Chuyên gia Hùng Đặng, nhà sáng lập của Startup Elite gửi cho KH&PT trải nghiệm của mình, và có lẽ của nhiều người trẻ khác, trong hành trình khởi nghiệp.

Hùng Đặng
Hùng Đặng

Mình làm startup từ 2002, hồi đó bắt đầu từ công ty về e.commerce – thương mại điện tử, sau đó làm về IVR – tổng đài ảo và nhiều thứ nữa. Đến nay đã lập ra hơn 10 công ty, đa số chết nhưng cũng may có cái phát triển được. Cũng đã có công ty được mua cổ phần định giá cao nhưng mình vẫn nghĩ là chưa startup thành công.

Những thất bại nhiều, theo đủ kiểu, đến mức mình nghĩ sau này nếu làm được một startup thành công và viết tự truyện thì phần nói về thất bại chắc sẽ rất hay vì quá nhiều tư liệu. Cho đến giờ mình vẫn cố gắng kiếm tư liệu cho phần startup thành công để viết sách mà chưa được. Kể lan man vậy để mọi người biết là mình không phải là amateur về startup. Với trải nghiệm như vậy, sau này gặp các bạn startup, mình thấy lại những gương mặt của chính những thất bại của mình trong quá khứ. Dưới đây là những sai lầm kinh điển hay gặp ở các startup Việt:

1. Nhầm SME – doanh nghiệp vừa và nhỏ với Startup: Startup là phải tạo được thị trường mới hoặc hiệu quả gấp 10 lần hiện tại trên thị trường cũ, phải có khả năng sinh lời, lặp lại và khả năng nhân rộng cực lớn. Nếu đủ bộ như thế mới được coi là startup, còn không chỉ là SME. Nếu nhầm hai loại với nhau thì chắc chắn hỏng vì startup thì cần học hỏi nhiều mới tới được điểm hoà hợp thị trường để mong có lãi, còn SME thì lại phải cố gắng có lãi càng sớm càng tốt. Nếu nhầm SME thành startup, bạn sẽ tốn nguồn lực để học hỏi những thứ cũ như trái đất và không scale up được. Nếu nhầm startup thành SME, bạn sẽ cố gắng bán thứ rất hay nhưng chưa hoàn thiện khiến khách hàng quay lưng với bạn (Mình chết nhiều vì lỗi này).

2. Theo đuổi những ý tưởng vĩ đại: Hôm nay có bạn cãi sống cãi chết rằng Tiki, Thế giới di động không phải startup vì mô hình của họ đã có từ lâu, chẳng qua họ đi trước. Với bạn ấy, startup phải là một công nghệ mới, kiểu như ô tô bay (nếu bạn có đọc bài này cũng đừng nghĩ đây là vấn đề cá nhân nhé!).

Có lẽ bạn ấy không biết đằng sau sự vươn lên của Tiki không chỉ là tiền. Mình chơi với gíám đốc chiến lược của Tiki và đã được nghe bạn ấy kể chuyện về các startup nội bộ của bên đó như thế nào. Còn về Thế giới di động, mình cũng đã được nghe nhiều về cách anh Tài, Huân (người đứng sau rất nhiều startup lẫy lừng ở VN) và đội tech đã tạo nên mô hình kinh doanh bán lẻ hiệu quả như thế nào. Nếu nghĩ đó là một chuỗi cửa hàng bán điện thoại thông thường thì thật sai lầm. Trở lại suy nghĩ là startup phải bắt đầu từ một ý tưởng vĩ đại, mình xin chia sẻ là có tới 4 kiểu startup: tạo thị trường mới, tạo ngách mới trên thị trường cũ, tối ưu hiệu quả trên thị trường cũ và nhái lại mô hình startup thành công ở thị trường đi sau. Trong số đó, việc bắt đầu với những ý tưởng vĩ đại để tạo ra thị trường mới là rủi ro nhất. Nói thẳng là không nên làm ở Việt Nam vì nước mình không phải là thị trường dễ dàng chấp nhận cái mới và ít quỹ VC hỗ trợ nên xác suất thành công cực thấp. Xin hãy nhớ: Việt nam có rất rất ít đất cho những ý tưởng vĩ đại.

3. Không làm cái “must have”: Must have là những sản phẩm mà khách hàng đang tìm kiếm để giải quyết những nhu cầu bức xúc HÀNG NGÀY, họ đã cố gắng tìm nhưng chưa ra và CÓ SẴN TIỀN để chi cho nhu cầu đó. Nếu làm cái must have, bạn sẽ sớm tìm được khách hàng cấp tiến và mở rộng cơ hội học hỏi hoàn hiện sản phẩm với số vốn hợp lý. Nếu không phải must have, bạn sẽ phải chơi cuộc chơi giáo dục thị trường mệt mỏi và đốt tiền rất nhiều.

4. Không gọi vốn: Startup là phải gọi vốn. Có thể nhà bạn giàu, có thể bạn bán được hàng ngay, nhưng dù thế nào, startup cũng phải gắn với gọi vốn vì những lý do sau:

- Gọi vốn để được nhà đầu tư xác tín ý tưởng kinh doanh. Bạn đưa ra gọi vốn sớm, nhà đầu tư sẽ hành hạ bạn bằng những câu hỏi. Nhưng, đó là những điểm yếu bạn cần biết để phát triển. Có thể bạn chưa cần vốn, nhưng chắc chắn tư vấn miễn phí từ các chuyên gia luôn là thứ rất quý giá.

- Gọi vốn để chia sẻ rủi ro: Startup là môn thể thao mạo hiểm. Đừng gánh rủi ro một mình. Hãy chia sẻ với những nhà đầu tư, chuyên gia về quản lý rủi ro để họ gíup bạn giảm bớt và cùng bạn gánh nó.

- Gọi vốn để đo lường hiệu quả: Nếu luôn giữ liên lạc vs các nhà đầu tư và quỹ, bạn sẽ được cập nhật những phản hồi về giá trị hiện tại của công ty, từ đó bạn sẽ thấy được mỗi khách hàng, mỗi đồng doanh thu, mỗi thị trường, mỗi ý tưởng mới của bạn đáng gía thế nào. Từ đó bạn sẽ có một động lực lớn lao để phát triển startup;

- Gọi vốn để scale nhanh khi mô hình đã đạt điểm hoà hợp thị trường. Nếu giai đoạn này bạn không scale nhanh thì sẽ sớm bị vượt bởi 1 loạt các startup đi sau lắm tiền hơn bạn. Các bạn có thể tìm hiểu các giai đoạn của startup với chatbot ở đây: m.me/Quantrivacongnghe.

5. Lười đọc sách, không đi học và ghét mentor: Có cậu em nói với mình rằng cậu không đi học vì muốn giữ cho mình foolish để có thể ra những quyết định cam đảm khi làm startup mà những người biết nhiều sẽ không dám làm. Ok lah! Làm đúng lời Steve Jobs cmnr. Nhưng, hãy nghĩ lại, startup bây giờ không còn làm theo kiểu đào vàng nữa. Sau gần 20 năm phát triển, startup đã có những cơ sở lý thuyết, những cẩm nang rất cụ thể, chỉ cho mình từng câu phải nói với khách hàng như thế nào cho chuẩn. Những kiến thức kiểu như thế bạn đọc sách tiếp thu được 1 thì đi học sẽ tiếp thu được 3 và làm với mentor sẽ tiếp thu được 10. Có hai loại người: Một loại thử điện bằng bút điện, loại thứ hai thì tè vào dây điện. Tất nhiên bạn hoàn toàn có thể làm theo cách bạn muốn.