Những đề xuất bảo hộ nhãn hiệu chặt chẽ hơn và mở rộng cơ hội cho những loại nhãn hiệu mới trong dự thảo sửa đổi Luật SHTT hiện nay không chỉ đáp ứng yêu cầu khi Việt Nam tham gia các “sân chơi” quốc tế mà còn tạo ra một môi trường an toàn hơn cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Vào năm 2000, công ty cà phê Trung Nguyên đã hợp tác với công ty Rice Field ở Mỹ với ý định bước chân vào thị trường này. Sau thời gian tiếp xúc bước đầu, khi chưa kịp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ thì công ty Trung Nguyên “tá hỏa” phát hiện ra phía đối tác Rice Field đã “nẫng tay trên” nhãn hiệu này. Mặc dù khiếu nại ngay lập tức song phải đến hai năm sau, công ty Trung Nguyên mới đòi lại được nhãn hiệu của mình. Để dàn xếp ổn thỏa, công ty Trung Nguyên vẫn phải chấp nhận để công ty Rice Field làm nhà phân phối sản phẩm cà phê của mình tại Mỹ.
Doanh nghiệp dễ bị xâm phạm nhãn hiệu nếu không đăng ký bảo hộ trong quá trình mở rộng thị trường. Ảnh: Cà phê Trung Nguyên nhận được nhiều sự quan tâm trong triển lãm ở Trung Quốc. Nguồn: Dantri
Với nhiều thiệt hại về thời gian và chi phí, trường hợp của Trung Nguyên - một trong những vụ việc đầu tiên về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài, đã trở thành bài học đắt giá cho nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, hơn 20 năm sau, việc doanh nghiệp “đánh mất” nhãn hiệu do không đăng ký bảo hộ tại các thị trường nước ngoài dường như vẫn là câu chuyện quen thuộc hiện nay.
Đăng ký để… chiếm đoạt nhãn hiệu
Liệu vấn đề có phải do các doanh nghiệp đã quá chủ quan không đăng ký bảo hộ sớm? Có lẽ không nên quy toàn bộ trách nhiệm cho doanh nghiệp bởi bản thân họ cũng chỉ là nạn nhân. Để giải quyết ngọn ngành vấn đề này, điều quan trọng là phải giảm thiểu những trường hợp cố ý đăng ký bảo hộ trước với mục đích chiếm đoạt nhãn hiệu. Trên thực tế, hầu hết các nhãn hiệu bị chiếm đoạt thường có danh tiếng và và chỗ đứng nhất định trên thị trường. Do vậy, các đối tượng thường muốn lợi dụng để bán sản phẩm của mình dưới danh nghĩa các nhãn hiệu này, hoặc đầu cơ trục lợi bằng cách bán lại nhãn hiệu cho chủ sở hữu đích thực,...
Tình trạng này không chỉ xảy ra với doanh nghiệp Việt Nam khi bước chân ra thị trường nước ngoài mà ngược lại, không ít doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cũng phải đối mặt với vấn đề này ở Việt Nam. Việc đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu không chỉ gây thiệt hại cho chủ sở hữu chân chính mà còn khiến môi trường kinh doanh kém lành mạnh, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư.
Một trong những trường hợp tiêu biểu là công ty thuốc lá Vinataba trong cả hai vai - vừa là “nạn nhân” bị chiếm đoạt nhãn hiệu khi ra nước ngoài, vừa là “bị cáo” khi ở trong nước. Trong cùng giai đoạn diễn ra vụ việc trên của cà phê Trung Nguyên, vào năm 2002, Vinataba - công ty thuốc lá lớn nhất Việt Nam cũng phát hiện ra nhãn hiệu “Vinataba” đã bị một công ty ở Indonesia đăng ký bảo hộ ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và hầu hết các quốc gia Đông Nam Á. Trước nguy cơ bị mất danh tiếng và thị trường xuất khẩu, Vinataba đã tìm cách lấy lại quyền sở hữu nhãn hiệu. Dù mất khá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc nhưng họ chỉ giành lại được nhãn hiệu ở một số thị trường. Tuy nhiên, đến năm 2016, Vinataba lại ở một tình thế hoàn toàn trái ngược: họ đứng trước nguy cơ bị một công ty thuốc lá Indonesia khởi kiện vì đã nộp đơn đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu thuốc lá của công ty này tại Việt Nam. Vụ việc này “ầm ĩ” đến mức Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ KH&CN và các đơn vị liên quan giải quyết trường hợp này. Do lập luận của Vinataba không đủ thuyết phục, Hội Luật gia Việt Nam đã đề nghị không nên cấp quyền sở hữu các nhãn hiệu trên cho Vinataba, tránh bị công ty của Indonesia kiện ra tòa quốc tế, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam.
Ngăn chặn đối tượng có dụng ý xấu với nhãn hiệu
Trước những vụ việc tranh chấp đăng ký nhãn hiệu ngày càng phức tạp, dự thảo sửa đổi Luật SHTT mới đây đã đề xuất bổ sung quy định hủy bỏ toàn bộ hiệu lực của văn bằng bảo hộ trong trường hợp người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu (bad faith). Điểm mới này được kỳ vọng sẽ gỡ bỏ nút thắt bấy lâu nay: theo quy định hiện hành, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp trong trường hợp người nộp đơn không có quyền đăng ký, thời hạn thực hiện quyền yêu cầu này đối với nhãn hiệu là 5 năm kể từ ngày cấp văn bằng bảo hộ, trừ trường hợp văn bằng được cấp do sự không trung thực của người nộp đơn.
Tuy nhiên, do việc xác định động cơ không trung thực của người nộp đơn không thuộc phạm vi tiêu chuẩn bảo hộ mà chỉ thuộc phạm vi quyền đăng ký, dẫn đến “nhiều trường hợp người nộp đơn mặc dù vẫn đáp ứng điều kiện về quyền đăng ký, nhưng quyền đăng ký này có được do sự không trung thực/dụng ý xấu của người nộp đơn. Chẳng hạn như lợi dụng tên tuổi của những nhãn hiệu nước ngoài chưa đăng ký tại Việt Nam để đăng ký nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với mục đích lợi dụng danh tiếng của nhãn hiệu đó để kinh doanh, hoặc không kinh doanh thực sự mà chỉ nhằm ngăn chặn hoặc tìm cách bán lại các nhãn hiệu này cho các chủ sở hữu nhãn hiệu nước ngoài khi họ vào Việt Nam (tương tự như hoạt động đầu cơ tên miền với dụng ý xấu)”, theo phân tích trong dự thảo sửa đổi. “Do khái niệm ‘không trung thực’ trong quy định hiện này chưa thể hiện rõ ‘động cơ không trung thực/ý đồ xấu’ trong các hoạt động đầu cơ kiểu này, và khái niệm này được đặt ở phần về thời hiệu yêu cầu hủy bỏ, dẫn đến việc áp dụng quy định trên vào thực tế còn khiên cưỡng và không rõ ràng về căn cứ”.
Ngoài mục tiêu góp phần giải quyết vướng mắc trong thực tế đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu, việc bổ sung quy định này còn phù hợp với xu hướng trên thế giới hiện nay. Mặc dù mỗi quốc gia có quy định khác nhau về dụng ý xấu trong đăng ký nhãn hiệu, trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, dường như các quy định về sở hữu trí tuệ nói chung và về dụng ý xấu trong nhãn hiệu ngày càng trở nên chặt chẽ hơn. Chẳng hạn như Trung Quốc - từng phải “đau đầu” trước nhiều vụ việc đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu, đã bổ sung quy định về vấn đề này khi sửa đổi Luật Nhãn hiệu của nước này vào năm 2019.
Mở rộng cơ hội cho những nhãn hiệu mới
Không chỉ tăng cường bảo hộ những nhãn hiệu đang có, dự thảo sửa đổi Luật SHTT lần này còn mở ra cơ hội để các doanh nghiệp đưa các nhãn hiệu mới ra ngoài thị trường thông qua đề xuất giảm thời hạn để người tiêu dùng lãng quên một nhãn hiệu từ 5 năm xuống 3 năm. Cụ thể, cá nhân/tổ chức có thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với các nhãn hiệu đã được bảo hộ nhưng đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực kể từ 3 năm trở lên, thay vì 5 năm như trước kia. Họ cũng có thể đăng ký nếu các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đã bị chấm dứt hiệu lực do không được sử dụng 5 năm liên tục mà không có lý do chính đáng.
Việc quy định một khoảng thời gian cho phép người tiêu dùng có thể quên đi, hoặc chấm dứt mối liên hệ với nhãn hiệu cũ đã không còn hiệu lực là điều cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, “với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế thị trường, số lượng nhãn hiệu xuất hiện càng nhiều, thời gian một nhãn hiệu sinh ra và biến mất khỏi thị trường ngày càng ngắn, do đó, khoảng thời gian để người tiêu dùng quên đi sự tồn tại của một nhãn hiệu là 5 năm đã không còn hợp lý”, theo báo cáo phân tích dự thảo sửa đổi Luật SHTT. Nhu cầu rút ngắn thời gian càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp mới thành lập đang ngày càng gia tăng, kéo theo sự gia tăng số lượng nhãn hiệu xin đăng ký khiến tài nguyên nhãn hiệu bị hạn hẹp. Bởi vậy, “việc giảm thời hạn các nhãn hiệu không được quan tâm sử dụng trong thực tế sẽ tạo điều kiện để các nhãn hiệu mới nộp sau có cơ hội được xác lập quyền sớm hơn, giúp doanh nghiệp kịp thời đưa sản phẩm mang nhãn hiệu ra thị trường”.
Mặc dù ghi nhận đây là một bước tiến mới song để nhãn hiệu thực sự phát huy công dụng trong thực tế, các chuyên gia cũng đề xuất với ban soạn thảo về việc sửa đổi chi tiết hơn vấn đề “sử dụng thực sự” trong quy định chấm dứt hiệu lực của nhãn hiệu do không sử dụng 5 năm liên tục mà không có lý do chính đáng. “Điều quan trọng là sử dụng thực sự, chứ không phải là kiểu sử dụng nói chung, vì chúng tôi cũng như các đại diện khác đã gặp nhiều trường hợp sử dụng mang tính chất giả hiệu (token use) để chống lại việc chấm dứt hiệu lực”, luật sư Nguyễn Thị Thu Hà ở công ty luật Tầm nhìn và Liên danh, bày tỏ trong hội thảo tham vấn về sửa đổi Luật SHTT do Bộ KH&CN tổ chức vào tháng 3 vừa qua. Chẳng hạn, “chủ nhãn hiệu có thể chỉ cần đăng một vài mẩu quảng cáo nhỏ trên một số tờ báo cũng có thể chống lại thành công yêu cầu chấm dứt hiệu lực trong khi trên thực tế nhãn hiệu này không được sử dụng trong thương mại”, luật sư Lê Quang Vinh ở Công ty sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự, nhận xét trong một bài viết trên Lexology.
Bên cạnh những sửa đổi về nhãn hiệu dạng “truyền thống” từ trước đến nay ở Việt Nam là nhìn thấy bằng mắt, dự thảo lần này còn bổ sung thêm đối tượng bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh được thể hiện dưới dạng đồ họa. Trên thực tế, nhãn hiệu âm thanh rất phổ biến trên thế giới do khả năng gây ấn tượng với người tiêu dùng, chẳng hạn, những nhạc chuông riêng của các hãng điện thoại, những âm thanh đặc trưng trong quảng cáo của các nhãn hàng,... chẳng hạn như nhãn hiệu “tiếng rít do ma sát ngón ngón tay trên dụng cụ rửa chén bát” đã được cấp cho sản phẩm nước rửa chén bát của công ty Unilever. Không chỉ bảo đảm cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại quốc tế, đề xuất này còn mở ra cơ hội sáng tạo những nhãn hiệu âm thanh mới cho các doanh nghiệp Việt Nam.