Việc cải tổ chính phủ tại Anh đã dường như là sự giáng cấp vai trò của khoa học, dẫn đến nhiều khó khăn trong thực hiện những cam kết đầy hoa mỹ về khoa học và đổi mới sáng tạo của các chính phủ trước đây.
Hai tháng sau khi Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson giành chiến thắng thuyết phục trong một cuộc tổng tuyển cử và hai tuần sau khi Anh chính thức rời EU, quốc gia này đã chính thức công bố bổ nhiệm bà Amanda Solloway vào vị trí Bộ trưởng Bộ Khoa học, trong Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp (BEIS), nơi khoa học chỉ là một lĩnh vực trong nhiều lĩnh vực mà bộ này quản lý, thay thế Chris Skidmore, người đảm nhiệm chức vụ này hai lần kể từ năm 2018.
Bà Solloway lần đầu tiên được bầu cử vào Nghị viện năm 2015 và sau đó là đại diện cho vùng Trung Anh Midlands. Được phân công nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Khoa học, bà sẽ quản lý một khoản ngân sách dành cho nghiên cứu hằng năm là 8 tỉ bảng (10,3 tỉ USD), tuy nhiên bà lại không có kinh nghiệm quản lý một bộ nào và vai trò của bà ở cơ quan đầu não này lại hoàn toàn khác biệt với những người tiền nhiệm. Lần đầu tiên kể từ năm 2010, người phụ trách khoa học không hề “cai quản” các trường đại học – nơi thực hiện phần lớn nghiên cứu do nhà nước tài trợ. Trên thực tế, bà Solloway chỉ đóng vai trò như một thứ trưởng phụ trách khoa học, còn mảng quản lý các trường đại học sẽ quay trở lại Bộ Giáo dục với người phụ trách mới Michelle Donelan.
Những thông điệp hỗn hợp
James Wilsdon, một nhà nghiên cứu về chính sách khoa học ở trường Đại học Sheffield, Anh thì cho rằng sự thay đổi về vai trò của người lãnh đạo là một dấu hiệu cho thấy những người ở vị trí cao nhất của chính phủ muốn giữ việc chỉ đạo trực tiếp chương trình khoa học. Chính phủ của ông Johnson đã có những mục tiêu đầy tham vọng cho khoa học – từng hứa hẹn gia tăng đầu tư cho nghiên cứu và thiết lập một cơ quan sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong đầu tư cho những nghiên cứu đỉnh cao theo mô hình Quỹ Quản lý dự án nghiên cứu tiên tiến của Bộ Quốc phòng Mỹ. Những hành động này cho thấy khao khát đặt con người có những kỹ năng và phẩm chất khoa học vào vị trí gần hơn với trung tâm hoạch định chính sách.
“Lo ngại lớn nhất là liệu Amanda Solloway có là một Bộ trưởng Khoa học trên danh nghĩa hay không,” Wilsdon nói. Việc bổ nhiệm này “củng cố thêm nghi ngờ là quyền lực điều khiển thực sự ở đằng sau các chính sách khoa học Anh, hay ít nhất đến thời điểm này, sẽ vẫn là Dominic Cummings Dominic Cummings, cố vấn chính trị và nhà chiến lược chính trị của Johnson và những người đứng đầu chính phủ”.
Theo quan điểm của Ian Taylor, một cựu Bộ trưởng khoa học trong chính phủ do Đảng Bảo thủ nắm quyền, vẫn còn lo ngại về khả năng là Solloway và cộng sự của bà sẽ phải chờ đợi sự cho phép của những người phụ trách Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp và các quan chức cấp cao trong chuỗi quyền lực trước khi chính thức đưa ra các quyết định. Và như một bộ trưởng còn non kinh nghiệm, Solloway sẽ không được vào giữ vị trí trong nhóm hoạch định chính sách cấp bộ, Taylor cho biết thêm.
Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp không hề phản hồi câu hỏi về việc “giáng cấp” của Nature.
Nhiều thách thức
Flanagan và những người khác nói với Nature là dẫu sao thì các nhà khoa học không phải lo ngại quá lâu về việc cần có một bộ trưởng có trách nhiệm với cả hai mảng là các trường đại học và nghiên cứu bởi những vai trò này trong quá khứ đã được phân cho hai bộ trưởng riêng rẽ. “Với tôi, chất lượng của từng bộ trưởng còn quan trọng hơn cả cấu trúc của các công việc mà họ nắm giữ”, Graeme Reid, một cựu quan chức chính phủ trước đây và hiện đang nghiên cứu về chính sách khoa học tại trường College London.
Reid cho biết, Solloway có một “chương trình nghị sự rõ ràng phía trước mặt”. Bà cần công khai một kế hoạch để đưa việc đầu tư cho khoa học của Anh đạt tới mức 2,4% GDP, “điều mà ba bộ trưởng khoa học trước đây của đảng Bảo thủ chưa có khả năng làm được”, Reid nhận xét. Trong khi đó, Robert Lechler, chủ tịch Viện Hàn lâm Các khoa học y học (Academy of Medical Sciences), kêu gọi Solloway “dành thời gian để kết nối và hiểu được nhu cầu của khoa học” và gắn kết hơn với Donelan, “để hiểu hơn về sức mạnh của khoa học Anh trong việc gắn kết với những trường đại học hàng đầu thế giới.”
Trong khi đó, Daniel Rathbone, Phó Giám đốc tổ chức NGO Campaign for Science & Engineering cho rằng, “bà sẽ đóng vai trò đảm bảo sự ghép nối chính trị giữa giới nghiên cứu hàn lâm và nghiên cứu trong ngành công nghiệp và những tác động của khoa học với toàn bộ nền kinh tế thông qua các quyết định phân bổ ngân sách nghiên cứu trong các trường đại học.”
Và khi chính phủ dẫn dắt những cuộc vận động hành lang về tương lai của mối hợp tác giữa khoa học Anh với EU, Reid mong muốn minh bạch hơn về việc liệu Anh sẽ tham gia Horizon Europe, chương trình đầu tư cho nghiên cứu lớn nhất EU với tổng kinh phí 100 tỉ bảng (tương đương 109 tỉ USD), như một quốc gia thành viên hay không. Với phần lớn các nhà khoa học hàng đầu Anh thì điều này được xem là yếu tố cốt lõi cho tương lai của khoa học Anh. Dẫu vậy, chính phủ vẫn còn chưa xác nhận về việc liệu mối liên kết với Horizon Europe của Anh sẽ là một phần của cuộc đàm phán với EU hay không.
Anne Glover, chủ tịch Hội khoa học hoàng gia Edinburgh, Scotlandand và là một cựu cố vấn khoa học của Hội đồng châu Âu, cũng đồng ý về vai trò kết nối của Solloway để định hình tương lai của khoa học Anh với EU và các đối tác quốc tế khác trong nhiều lĩnh vực nòng cốt như nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và di cư.
Về tổng thể, có quá nhiều thách thức dành cho bà Solloway. “Đây là cuộc thay đổi thứ tư người nắm giữ vị trí này trong vòng chưa đầy 12 tháng,” Martin Rees, thành viên của Hội Thiên văn học hoàng gia Anh nhận xét. “Hãy hi vọng là Amanda Solloway sẽ ở lại vị trí này đủ thời gian để tăng tốc một nhiệm vụ đầy thách thức và phức tạp”.