Nhiều nhà khoa học gian lận để tăng số lượt trích dẫn cho các bài báo của mình; tuy nhiên, hành vi này sẽ để lại những dấu vết nhất định có thể rà soát trong hồ sơ trích dẫn, theo hai nhà nghiên cứu đang phát triển công cụ phát hiện gian lận.

Ảnh: Nature
Ảnh: Nature

Mới đây, nhà tin sinh học Jonathan Wren và Constantin Georgescu, đều đang làm việc tại Oklahoma Medical Research Foundation (OMRF), đăng một bản phân tích các kiểu trích dẫn của 20.000 tác giả lên máy chủ bioRxiv1. Theo Wren và Georgescu, khoảng 80 tác giả trong số đó có các kiểu trích dẫn cho thấy hành vi thao túng trích dẫn “mãn tính, lặp đi lặp lại”. Các kiểu trích dẫn cũng cho thấy, khoảng 16% tác giả trong phân tích “có thể đã thao túng danh sách tham khảo ở một mức độ nào đó”, hai nhà nghiên cứu cho biết.

Dấu hiệu

Các nhà nghiên cứu thường phàn nàn rằng những người bình duyệt yêu cầu họ thêm các tài liệu tham khảo không cần thiết vào bài báo, đây là hành vi thao túng/ cưỡng ép trích dẫn để người bình duyệt làm tăng số lượng trích dẫn cho bản thân.

Các cuộc khảo sát cho thấy khoảng 1/5 các nhà khoa học đã gặp phải hành vi này. Năm ngoái, nhà xuất bản Elsevier cho biết, sau khi kiểm tra hồ sơ phản biện tại các tạp chí của mình, họ đã điều tra một số nhà khoa học mà họ nghi ngờ cố tình thao túng quy trình bình duyệt để gia tăng số lượng trích dẫn cho bản thân. Các tác giả đôi khi cũng đồng lõa để trích dẫn lẫn nhau.

Wren bắt đầu nghiên cứu các kiểu trích dẫn sau khi ông phát hiện một trường hợp kỳ lạ: một nhà vật lý sinh học Hoa Kỳ được trích dẫn nhiều, nhưng có vẻ như đã liên tục thao túng quy trình bình duyệt để có thêm trích dẫn. Nhà nghiên cứu đó, theo Nature đưa tin, là Kuo-Chen Chou, sau đó đã bị cấm làm các vị trí phản biện, biên tập tại các tạp chí Bioinformatics, Journal of Theoretical Biology, Database. Chou nói với Nature rằng ông không “cưỡng ép người được đánh giá.”

Wren nói rằng sau khi phát hiện ra hành vi của Chou, ông bắt đầu nhận được email từ các nhà nghiên cứu yêu cầu kiểm tra hồ sơ của các học giả khác mà họ cho rằng có thể liên quan đến việc thao túng/ gian lận trích dẫn. Nhưng vì hầu hết các quy trình bình duyệt đều được bảo mật, Wren hy vọng sẽ phát hiện ra những trường hợp gian lận thông qua kiểm tra các hồ sơ trích dẫn. Việc tự trích dẫn thì rất dễ phát hiện, nhưng quyết định xem đâu là dấu hiệu thao túng/ gian lận liên quan đến các tác giả khác thì khó hơn nhiều.

Wren và Georgescu phát hiện ra rằng điểm chung giữa tất cả các dấu hiệu gian lận là độ thiên lệch tổng thể, hoặc phân phối không đồng đều các trích dẫn mà các nhà khoa học nhận được. Chẳng hạn như nhận được trích dẫn qua một số các “khối” trích dẫn liên tiếp (thay vì nhiều trích dẫn đứng riêng lẻ hơn), hoặc nhận một số lượng trích dẫn quá lớn chỉ từ một tạp chí.

Wren và Georgescu không có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu về nghiên cứu của tất cả các nhà khoa học, vì vậy họ đã phân tích hồ sơ công khai trong cơ sở dữ liệu PubMed. Trong khoảng 20.000 nhà khoa học mà họ phân tích, khoảng 80 - bao gồm Chou - có các kiểu trích dẫn cực kỳ thiên lệch, cùng với các dấu hiệu khả nghi khác. Nghiên cứu cho thấy các nhà nghiên cứu có những kiểu trích dẫn kỳ lạ cũng có xu hướng tự trích dẫn bản thân rất nhiều.

Một trường hợp mà Wren cho trang tin Nature xem, là Dimitrios Roukos, một nhà nghiên cứu ung thư tại Đại học Ioannina ở Hy Lạp. Từ năm 2009 đến năm 2014, Roukos thu được gần 2.000 trích dẫn từ 71 bài báo trên một tạp chí, Surgical Endoscopy. Mỗi nghiên cứu đã trích dẫn công trình của Roukos khoảng 20-30 lần, và được viết bởi các đồng nghiệp hoặc người cố vấn của ông. Roukos đã không trả lời yêu cầu bình luận. Ngoài ra Wren không trực tiếp nêu tên các nhà nghiên cứu trong bài báo vì lo ngại pháp lý, nhưng ông phân tích chi tiết một số hồ sơ cá nhân và sẵn sàng cung cấp số liệu đầy đủ nếu được yêu cầu.

Thay đổi

Phân tích của Wren chỉ chỉ ra các kiểu trích dẫn bất thường, và không thể đánh giá chắc chắn xem liệu một nhà nghiên cứu có thực sự thao túng trích dẫn hay không, có thể có những lời giải thích hợp lý cho những kiểu phân phối trích dẫn kỳ lạ, Wren lưu ý. Ông coi các kiểu trích dẫn thiên lệch, phân phối không đồng đều, là dấu hiệu để điều tra thêm.

Wren cho biết ông muốn những người biên tập và người đánh giá phát triển một cơ sở dữ liệu giúp làm rõ những trích dẫn nào đã được thêm vào trong quá trình bình duyệt. Vincent Lariviere - nhà trắc lượng thư mục Đại học Montreal ở Canada, và Ludo Waltman - nhà trắc lượng thư mục tại Đại học Leiden ở Hà Lan, cũng đều nói rằng việc minh bạch hóa các báo cáo bình duyệt có thể giúp giải quyết vấn đề này.

Tuy nhiên Waltman cho biết vấn đề cơ bản khuyến khích thao túng trích dẫn là các nhà khoa học thường được thưởng và nhận được các lợi ích dựa trên số lượng trích dẫn mà họ có được. Đây là điều cốt lõi cần phải thay đổi, Waltman nói.