Nhờ ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong y học, các bác sĩ Việt Nam có thể chẩn đoán sớm, chính xác, phát hiện tái phát, di căn, đánh giá chính xác giai đoạn bệnh cho nhiều loại ung thư và một số bệnh lý khác.

GS.TS Mai Trọng Khoa - Phó giám đốc Bệnh Viên Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - cho biết như vậy khi nói về việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư.

Kỳ diệu năng lượng bức xạ ion hóa

Khó ai có thể tin một bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn cuối (giai đoạn B4) đã bắt đầu di căn lại có thể chữa khỏi bệnh. Thế nhưng điều kỳ diệu đó lại xảy ra với PGS.TS Đỗ Quốc Hùng - Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai.

Vào năm 2012, TS Hùng đột nhiên thấy mình bị ho kéo dài, dùng kháng sinh điều trị tới vài đợt mà không hề thuyên giảm. Đi chụp X-quang phổi, ông được hội đồng chuyên khoa chẩn đoán mắc ung thư giai đoạn 4B. Với suy nghĩ “còn nước còn tát”, ông đến gặp GS.TS Mai Trọng Khoa để tư vấn, sau đó được áp dụng các kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa để chữa trị. Cụ thể, bằng kỹ thuật PET/CT, các bác sĩ tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu xác định tính chất, đặc điểm của khối u và tình trạng di căn, xây dựng phác đồ điều trị thích hợp. Sau 6 tháng dùng kỹ thuật xạ trị điều biến liều (Intensitive moderation radiotherapy: IMRT), khối u ung thư phổi trong cơ thể ông Hùng đã biến mất.

Sau nhiều lần can thiệp và điều trị bằng năng lượng bức xạ ion hóa, đến nay, không ai biết TS Hùng từng bị ung thư giai đoạn cuối bởi ông vẫn có thể đi khám chữa bệnh cho người nghèo ở vùng sâu, vùng xa và tham gia hoạt động thể dục, thể thao.

“Điều thần kỳ là tất cả chỗ di căn không còn dấu vết gì. Tôi còn nhớ trước kia bệnh di căn lên xương sườn nhưng vết đấy không còn, chỉ còn duy nhất khối u trên phổi trái rất nhỏ như tổn thương thứ phát, giống như cái sẹo” - TS Hùng vui mừng chia sẻ.

Theo GS Mai Trọng Khoa, tính đến nay, Trung tâm YHHN và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện được hơn 60.000 mẫu xét nghiệm bằng kỹ thuật miễn dịch phóng xạ (Radioimmunoassay: RIA). Hơn 60.000 bệnh nhân ung thư các loại được chẩn đoán bằng kỹ thuật PET/CT, SPECT. Hơn 3.400 bệnh nhân u não và một số bệnh lý sọ não được điều trị bằng dao gamma quay (Rotating gamma knife: RGK); 6.200 bệnh nhân ung thư được điều trị bằng máy xạ trị gia tốc tuyến tính với kỹ thuật xạ trị điều biến liều (Intensity Modulated Radiatio Therapy: IMRT) và kỹ thuật 3D kết hợp hình ảnh PET/CT hoặc CT mô phỏng. Hơn 2100 bệnh nhân ung thư tuyến giáp và 1500 bệnh nhân bướu tuyến giáp lan toả nhiễm độc được điều trị bằng I-131...

Bệnh nhân ung thư phổi đang được chụp bằng kỹ thuật PET/CT tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu. Ảnh HM.
Bệnh nhân ung thư phổi đang được chụp bằng kỹ thuật PET/CT tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu. Ảnh HM.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Có thể thấy việc ứng dụng năng lượng bức xạ trong y tế thời gian qua được chú trọng ở cả 3 lĩnh vực: Điện quang, y học hạt nhân và xạ trị. Việc ứng dụng này đã giúp các bác sĩ Việt Nam chẩn đoán sớm, chính xác, phát hiện các tái phát, di căn, đánh giá chính xác giai đoạn bệnh cũng như đánh giá hiệu quả điều trị cho nhiều loại ung thư khác nhau và một số bệnh lý khác. Trên cơ sở đó, bác sĩ có thể đưa ra các phương pháp điều trị chính xác, phù hợp, hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân. Đặc biệt, các ứng dụng này đã góp phần giải quyết khó khăn trong chẩn đoán và điều trị ung thư tái phát, di căn, điều mà các phương pháp điều trị trước đó không đáp ứng được. Những thành công nêu trên đã tạo niềm tin cho nhiều bệnh nhân ung thư là người Việt Nam ở lại điều trị trong nước, đồng thời đã tạo được uy tín trong khu vực.

GS.TS Mai Trọng Khoa chia sẻ về việc ứng dụng năng lượng bức xạ trong điều trị bệnh ung thư. Ảnh: HM.
GS.TS Mai Trọng Khoa chia sẻ về việc ứng dụng năng lượng bức xạ trong điều trị bệnh ung thư. Ảnh: HM.

Tuy nhiên, theo GS Mai Trọng Khoa, hiện công tác xạ trị vẫn còn nhiều hạn chế do thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ được đào tạo đúng chuyên khoa, có kinh nghiệm. Hiện ngành y tế chưa có quy hoạch cho việc phát triển các khoa xạ trị nói riêng.

“Cơ sở vật chất của các đơn vị X quang và y học hạt nhân còn nghèo nàn, thiếu trang thiết bị cơ bản và hiện đại phục vụ chẩn đoán và điều trị. Cơ sở vật chất và trang thiết bị chưa đồng bộ ở tại các bệnh viện tuyến trung ương và các bệnh viện tỉnh, huyện. Chưa có cơ sở cung cấp nguồn thuốc phóng xạ đủ cho nhu cầu thực tế” – GS Khoa nói.

Trước khó khăn này, đào tạo nhân lực cũng như nâng cấp trang thiết bị là nhiệm vụ quan trọng đặt ra trong thời gian tới. Trong đó, cần tập trung đào tạo nhân lực là các kỹ sư vật lý, phóng xạ y học; kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh; y học hạt nhân; an toàn bức xạ, cán bộ hóa dược phóng xạ.