Vòm dữ liệu, nơi tập trung và trực quan hóa các dữ liệu của thành phố Bristol – một phòng thí nghiệm sống của công nghệ IoT ở Anh. Nguồn: Bristol Is Open
Theo báo cáo “Internet Vạn vật: Nền tảng mới cho quan hệ
chính phủ - doanh nghiệp” của World Bank công bố trong một sự kiện được World
Bank và Bộ KH&CN tổ chức gần đây, các dự án IoT thành công trên thế giới mới
ở mức thí điểm và chưa vượt qua quy mô ngoài một thành phố. Các sáng kiến IoT
chỉ tập trung ở một số ý tưởng na ná giống nhau. Đó còn chưa kể, chính sách và
cơ sở hạ tầng, kể cả ở những nước phát triển cũng chưa đáp ứng được việc áp dụng
IoT trên diện rộng.
Báo cáo chỉ ra rằng, để IoT có thể áp dụng rộng rãi, chính
phủ có vai trò quan trọng. Điểm chung của một số ít ỏi những dự án thành công
trên thế giới nằm ở việc chính quyền kiên trì theo đuổi việc áp dụng IoT, thậm
chí lãnh đạo còn là người am hiểu và thành thạo về công nghệ. Chính quyền mới
có thể tạo ra một cơ chế, nền tảng để khối chính phủ, viện nghiên cứu và doanh
nghiệp cùng phối hợp phát triển các giải pháp phục vụ người dân trên diện rộng.
Bên cạnh đó là đầu tư cho cơ sở hạ tầng viễn thông và tạo ra những “phòng thí
nghiệm sống” cho những giải pháp và chính sách mới.
Hai câu hỏi cần được
trả lời
Theo anh Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc công ty DTT, từng
triển khai một số các dự án IoT thử nghiệm ở Hải Phòng, Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí
Minh, phát biểu tại sự kiện, Việt Nam hiện nay hoàn toàn có thể làm chủ các giải
pháp phần mềm và phần cứng sơ bộ. Tuy nhiên, các dự án IoT do tư nhân triển
khai chỉ có ảnh hưởng và quy mô khiêm tốn nếu nhà nước thiếu một tầm nhìn về việc
phát triển công nghệ này.
Anh Trung cho biết, đây là “câu chuyện 20 năm” và trước hết
chính phủ phải xác định được động lực để phát triển IoT là gì: để tạo ra những
mô hình thành phố thông minh giống như Singapore, Estonia nhằm bán gói giải
pháp cho cả thế giới hay để tối ưu hiệu quả kinh tế xã hội như các quốc gia
khác? Ngoài ra, có hai hướng để chính phủ phối hợp với tư nhân: Đầu tư vào những
công nghệ chưa thấy rõ hiệu quả, nhưng có thể làm được ngay hay đầu tư vào những
công nghệ rất hiệu quả nhưng chưa ai làm được?
Những người tham gia sự kiện có phần nghiêng về đáp án thứ
hai, cho cả hai vấn đề trên. Ông Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm phân tích và
dự báo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) gợi ý, trong rất nhiều lĩnh vực
và công nghệ liên quan đến IoT, Việt Nam nên mạnh dạn đầu tư cho ngành Khoa học
dữ liệu và giáo dục STEM, cụ thể là tập trung vào hai kỹ năng lập trình và toán
(để phân tích, nhận diện các mẫu trong khối lượng dữ liệu lớn).
Ông cũng cho rằng Việt Nam nên phát triển nền tảng IoT của
mình, dù có thể mất một cái giá cao hơn việc nhập khẩu từ nước ngoài vì “thà
đánh đổi hiệu quả kinh tế còn hơn là mất an ninh và quyền sở hữu tài nguyên số
quốc gia”.
Đồng tình với ý kiến của ông Thắng, ông Nguyễn Thái Hưng,
nguyên đại diện tập đoàn Siemens tại Việt Nam, cho biết, từ kinh nghiệm của cá
nhân ông, Việt Nam từ trước đến nay quá chú trọng đến khâu tự động hóa mà bỏ
qua việc “tối ưu hóa hiệu quả công việc dựa trên dữ liệu”. Ông cho rằng, khái
niệm “vật” trong internet của vạn vật nên hiểu là những hệ thống nhà máy lớn và
để kết nối chúng cần những trí tuệ chuyên ngành kết hợp với công nghệ thông
tin. Về việc phát triển nền tảng, ông cũng gợi ý là nên xây dựng các nền tảng
IoT tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Trên thực tế, theo ông Trần Đình Khả, Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ
TT&TT), chính phủ Việt Nam cũng bắt đầu nhận thức về tầm quan trọng của dữ
liệu, và đang có ý tưởng xây dựng khung pháp lý về quản lý, tái tạo, tạo ra,
làm chủ dữ liệu để phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội.