Mỹ đang gỡ bỏ các lệnh cấm tài trợ cho nghiên cứu y tế sử dụng mô bào thai người từ các ca phá thai tự nguyện do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đặt ra.
“Tôi cảm thấy nhẹ nhõm", Alta Charo, giáo sư luật và đạo đức sinh học tại Đại học Wisconsin, Madison, nói. "Tôi rất hoan nghênh việc quay trở lại phương pháp tiếp cận thể hiện trách nhiệm xã hội đối với việc sử dụng mô bào thai trong nghiên cứu".
Chính sách của chính quyền Trump, ban hành vào tháng 6/2019, cấm các nhà khoa học của Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) nghiên cứu trên mô bào thai người - thường sẽ bị bỏ đi sau khi phá thai, nếu không dùng cho nghiên cứu.
Lệnh cấm này cũng đặt ra rào cản cho các nhà khoa học bên ngoài NIH muốn xin tài trợ của liên bang để nghiên cứu trên mô bào thai người, vì họ phải xin chấp thuận của một hội đồng tư vấn đạo đức, chủ yếu bao gồm các nhà khoa học và nhà đạo đức học phản đối việc phá thai. Đến tháng 8/2020, hội đồng này đã từ chối 13 trên 14 đơn xin tài trợ nghiên cứu trên mô bào thai người, trong khi tất cả đề xuất đều được các nhà khoa học bình duyệt cho là xứng đáng nhận tài trợ.
“Đó là một trò hề", Lawrence Goldstein, nhà khoa học thần kinh tại Đại học California, San Diego, và là thành viên duy nhất trong hội đồng tư vấn đạo đức nói trên ủng hộ việc nghiên cứu mô bào thai, nói. “Các đề xuất có giá trị cao, đã trải qua nhiều vòng bình duyệt, đều không qua nổi hội đồng này”.
Theo thông báo mới từ NIH, hội đồng tư vấn sẽ bị giải tán. Và các nghiên cứu của NIH liên quan đến mô bào thai có thể tiếp tục, người phát ngôn của NIH xác nhận.
Mô não của thai nhi được sử dụng trong nghiên cứu về bệnh Alzheimer’s và các bệnh thần kinh khác.
Mô bào thai người rất quan trọng đối với các nghiên cứu về bệnh thần kinh và cả bệnh truyền nhiễm, giúp tìm hiểu bệnh ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển bình thường của thai nhi. Vào tháng 3/2020, các tổ chức nghiên cứu và cơ sở y tế đã kêu gọi chính quyền Trump dỡ bỏ lệnh cấm nghiên cứu trên bào thai người, tạo điều kiện cho việc nghiên cứu cách điều trị Covid-19. (Một số nghiên cứu đòi hỏi phải tạo ra "những con chuột được nhân bản hóa" - có cấy ghép mô bào thai người để mô phỏng hệ thống miễn dịch của con người - và dùng làm đối tượng thử nghiệm các phương pháp điều trị tiềm năng.)
Mô bào thai “là rất cần thiết để nghiên cứu các bệnh nhiễm virus từ HIV, Zika, virus corona và các virus khác”, Hiệp hội Nghiên cứu Tế bào Gốc Quốc tế (ISSCR) viết trong một tuyên bố mới đây, hoan nghênh việc đảo ngược chính sách cấm nghiên cứu trên bào thai người của Mỹ. ISSCR coi đây là hành động “trở lại hướng hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng”.
Các dự án nghiên cứu trên mô bào thai người bị đình trệ dưới thời chính quyền Trump giờ đây có thể được tiếp tục, nhưng tác động của lệnh cấm cũ vẫn có thể kéo dài vì nó đã hạn chế nguồn nhân lực các nhà khoa học muốn tham gia vào lĩnh vực này, Charo lưu ý: “Lệnh cấm trong 2 năm có thể có hiệu lực kéo dài hơn 2 năm”.
Nguồn: