Trung Quốc phát thải hơn một phần tư lượng khí thải carbon dioxide hằng năm của thế giới, nhưng lại là nước đi sau trong cam kết giảm lượng phát thải.
Các nghiên cứu khoa học làm nền tảng cho báo cáo của IPCC cho thấy nếu nhiệt độ tăng 2°C thì tình hình khí hậu của Trung Quốc sẽ như thế nào. Ví dụ, một nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc năm 2018 cho thấy lũ lụt mùa hè, như trận lũ lụt năm 2010 đã giết chết hơn 3.000 người và gây thiệt hại kinh tế hơn 50 tỷ USD, sẽ có khả năng xảy ra nhiều hơn gấp ba lần.
Trận lũ lụt tháng 7 năm nay ở Trịnh Châu, thuộc tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, là một lời nhắc nhở rõ ràng về hệ quả của các sự kiện thời tiết khắc nghiệt: người dân mắc kẹt trong các tàu điện ngầm và đường hầm, và cuối cùng gần 300 người thiệt mạng và 1,5 triệu người phải di dời. Ngay cả đối với các nhà khoa học khí hậu ở Trung Quốc, mức độ nghiêm trọng của lũ lụt lần này cũng đáng ngạc nhiên.
Mặc dù nhiều nguyên thủ quốc gia đã kêu gọi tăng cường hành động vì khí hậu sau báo cáo mới của IPCC, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn giữ im lặng. Trong một tuyên bố với AFP, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ đơn giản là nhắc lại các chính sách khí hậu hiện có của Trung Quốc và nói rằng thế giới nên có niềm tin vào các hành động khí hậu của Trung Quốc.
Các kế hoạch khí hậu hiện tại của Trung Quốc hiện không đáp ứng được những gì IPCC cho là cần thiết để ngăn chặn các tác động khí hậu tồi tệ nhất.
Vào tháng 9/2020, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc đặt mục tiêu trung hòa carbon - tổng lượng carbon thải ra và lượng carbon thu lại bằng 0 - vào năm 2060. Tuy nhiên, các nghiên cứu IPPC từ 2018 đến nay cho thấy việc đạt được mục tiêu 1,5°C yêu cầu các quốc gia phải đạt được trung hòa carbon vào năm 2050 chứ không phải năm 2060.
“Các báo cáo của IPCC thực sự ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách của chúng tôi," Jiang Kejun, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Năng lượng, một tổ chức nghiên cứu liên kết với cơ quan hoạch định kinh tế Trung Quốc, cho biết.
“Tôi nghĩ rằng [Trung Quốc] sẽ chịu nhiều áp lực trong việc phải chuyển mục tiêu trung hòa carbon năm 2060 sang năm 2050, bởi vì đó mới thực sự là những gì phù hợp với kết quả các nghiên cứu IPCC,” Angel Hsu, giáo sư về chính sách công tại Đại học Bắc Carolina, Chapel Hill, lĩnh vực nghiên cứu chính là chính sách khí hậu của Trung Quốc, nói.
Để đáp ứng thời hạn trung hòa carbon sớm hơn, Trung Quốc phải giảm mạnh lượng khí thải trong vòng 5 đến 10 năm tới, theo một nghiên cứu mới đây trên tạp chí Science. Hiện tại, lượng khí thải carbon của Trung Quốc vẫn đang tăng lên - Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất có mức phát thải tăng ngay cả trong bối cảnh đại dịch vào năm 2020, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA.
Các nhà lãnh đạo châu Âu và nhiều nhà vận động cũng từng kêu gọi Trung Quốc dời mốc đạt đỉnh phát thải từ năm 2030 về năm 2025 và ban hành lệnh cấm phát triển các nhà máy than mới. (Năm ngoái, Trung Quốc chiếm 3/4 lượng điện than mới trên toàn thế giới; và hiện vẫn dự kiến bổ sung hơn 200 gigawatt công suất điện than.)
Hiện tại, các nhà khoa học khí hậu Trung Quốc cho biết thông điệp của IPCC đã đến được với Bắc Kinh. “Tôi nghĩ kết quả của báo cáo sẽ được chính phủ Trung Quốc xử lý nghiêm túc," Wang Wen, nhà thủy văn tại Đại học Hồ Hải, Nam Kinh, và là một trong những tác giả chính của chương về tác động của biến đổi khí hậu trong khu vực của báo cáo, cho biết. "Đánh giá của IPCC cho thấy rằng chúng tôi không thể trì hoãn thêm nữa,” Jiang cho biết thêm.
Các mục tiêu của Trung Quốc trong vấn đề khí thải có thể trở nên rõ ràng hơn trong vài tháng tới khi Trung Quốc đệ trình kế hoạch giảm phát thải trước khi diễn ra cuộc đàm phán khí hậu quốc tế lớn tiếp theo, tại Glasgow, Vương quốc Anh, vào tháng 11.
Nguồn: