tien-so-cua-Facebook-Lo-hon-la-mung-18462