“Các nước phát triển quản lý hồ sơ địa kỹ thuật rất tốt, nhưng ở Việt Nam vẫn chưa có ai quản lý, mạnh ai nấy làm” - PGS-TS Nguyễn Bá Kế - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xây dựng - nhận xét.

Theo ông, hai vấn đề liên quan đến bảo trì công trình là chính sách và kỹ thuật đều đang thiếu và yếu.

“Các nước phát triển quản lý hồ sơ địa kỹ thuật rất tốt, nhưng ở Việt Nam vẫn chưa có ai quản lý, mạnh ai nấy làm” - PGS-TS Nguyễn Bá Kế - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xây dựng - nhận xét. Theo ông, hai vấn đề liên quan đến bảo trì công trình là chính sách và kỹ thuật đều đang thiếu và yếu. Thực trạng trên được ông Kế nêu ra sau hội nghị Geotec Hanoi 2016.

Bảo trì quan trọng không kém thi công

TS Nguyễn Bá Kế dẫn một nghiên cứu mang tính dự báo ở Nhật Bản cho biết, đến năm 2025, hoạt động bảo trì ở nước này sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn xây công trình mới. Nhiều công ty xây dựng sẽ giải thể trong khi số công ty bảo trì, sửa chữa công trình tăng lên.

Công nhân Công ty FECON xử lý nền bằng cố kết chân không. Ảnh: NVCC

Còn ở Việt Nam, ông Kế nhận xét, ngành bảo trì công trình vẫn rất yếu và thiếu: “Bảo trì gồm 3 nội dung là đường lối chính sách, tài chính và kỹ thuật. Về chính sách, gần đây Quốc hội đã thông qua Luật Xây dựng, trong đó có nội dung bảo trì công trình nhưng chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết. Điều quan trọng nhất là sử dụng nguồn tài chính nào để bảo trì thì không quy định rõ, chỉ nêu chung chung là chủ sở hữu bỏ tiền ra. Một vấn đề đáng quan tâm khác là hiện chưa có trường đại học nào dạy môn này. Nói nôm na là chúng ta mới dạy sinh con, còn sinh xong phải chăm sóc ra sao thì không ai dạy” - TS Kế nói.

TS Phùng Đức Long - Chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình - chia sẻ: “Trên thế giới, chi phí xây một công trình bằng chi phí bảo hành, bảo trì trong 20 năm. Điều đó cho thấy việc bảo trì rất quan trọng, nếu không có phương pháp bảo trì thường xuyên thì công trình sẽ nhanh xuống cấp. Nếu bảo trì tốt thì chất lượng công trình sẽ như ban đầu, thậm chí tốt hơn”.

Để khắc phục “lỗ hổng” đó, ông Kế kiến nghị đưa môn bảo trì vào chương trình học cho sinh viên xây dựng: “Ở nước ngoài họ dạy 80 tiết thì Việt Nam cũng cần ít nhất 30-35 tiết. Đây có thể không phải môn học cứng nằm trong khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng cần có như một môn bổ sung cho sinh viên sắp ra trường”.

Quan trắc giúp nâng chất lượng công trình

GS Kazuya Yasuhara - Đại học Ibaraki, Nhật Bản - cho rằng, xây dựng cơ sở dữ liệu đo đạc tại hiện trường là điều quan trọng hàng đầu khi đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến chất lượng công trình. Tuy nhiên, công tác quan trắc, thu thập số liệu ở Việt Nam còn yếu và chưa được quan tâm đầy đủ.

Theo TS Kế, việc thiết kế địa kỹ thuật cần bắt đầu từ khâu khảo sát địa chất, nhưng quy trình và thiết bị khảo sát ở Việt Nam vẫn thô sơ. “Đường mới làm xong đã lún, sụt, lở do nền đất yếu là bởi thông tin đầu vào của địa kỹ thuật không đủ, không đáng tin cậy, do đó không thể có thiết kế tốt. Những yếu tố này cần được phát hiện trong quá trình khảo sát để có giải pháp phù hợp khi thiết kế thi công” - ông Kế nói.

Do đó, theo ông ngoài việc nâng chất lượng của kỹ sư, trang thiết bị, với những công trình quan trọng cần có sự phân loại rõ ràng công ty địa kỹ thuật nào được phép khảo sát và thi công.

“Các nước phát triển quản lý hồ sơ địa kỹ thuật rất tốt, nhưng ở Việt Nam vẫn chưa có ai quản lý, mạnh ai nấy làm. Nếu quản lý tốt, chính xác ở số liệu đầu vào, ta sẽ tạo được ngân hàng dữ liệu cho từng vùng để khi khảo sát, các kỹ sư địa chất sẽ có thông tin để đối chiếu với thực tế trước khi thiết kế thi công” - TS Kế nói.