Tiền mặt đang dần biến mất, nhưng liệu các loại tiền kỹ thuật số thay thế có thể mang lại sự thuận tiện và tự do như tiền mặt hay không?
Hãy nghĩ về lần cuối cùng bạn sử dụng tiền mặt. Bạn đã chi bao nhiêu? Bạn đã mua gì, từ ai? Bạn chỉ mua một lần, hay đó là thứ bạn mua thường xuyên?
Đồ bạn mua có hợp pháp không?
Nếu bạn muốn giữ tất cả những thông tin đó cho riêng mình, thì bạn thật may mắn vì đã dùng tiền mặt. Người bán hàng có thể nhớ khuôn mặt của bạn, nhưng miễn là bạn không tiết lộ bất kỳ thông tin nhân dạng nào, không có gì có thể liên kết bạn với giao dịch đó.
Đây là một "tính năng" của tiền mặt mà thẻ thanh toán và các app thanh toán không có: sự tự do cho người dùng.
Tiền giấy và tiền xu được cho là thuộc sở hữu của bất cứ ai nắm giữ chúng và người cầm tiền có thể sử dụng để giao dịch trực tiếp với người khác mà không có bên thứ ba nào cản trở. Các công ty không thể xây dựng cơ sở dữ liệu, hồ sơ quảng cáo hoặc xếp hạng tín dụng, và các chính phủ không thể theo dõi chi tiêu hay nhất cử nhất động của người tiêu tiền mặt. Và trong khi thẻ tín dụng có thể bị từ chối và séc có thể bị thanh toán sai, việc đưa "tiền tươi" luôn hoạt động hoàn hảo mọi lúc, mọi nơi và ngay lập tức.
Tiền mặt đang dần biến mất, nhưng liệu các loại tiền kỹ thuật số thay thế có thể mang lại sự thuận tiện và tự do như tiền mặt hay không?
Đừng coi sự tự do này là tất nhiên, vì phần lớn thương mại của chúng ta bây giờ xảy ra trực tuyến và cần các ngân hàng hay các công ty công nghệ tài chính làm người trung gian. Các giao dịch trực tiếp cũng biến thành kỹ thuật số trong thế giới thực: các công cụ thanh toán điện tử, từ thẻ ghi nợ đến Apple Pay hay Samsung Pay đang ngày càng thay thế tiền mặt. Trong khi tiền giấy và tiền xu vẫn còn phổ biến ở nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Đức, thì ở các quốc gia khác chúng đã gần như lỗi thời.
Xu hướng này làm cho các nhóm hoạt động xã hội lo lắng. Không có tiền mặt thì "không có cơ hội nào cho quyền riêng tư - nền tảng cho một xã hội mở", Jerry Brito, giám đốc điều hành Coin Center, một nhóm vận động chính sách có trụ sở tại Washington, DC, viết. Trong một báo cáo gần đây, Brito cho rằng chúng ta phải "phát triển và thúc đẩy tiền mặt điện tử" với tính năng riêng tư như tiền mặt thực tế và không cần phải có sự cho phép sử dụng từ bên thứ ba.
Câu hỏi đặt ra là ai sẽ phát triển và kiểm soát các hệ thống thanh toán điện tử trong tương lai. Hầu hết những công ty hiện có, như Alipay, Zelle, PayPal, Venmo và Kenya, M-Pesa, được điều hành bởi khu vực tư nhân. Lo ngại việc khu vực này kiểm soát các khoản thanh toán, nhiều chính phủ đang tìm cách phát triển một số loại tiền điện tử làm vật thế chỗ cho tiền giấy và tiền xu. Trong khi đó, những người ủng hộ các loại tiền điện tử không có chủ sở hữu (như Bitcoin, Etherium) nói rằng họ, những hệ thống ngang hàng đích thực, mới là giải pháp duy nhất để đảm bảo quyền tự do như tiền mặt.
Chúng ta có xu hướng mặc nhiên coi các công nghệ mới là tốt hơn các công nghệ cũ: an toàn hơn, nhanh hơn, chính xác hơn, hiệu quả hơn, thuận tiện hơn. Những người hoài cổ có thể thích những ưu điểm của các bản ghi vinyl (đĩa than), nhưng không ai có thể tranh cãi rằng một bộ sưu tập nhạc số là tiện dụng hơn và chất lượng âm thanh gần như không đổi. Nhưng tiền mặt là một nghịch lý - một công nghệ hàng nghìn năm tuổi gần như không thể được tái tạo ở dạng công nghệ tiên tiến hơn.
Niềm tin vào tiền mặt
Chúng ta gọi tiền giấy và tiền xu là tiền mặt, hay nhưng thuật ngữ này thực sự đề cập đến một thứ trừu tượng hơn: tiền mặt (của một nước nào đó) thực chất là tiền mà chính phủ của bạn nợ bạn. Ngày xưa đây là một khoản nợ theo nghĩa đen. Câu "Tôi hứa trả cho người cầm tờ tiền này giá trị tổng cộng 5 bảng (hoặc 10/20/50 tùy mệnh giá tờ tiền) khi họ yêu cầu" vẫn in trên tiền giấy của Anh, một bảo đảm đáng chú ý rằng Ngân hàng Anh sẽ trao lại cho bạn giá trị tương đương bằng vàng để đổi lấy tiền mặt bạn đang cầm. Ngày nay tiền mặt đại diện cho sự đảm bảo trừu tượng hơn, rằng bạn sẽ luôn có thể sử dụng tờ tiền đó để trả tiền cho mọi thứ.
Câu "I promise to pay the bearer on demand the sum of ..." vẫn in trên tờ Bảng Anh.
Các chữ số trong tài khoản ngân hàng, mặt khác, đề cập đến số tiền ngân hàng của bạn nợ bạn và sẽ trả khi bạn yêu cầu. Khi rút tiền ở một máy ATM, bạn đang chuyển đổi "lời hứa của ngân hàng" sang "lời hứa của chính phủ".
Hầu hết mọi người sẽ nói rằng họ tin tưởng vào lời hứa của chính phủ hơn, Gabriel Söderberg, nhà kinh tế tại Riksbank, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển nói. Điều này hợp lý, vì ở hầu hết các quốc gia, chính phủ ít có khả năng phá sản hơn.
Tiền mặt chết dần…
Đó là lý do tại sao Thụy Điển sẽ gặp vấn đề nếu hoàn toàn không còn tiền mặt, Söderberg nói. Ông và các đồng nghiệp sợ rằng nếu mọi người không thể chuyển đổi tiền trong ngân hàng của họ thành tiền của chính phủ theo ý muốn và sử dụng tiền mặt để trả cho bất cứ thứ gì họ cần, họ có thể bắt đầu mất niềm tin vào toàn bộ hệ thống tiền. Một điều đáng lo ngại nữa là nếu chỉ có khu vực tư nhân thống trị các khoản thanh toán kỹ thuật số, những người không có khả năng truy cập các hệ thống này có thể bị loại khỏi nền kinh tế.
Xã hội không tiền mặt đang ngày càng trở thành thực tế ở Thụy Điển chứ không chỉ còn là viễn cảnh. Gần như tất cả mọi người ở đó sử dụng một ứng dụng di động có tên Swish để trả tiền cho mọi thứ. Các nhà kinh tế đã ước tính rằng các nhà bán lẻ ở Thụy Điển hoàn toàn có thể ngừng nhận tiền vào năm 2023.
Tạo ra một phiên bản điện tử của tiền tệ có chủ quyền của Thụy Điển có thể giảm thiểu những vấn đề liên quan đến sự biến mất của tiền mặt, Söderberg nói. Nếu ngân hàng trung ương phát hành tiền kỹ thuật số, nó được thiết kế để trở thành hàng hóa công cộng, không phải là sản phẩm tạo ra lợi nhuận cho một tập đoàn. "Các phiên bản dễ sử dụng, đơn giản và thân thiện với người dùng có thể được phát triển cho những người hiện đang khó tiếp cận công nghệ kỹ thuật số," Ngân hàng Trung ương nước này khẳng định trong một báo cáo tháng 11 về bối cảnh thanh toán của Thụy Điển.
Riksbank có kế hoạch phát triển và thử nghiệm một nguyên mẫu vật thay thế kỹ thuật số của tiền giấy. Họ đã kiểm tra một số công nghệ có thể làm nền tảng, bao gồm các hệ thống tiền điện tử như Bitcoin. Nhưng Ngân hàng Trung ương Thụy Điển cũng kêu gọi chính phủ dẫn đầu một cuộc điều tra công khai rộng rãi về việc liệu một hệ thống như vậy có nên đi vào hoạt động hay không. Cuối cùng, quyết định này là quá lớn đối với một Ngân hàng Trung ương, ít nhất là trong bối cảnh của Thụy Điển, Söderberg nói.
… và cái chết của sự riêng tư tài chính
Trung Quốc, trong khi đó, dường như đã đưa ra quyết định: đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số đang đến. Mu Changchun, người đứng đầu Viện nghiên cứu tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, cho biết hồi tháng 9/2019 rằng loại tiền tệ mà ngân hàng này phát triển trong nhiều năm qua "sắp được phát hành". Tháng 12 cùng năm, một báo cáo tin tức địa phương cho rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc gần như đã sẵn sàng bắt đầu thử nghiệm tại các thành phố Thâm Quyến và Tô Châu. Và Ngân hàng đã rõ ràng về ý định sử dụng nó để thay thế tiền giấy và tiền xu.
Không có quyết định này thì tiền mặt cũng đã tự chết ở Trung Quốc, nhờ vào Alipay và WeChat, các ứng dụng dựa trên mã QR đã trở nên phổ biến chỉ sau vài năm. Ước tính rằng thanh toán di động chiếm hơn 80% tất cả các khoản thanh toán ở Trung Quốc vào năm 2018, tăng từ mức dưới 20% trong năm 2013.
Không rõ chính phủ Trung Quốc hiện có thể truy cập được bao nhiêu dữ liệu giao dịch từ WeChat Pay và Alipay. Một khi chính phủ phát hành một loại tiền kỹ thuật số có chủ quyền, các quan chức cho biết loại tiền mới sẽ tương thích với hai dịch vụ này, họ có thể có quyền truy cập nhiều hơn nữa. Martin Chorzempa, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington DC, nói với tờ New York Times hồi tháng 10/2019 rằng hệ thống này sẽ cung cấp cho Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc "quyền lực và khả năng giám sát phi thường vào hệ thống tài chính, nhiều hơn bất kỳ Ngân hàng Trung ương nào hiện nay".
Không có nguồn tin bên ngoài nào biết chắc chắn Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc dự định sử dụng công nghệ nào làm cơ sở cho đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số, nhưng có ít nhất hai manh mối tiết lộ. Đầu tiên, ngân hàng này đã nghiên cứu công nghệ blockchain từ năm 2014 và chính phủ Trung Quốc gọi sự phát triển của công nghệ này là ưu tiên hàng đầu. Thứ hai, cũng hồi tháng 9/2019, Mu cho biết, hệ thống tiền của họ sẽ có những điểm tương đồng với Libra, loại tiền điện tử mà Facebook công bố vào tháng 6 trước đó. Các quan chức Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ngụ ý trong các tuyên bố công khai rằng Libra đã truyền cảm hứng cho họ trong việc thúc đẩy sự phát triển của đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số, vốn đã được phát triển trong nhiều năm.
Như tình hình, Libra sẽ chạy trên blockchain, một loại sổ cái kế toán có thể được duy trì bởi một mạng máy tính thay vì một cơ quan trung ương duy nhất. Tuy nhiên, nó sẽ hoạt động rất khác với Bitcoin, hệ thống blockchain ban đầu và không phải là một hệ thống ngang hàng (peer-to-peer) đích thực.
Các máy tính trong mạng Bitcoin sử dụng phần mềm nguồn mở để tự động xác minh và ghi lại mọi giao dịch. Trong quá trình này, họ tạo ra một hồ sơ công khai vĩnh viễn về toàn bộ lịch sử giao dịch tiền tệ: blockchain. Mạng Libra sẽ có mạng lưới tương tự, nhưng trong khi bất kỳ ai có máy tính và kết nối internet đều có thể tham gia ẩn danh vào mạng Bitcoin, thì các nút mạng tạo nên mạng Libra sẽ là các công ty trong một hiệp hội vận hành loại tiền này (gọi là Hiệp hội Libra).
Không giống như Bitcoin, với giá trị rất biến động, Libra sẽ được thiết kế để duy trì giá trị ổn định. Hiệp hội Libra chịu trách nhiệm duy trì kho dự trữ các loại tiền do chính phủ phát hành (kế hoạch mới nhất là kho này sẽ bao gồm một nửa là USD, nửa còn lại bao gồm Bảng Anh, Euro, Yên Nhật, và SGD). Kho dự trữ này được cho là giá trị đứng đằng sau các đơn vị tiền kỹ thuật số.
Tuy nhiên, cả Libra và đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số đều phải đối mặt với những câu hỏi về quyền riêng tư. Liệu mọi người có thể sử dụng chúng một cách ẩn danh hay không?
(còn tiếp)
Nguồn:
https://www.technologyreview.com/s/614998/an-elegy-for-cash-the-technology-we-might-never-replace/
http://tiasang.com.vn/-khoa-hoc-cong-nghe/Blockchain-Su-huu-dung-va-vo-dung--14141
http://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Tien-so-cua-Facebook-Lo-hon-la-mung-18462
https://www.bankofengland.co.uk/faq