Năm 2019 chứng kiến sự bùng nổ của nhiều ứng dụng công nghệ cao trong việc học và dạy. Không thể phủ nhận rằng, việc ứng dụng công nghệ mới đem lại nhiều hứng thú hơn trong quá trình học tập, cộng tác.
Thế nhưng, sự biến đổi của một thế giới mong manh, không chắc chắn, phức tạp, mơ hồ (1) đang đặt chúng ta trước những thử thách mà nếu chỉ dựa vào công nghệ thôi, chưa chắc đã đủ. Vậy hãy thử tìm lời giải thỏa đáng cho giáo dục qua một số nghiên cứu (2) đáng chú ý trong năm 2019.
Dạy và học: Lấy gì làm trung tâm?
Trong cả trăm năm qua, các cuộc tranh luận về cách giáo dục trẻ đã dẫn đến những chu kỳ cải cách liên tiếp như “lấy người học làm trung tâm”, thường được cho rằng cởi mở và cấp tiến so với cách tiếp cận “tập trung vào giáo viên”. Vậy điều gì ảnh hưởng tới quyết định của giáo viên trong việc lựa chọn cách tiếp cận “lấy người học làm trung tâm”?
Việc gây dựng mối quan hệ mật thiết giữa giáo viên và học sinh là rất cần thiết trong giai đoạn Tiểu học, bởi đây là thời kỳ vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển tâm lý của trẻ nhỏ. Wu đã chỉ ra điểm khác biệt giữa giáo viên Mỹ và Trung Quốc. Trong khi giáo viên ở Mỹ sử dụng các biện pháp “lấy người học làm trung tâm” để gia tăng sự gắn kết, thì các giáo viên ở Trung Quốc vẫn ưa thích việc tiếp cận theo hướng thuyết giảng truyền thống để duy trì khoảng cách, vị thế đối với học sinh.
Akdemir và Özçelik chỉ ra rằng độ tuổi, bậc học, giới tính của học sinh, môi trường công lập hay tư thục không phải là yếu tố then chốt, mà chính bản thân môn học mới là yếu tố quyết định. Thêm vào đó, mặc dù giáo viên tại các trường tư có nhiều cơ hội tham dự các seminar, workshop đào tạo, cũng như có nhiều điều kiện về cơ sở vật chất hơn giáo viên trường công, nhưng những yếu tố đó cũng không đóng vai trò quyết định trong việc lựa chọn cách tiếp cận “lấy người học làm trung tâm”. Quan trọng hơn cả, chính hiểu biết, nhận thức của bản thân giáo viên về cảm xúc, nhận thức và các tiến trình phát triển của học sinh mới quyết định cách mà họ sẽ hành động để đảm bảo lợi ích và năng lực cho học sinh của mình.
Thông thường, “lấy người học làm trung tâm” được hiểu là các hoạt động thực hành trên lớp có sự tham gia của người học để trải nghiệm, cộng tác, kiểm thử, sáng tạo và dẫn dắt tiến trình học của mình (O’Neill và McHahon, 2005). Có nhiều biến thể, định nghĩa và thuật ngữ khác nhau liên quan đến “lấy người học làm trung tâm”, và đôi khi chúng dẫn đến sự nhầm lẫn trong cách hiểu, cách đặt mục tiêu và cả cách triển khai.
Với băn khoăn rằng giáo viên nên “đứng hỗ trợ bên lề” hay nên “trở lại sân khấu tri thức”, Fischer và Hänze đã phân tích báo cáo từ 1.713 học sinh học 80 khoá học khác nhau và nhận thấy rằng: sự hướng dẫn của giáo viên giúp gia tăng nhận thức, sự thích thú, thành tích và năng lực học tập của học sinh, trong khi các phương thức chỉ có sự tham gia chủ động của người học có thể dẫn đến các hiệu ứng ngược chiều.
Củng cố thêm cho luận điểm này, Trinidad đã tiến hành nghiên cứu về cách biệt trong nhận thức của người học và người dạy đối với việc “lấy người học làm trung tâm” trong bối cảnh giáo dục đại học. Theo đó, vai trò của người dạy không chỉ dừng lại ở việc dẫn dắt và huấn luyện, mà còn là chuyên gia và là nhà thiết kế các công trình tri thức. Một mặt, sinh viên và giảng viên đánh giá cao sự gắn kết trong lớp học, các hoạt động học tập và ứng dụng mà sinh viên được yêu cầu phải thực thi trong nhiều công việc. Mặt khác, sự cân bằng tinh tế giữa các bài giảng và các hoạt động cũng rất được chú ý bởi hình thức thuyết giảng sẽ giúp bổ khuyết những hiểu biết chuyên môn không thể hình thành được qua các hoạt động nhóm. Vậy, thay vì quá bận tâm với chuyện phân loại từng dạng hoạt động và cho rằng hoạt động đó nên lấy người dạy hay người học làm trung tâm, ta nên lấy bản thể việc học làm trung tâm và điều chỉnh cách tiếp cận của cả người học và người dạy cho hài hòa, tương thích với từng mục tiêu cụ thể.
Để hiểu thêm về cách tiếp cận lấy việc học làm trung tâm, chúng ta có thể tham khảo cuốn sách mới của hai tác giả Vlieghe và Zamojski với tựa đề “Hướng tới một bản thể của việc dạy học” (Toward an Ontology of Teaching).
“Lấy người học làm trung tâm” sẽ chỉ phát huy tác dụng với những học sinh có tính tích cực và chủ động? Thiên kiến này phần nào đã được giảm bớt bởi nghiên cứu của Matsuyama và cộng sự. Việc thay đổi bối cảnh, chuyển sang lấy người học làm trung tâm có thể thúc đẩy năng lực tự học (self-regulated learning) ngay cả với những học sinh đã quá thân thuộc với phương pháp truyền thống. Học sinh dần làm quen với tiến tình xây dựng chân dung của riêng mình, tự phản tư và tìm kiếm các chiến lược học tập đa dạng bằng cách luôn tham chiếu đến “hình ảnh của chính mình trong tương lai”.
Giáo dục xã hội và giáo dục cảm xúc: Tiềm năng nhưng vẫn cần thận trọng
Nghiên cứu về Giáo dục Xã hội và Giáo dục Cảm xúc (Social-Emotional Learning - SEL/ Social-Emotional Education – SEE) không phải là một xu hướng mới.
CASEL (Collaborative for Academic, Social, and Emotional Learning – Tổ chức cộng tác vì Học thuật, Xã hội và Giáo dục Cảm xúc) đã định nghĩa SEL từ cách đây khoảng hơn hai thâp kỷ. Trên chỉ mục của Google Scholar, số bài về SEL từ 2017 tới nay ổn định về mặt số lượng (2.390 bài năm 2017, 2.860 bài năm 2018, và 2.950 bài năm 2019). Tuy nhiên trong năm 2019, các nghiên cứu không chỉ tập trung vào việc nâng cao nhận thức và quảng bá về SEL, mà đã có nhiều hơn các nghiên cứu cụ thể về các phương thức triển khai, tiếp cận SEL.
SEL là quá trình tiếp thu và rèn luyện các kỹ năng để nhận dạng và quản lý cảm xúc, cũng như các kỹ năng liên cá nhân, và thái độ quan tâm tới người khác. Trong nhiều thập kỷ, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em trải nghiệm việc học và có kết quả học tập tốt hơn khi có sự hỗ trợ của gia đình và nhà trường. Tuy nhiên, các nghiên cứu đa phần chỉ tập trung vào kết quả học tập. Sheridan và cộng sự chú ý tới kết quả về năng lực xã hội, phân tích 117 gia đình và chỉ ra rằng các can thiệp từ gia đình và nhà trường có tác động tích cực đáng kể đến năng lực hành vi xã hội và sức khoẻ tâm thần của học sinh.
Tuy nhiên, SEL vừa có tiềm năng lại vừa ẩn chứa những nguy hại, tùy thuộc vào cách mà chúng ta định nghĩa và thực hành nó (Hamilton và Schawartz). Ví dụ, mặc cho các biện pháp cải tiến chương trình có chi tiết tới đâu về mặt kỹ thuật, nhưng sự căng thẳng và cạn kiệt cảm xúc của giáo viên sẽ vẫn đem lại những tác động tiêu cực tới trẻ như tức giận và gây hấn, lo âu và thu mình, hay giảm thiểu năng lực xã hội (Jeon và cộng sự).
Từ năm 1976, GS Weissberg - một trong những người đặt nền móng cho CASEL - đã dành thời gian để tìm tòi cách thức mà nhà trường, gia đình và các cộng đồng có thể kết hợp để thúc đẩy và tối ưu các cơ hội phát triển cho người trẻ tuổi. Trong một bài góc nhìn của ông đăng trên tạp chí của APS (Hiệp hội Khoa học Tâm lý), Weissberg đã nêu lên các thử thách đối với việc triển khai SEL, bao gồm: (i) chính tham vọng tuyệt đối trong mục tiêu của CASEL với cả bậc mầm non tới trung học; từ các trường tới các quận, tiểu bang và liên bang; từ gia đình tới cộng đồng; (ii) thích ứng với nhu cầu ngày càng gia tăng về SEL ở mức độ quốc gia và liên quốc gia (Các năng lực chính của SEL nên được định nghĩa thế nào? Làm thế nào để SEL lan toả mà vẫn duy trì được chất lượng tốt?). Weissberg nhấn mạnh vai trò của việc tạo dựng các mối quan hệ, hợp tác cộng đồng nhằm thúc đẩy và phát triển SEL, thay vì chỉ bó hẹp SEL trong quy mô nhà trường. Đồng thời, ông cũng gợi ý rằng để hướng tới các kết quả có tác động tốt nhất, các nhóm nghiên cứu về SEL nên đa dạng hóa nền tảng của nhóm, bổ sung những người sẵn sàng tự đề ra các thách thức cho chính mình.
Đối với việc ứng dụng SEL trong các nhà trường một cách có hệ thống, chúng ta có thể tham khảo một số tài liệu mới như: Sổ tay Học tập Xã hội và Cảm xúc – Ý tưởng để kết hợp các hoạt động SEL vào lớp học (Dougan); tựa sách “Triển khai Học tập Xã hội và Cảm xúc trong lớp học và trưởng học” (Brackett và cộng sự).
McShane cũng nhìn vào sự tương đồng giữa SEL và chuẩn Common Core và gửi tới những ai muốn phổ biến SEL một cách hiệu quả bốn bài học đáng chú ý: (i) Cần xác định rõ điều mà ta mong muốn khi đề cập tới SEL, sau đó thuyết phục các bên liên quan rằng nó đáng được ưu tiên; (ii) Cần có sự phối hợp với chính quyền và các tổ chức giáo dục địa phương để phát triển nguồn lực triển khai SEL; (iii) Cần ý thức và cảnh giác với tất cả những thành phần cố gắng tham gia vào SEL khi nó trở nên phổ biến như một trào lưu; và (iv) Những người cổ súy SEL cần phải thận trọng với cách mà SEL được định vị trong cộng đồng.
Bình đẳng và công bằng: Vai trò của Hiệp hội Phụ huynh-Giáo viên
Bất kể đối với bậc học nào, sự bất bình đẳng về nguồn lực đều được ghi nhận rộng rãi trên khắp toàn cầu, từ mầm non, phổ thông tới giáo dục nghề nghiệp và đại học (Holm và cộng sự). Trong năm vừa qua, nghiên cứu về các quốc gia đang phát triển có vẻ quan tâm nhiều tới yếu tố bình đẳng, với các vấn đề mang tính đại chúng như giới tính, sự đói nghèo, nền tảng gia đình, khu vực sinh sống, các hành vi học tập phổ quát… (North và Longlands).
Đối với các quốc gia phát triển và thu hút nhiều người nhập cư, các vấn đề công bằng xoay quanh khoảng cách giữa cá nhóm đa số và thiểu số (Saleh; Redding). Một góc nhìn khác về tính bất công bằng giữa khác nhóm đối tượng cũng được thể hiện qua khoảng cách giữa các nhóm học sinh năng khiếu và học sinh có nhu cầu đặc biệt ở trong cùng một trường, cũng như bên ngoài phạm vi nhà trường (Peters và cộng sự; Young).
Bên cạnh các góc nhìn khác nhau giữa các nhóm có đặc tính khác nhau, tính đối xứng của thời gian cũng là một điều cần được quan tâm. Pearman nghiên cứu tác động của tiến trình đô thị hóa, trung lưu hóa tới thành tích học tập của học sinh và nhận ra sự bất lợi đáng kể dành cho trẻ sống ở những khu vực ven đô đang trong quá trình dịch chuyển.
Nghiên cứu của Murray và cộng sự nhấn mạnh vai trò của Hiệp hội Phụ huynh-Giáo viên trong việc xóa nhoà bất bình đẳng và bất công bằng trong giáo dục. Hiệp hội Phụ huynh-Giáo viên (PTA) hoặc Hiệp hội Phụ huynh-Giáo viên-Học sinh (PTSA) là một loại hình đoàn thể chính thống được thành lập trong các trường học, hoặc trên một địa bàn cư dân (quận/thành phố/bang), với mục đích thúc đẩy sự tham gia của phụ huynh vào các hoạt động giáo dục. Mô hình này lần đầu xuất hiện tại Mỹ vào năm 1897, đồng thời tại Nhật Bản vào thời Minh Trị. Ngày nay tại một số quốc gia như Vương quốc Anh, Ấn Độ, Australia, New Zealand và Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất có các Hiệp hội Phụ huynh – Giáo viên ở cấp quốc gia. Tuy nhiên, các hiệp hội này đang ngày càng suy giảm và không dễ thành lập ở các trường mới mở.
Hoàng Anh Đức
(Trưởng nhóm Nghiên cứu Học và Dạy, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia)
Chú thích:
1. Volatility, Uncertainty, Complexity, Ambiguity - hay VUCA - là một thuật ngữ được sử dụng đầu tiên bởi quân đội Mỹ vào khoảng những năm 1990 để mô tả thế giới đa cực, phức tạp. Tuy nhiên khoảng 10 năm gần đây, VUCA trở thành thuật ngữ phổ biến trong giới nghiên cứu về quản trị, bởi các đặc tính của VUCA đang bị/được ảnh hưởng và đồng thời tạo ra ảnh hưởng mạnh mẽ bởi/đến quá trình toàn cầu hóa.
2. Các nghiên cứu được chọn lựa từ các tạp chí quốc tế Q1, Q2 thuộc danh mục ISI/SCOPUS.
Tài liệu tham khảo:
Akdemir, E., & Özçelik, C. (2019). The Investigation of the Attitudes of Teachers towards Using Student Centered Teaching Methods and Techniques. Universal Journal of Educational Research, 7(4), 1147-1153.
Brackett, M. A., Elbertson, N. A., Simmons, D. N., & Stern, R. S. (2019). Implementing Social and Emotional Learning (SEL) in Classrooms and Schools. National Professional Resources, Inc.
Dougan, R. (2019). Social Emotional Learning (SEL) Guidebook: Ideas for Incorporating SEL Activities into Your Classroom.
Fischer, E., & Hänze, M. (2019). Back from “guide on the side” to “sage on the stage”? Effects of teacher-guided and student-activating teaching methods on student learning in higher education. International Journal of Educational Research, 95, 26-35.
Hamilton, L. S., & Schwartz, H. L. (2019). Get Smart about Social and Emotional Learning Measurement. AEI Paper & Studies, 1b.
Holm, A., Hjorth-Trolle, A., & Jæger, M. M. (2019). Signals, Educational Decision-Making, and Inequality. European Sociological Review.
Jeon, L., Buettner, C. K., Grant, A. A., & Lang, S. N. (2019). Early childhood teachers' stress and children's social, emotional, and behavioral functioning. Journal of Applied Developmental Psychology, 61, 21-32.
Matsuyama, Y., Nakaya, M., Okazaki, H., Lebowitz, A. J., Leppink, J., & van der Vleuten, C. (2019). Does changing from a teacher-centered to a learner-centered context promote self-regulated learning: a qualitative study in a Japanese undergraduate setting. BMC medical education, 19(1), 152.
McShane, M. Q. (2019). What Social and Emotional Learning Advocates Can Learn from Common Core. American Enterprise Institute.
North, A., & Longlands, H. (2019). Gender, Poverty and Educational Equality. The SAGE Handbook of Inclusion and Diversity in Education, 103.
O’Neill, G., & McMahon, T. (2005). Student-centred learning: What does it mean for students and lecturers.
Peters, S. J., Gentry, M., Whiting, G. W., & McBee, M. T. (2019). Who Gets Served in Gifted Education? Demographic Representation and a Call for Action. Gifted Child Quarterly, 0016986219833738.
Redding, C. (2019). A Teacher Like Me: A Review of the Effect of Student–Teacher Racial/Ethnic Matching on Teacher Perceptions of Students and Student Academic and Behavioral Outcomes. Review of Educational Research, 0034654319853545
Sheridan, S. M., Smith, T. E., Moorman Kim, E., Beretvas, S. N., & Park, S. (2019). A Meta-Analysis of Family-School Interventions and Children’s Social-Emotional Functioning: Moderators and Components of Efficacy. Review of Educational Research, 89(2), 296-332.
Trinidad, J. E. (2019). Understanding student-centred learning in higher education: students’ and teachers’ perceptions, challenges, and cognitive gaps. Journal of Further and Higher Education, 1-11.
Vlieghe, J., & Zamojski, P. (2019). Education for Education’s Sake: The Idea of a Thing-Centred Pedagogy. In Towards an Ontology of Teaching (pp. 11-28). Springer, Cham.
Weissberg, R. P. (2019). Promoting the social and emotional learning of millions of school children. Perspectives on Psychological Science, 14(1), 65-69.
Wu, M. (2019). A Comparative Research Study Of Student-Teacher Relationships In Elementary School In China And America
Young, M. (2019). Excellence gaps in education: Expanding opportunities for talented students [Book Review]. Australasian Journal of Gifted Education, 28(1), 59.