Tăng cường dự án có liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân trực tiếp sản xuất, để doanh nghiệp thành hạt nhân phát triển từ đó giúp nông dân cùng phát triển trong mối liên kết chuỗi giá trị sản hàng hóa.
Đây là một trong những điểm mới và khác biệt cơ bản của chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016- 2025 (gọi tắt là
Chương trình Nông thôn – Miền núi) so với các giai đoạn trước.
Chỉ ra điểm khác biệt đầu tiên, Tiến sĩ Nguyễn Văn Liễu - Vụ trưởng Vụ phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN cho biết, trong giai đoạn 2016-2025, chương trình tăng cường hỗ trợ cho những vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
Theo đó, mục tiêu của Chương trình trong giai đoạn 2016 - 2025 là xây dựng được ít nhất 2.200 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN có hiệu quả, có quy mô phù hợp với vùng sinh thái của từng địa bàn nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Trong số này có ít nhất 30% các mô hình thực hiện ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số.
Một điểm đặc biệt của chương trình trong giai đoạn này là thúc đẩy, tăng cường dự án có liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trực tiếp sản xuất, trong đó doanh nghiệp thành hạt nhân phát triển từ đó giúp nông dân cùng phát triển trong mối liên kết chuỗi giá trị sản hàng hóa.
TS Nguyễn Văn Liễu đánh giá, qua từng giai đoạn triển khai thực hiện chương trình thì số doanh nghiệp tham gia thực hiện các dự án ngày một tăng.
“Trong hai năm triển khai thực hiện dự án thuộc Chương trình giai đoạn này, sơ bộ thống kê chúng tôi thấy có khoảng 70% dự án là do doanh nghiệp chủ trì thực hiện. Nhiều dự án khác không do doanh nghiệp chủ trì nhưng cũng có tham gia phối hợp thực hiện” – TS Liễu nói và đánh giá việc doanh nghiệp tham gia thực hiện các dự án thuộc chương trình đã đảm bảo cho sự thành công của các dự án án bởi lẽ doanh nghiệp là hạt nhân trong chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, doanh nghiệp trực tiếp sản xuất hoặc tạo được sự kết nối trong chuỗi sản xuất, lo được việc tiêu thụ sản phẩm cho sản xuất.
"Hơn nữa, do doanh nghiệp là tổ chức kinh tế nên có điều kiện hơn về vốn đối ứng (vốn tự có) hoặc huy động vốn đối ứng (vốn vay từ ngân hàng). Chính những lợi thế này nên chương trình rất ưu tiên cho các dự án do doanh nghiệp chủ trì hoặc có liên kết với doanh nghiệp thực hiện"- TS Nguyễn Văn Liễu khẳng định.
Quan điểm của Quyết định 1747/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Nông thôn - Miền núi giai đoạn 2016-2025:
- Việc hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ phù hợp với năng lực tiếp thu của người dân, phát huy được lợi thế so sánh từng vùng miền, phát huy được các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện Chương trình để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
- Tập trung ưu tiên cho hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; các dự án có sự tham gia của các doanh nghiệp với vai trò là hạt nhân trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa, tạo sinh kế cho người dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
- Chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phải đi đôi với công tác đào tạo phát triển đội ngũ cán bộ cho cơ sở, nâng cao năng lực ứng dụng khoa học và công nghệ của người dân. |
Phương Thúy