Những kiến nghị sửa đổi, bổ sung về tài chính
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo thường vụ Quốc hội tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Theo đó ông Nhạ cho biết, qua 12 năm thực hiện, Luật Giáo dục đã nảy sinh một số điểm chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, vì vậy dự kiến cần sửa đổi, bổ sung đối với 50 điều, bãi bỏ 10 điều, bổ sung 1 mục và 3 điều mới, bỏ hoặc thay thế một số thuật ngữ để phù hợp với pháp luật hiện hành, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay.
Cụ thể, dự thảo Luật sửa đổi tập trung vào ba nhóm chính sáchlà đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo; chính sách đối với học sinh, sinh viên sư phạm.
Trong đó, một nội dung quan trọng được đề xuất thay đổi là chính sách không thu học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm được thực hiện trong 20 năm trở lại đây (từ Luật Giáo dục năm 1998; Luật Giáo dục năm 2012và các văn bản hướng dẫn, mới đây nhất là quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ).
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo khẳng định, thực tế chứng minh trước đây chính sách trên đã thu hút rất nhiều học sinh giỏi vào các trường sư phạm, giúp con em nhiều gia đình khó khănđược đến trường, bớt phần gánh nặng cho gia đình, xã hội và sau đó trở thành những giáo viên giỏi, có nhiều cống hiến cho giáo dục. Nhưng đến nay, nhu cầu của thị trường lao động đã có sự thay đổi, số sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành còn nhiều, gây lãng phí rất lớn nguồn nhân lực sư phạm.
Nhóm cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội tại Ngày hội Triển lãm thành tựu khoa học công nghệ của trường. Ảnh: Anh Tuấn
“Vì vậy, học sinh, sinh viên sư phạm cũng cần đóng học phí như học sinh, sinh viên các ngành học khác. Tuy nhiên, để thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên sư phạm, dự thảo Luật quy định về tín dụng sư phạm và quy định sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể chế độ tín dụng sư phạm và chính sách bồi hoàn kinh phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm” – ông Nhạ nói.
Cũng quan tâm đến lĩnh vực tài chính cho giáo dục, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn về vấn đề học phí bậc giáo dục tiểu học. Dẫn Hiến pháp 2013 quy định “giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, theo quy định nàycác trường tiểu học công lập sẽ không được thu học phí của học sinh, tuy nhiên chính sách về cơ chế tài chính đối với các trường tiểu học ngoài công lập (tư thục, dân lập, các trường có vốn đầu tư nước ngoài, các trường phi lợi nhuận) lại chưa được đề cập.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết trên thực tế, mức phí ở các trường tiểu học ngoài công lập thu hiện nay rất khác nhau. Do vậy, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục cần quy định cụ thể vấn đề này.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng bày tỏ quan điểm về chính sách đầu tư cho giáo dục, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định rõ tỷ trọng và nội dung đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo, làm căn cứ để giám sát hiệu quả sử dụng tài chính trong giáo dục.
Cần làm rõ triết lý giáo dục và tập trung vào những vấn đề bức xúc
Tại Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bàyđã nêu rõ quan điểm tán thành với sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục.
Thường trực Ủy ban này cơ bản nhất trí với quan điểm: Trên cơ sở rà soát toàn diện các chính sách, quy định của Luật Giáo dục hiện hành; kết quả tổng kết việc thực hiện Luật Giáo dục thời gian qua, Dự thảo Luật tập trung sửa đổi những nội dung thật sự bức xúc, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhận định Luật Giáo dục là luật quan trọng, cần phải mở rộng phạm vi điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, và toàn diện như quan điểm được nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW. Một trong bảy quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết này nêu rõ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục-đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học.
Đồng tình với việc cần thiết phải sửa đổi Luật Giáo dục, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước để thể chế hóa các chính sách cơ bản, tập trung làm rõ triết lý giáo dục, các điều kiện bảo đảm để phát triển giáo dục có chất lượng. Đồng thời, cần nghiên cứu để đưa ra những quy định mang tính dự báo, đặt nền móng và tạo cơ sở pháp lý để triển khai những chính sách giáo dục mới.
Trong phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội; đề nghị Ban soạn thảo xem xét cân đối lại các luận cứ của Tờ trình; đồng thời rà soát kỹ các nội dung sửa đổi để hoàn chỉnh dự án Luật, đảm bảo tính kế thừa, tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn.