Từ những ngày đầu được thành lập, hệ thống đại học ngoài công lập Việt Nam (sau này là đại học tư thục) đã vấp phải những nhập nhằng trong vấn đề sở hữu. Đến giữa thập niên 2000, vấn đề sở hữu mới trở nên rạch ròi hơn, nhưng dường như vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khủng hoảng lí luận.

Năm 2005, Chính phủ chính thức công nhận loại hình đại học tư thục. Trước đó, hệ thống ngoài công lập lúc đó chỉ tồn tại loại hình dân lập và bán công. Trong ảnh: Sinh viên Đại học Thăng Long trên giảng đường. Đây là trường đại học dân lập đầu tiên ở Việt Nam, ra đời năm 1989. Nguồn: giaoducthoidai.vn
Năm 2005, Chính phủ chính thức công nhận loại hình đại học tư thục. Trước đó, hệ thống ngoài công lập lúc đó chỉ tồn tại loại hình dân lập và bán công. Trong ảnh: Sinh viên Đại học Thăng Long trên giảng đường. Đây là trường đại học dân lập đầu tiên ở Việt Nam, ra đời năm 1989. Nguồn: giaoducthoidai.vn

Mùa hè năm 2017, tòa nhà Con tàu Tri thức 25 tầng trên đường Điện Biên Phủ, TP.HCM được khánh thành một cách nhộn nhịp trên phần đất trước đây vốn là trụ sở của Đại học quốc tế Hồng Bàng. Nhiều người bất ngờ, không nghĩ rằng một đại học tư thục đã qua thời vàng son lại có thể trở mình mạnh mẽ như vậy. Thật ra, đại học này đã đổi chủ từ năm 2015. Chủ sở hữu mới là Nguyễn Hoàng, tập đoàn xuất thân từ lĩnh vực kinh doanh máy tính trước khi mua lại Đại học quốc tế Hồng Bàng và chính thức bước chân vào sân chơi đại học tư thục. Kể từ đó, tập đoàn Nguyễn Hoàng đã khiến nhiều người đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác khi nhanh chóng sở hữu thêm 3 trường đại học tư thục nữa. Hiện có khá nhiều đồn đoán về ngôi trường thứ 5 mà tập đoàn này sẽ sở hữu trong tương lai gần.

“Hiện tượng” Nguyễn Hoàng đặt ra nhiều câu hỏi, và quan trọng nhất trong số đó là: “Sau hơn 30 năm phát triển, các trường đại học tư thục ở Việt Nam hiện đang nằm trong tay ai?”

Đại học ngoài công lập: Công tư không phân minh

Sau Đổi mới 1986, hệ thống đại học tư thục bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam một cách dè dặt. Lúc đó, “tư thục” vẫn là một khái niệm nhạy cảm, và vì vậy, các văn bản pháp luật đều dùng thuật ngữ “ngoài công lập” thay cho “tư thục.” Đến đầu thập niên 1990, mặc dù nhà nước đã cụ thể hóa 3 loại trường ngoài công lập (dân lập, bán công, và tư thục) nhưng trên thực tế, hệ thống ngoài công lập lúc đó chỉ tồn tại loại hình dân lập và bán công.

Ranh giới giữa đại học dân lập và hệ thống công lập không rõ ràng. Đa số các đại học dân lập muốn được cấp giấy phép thành lập đều phải có tổ chức (thường là tổ chức công lập) đứng ra bảo trợ pháp lí. Hầu hết trong hội đồng sáng lập của các đại học này đều có mặt một số quan chức nhà nước cao cấp trong ngành giáo dục và các ngành khác (đa phần đã về hưu). Trong một vài trường hợp, nhà nước can thiệp vào quản trị của trường đại học dân lập khá giống với cách thức nhà nước quản lý điều hành các đại học công lập. Ví dụ Bộ GD&ĐT từng lấy lí do nội bộ lục đục để chỉ định người tham gia vào hội đồng quản trị của một số trường đại học dân lập.

Giống với loại hình đại học dân lập, mối quan hệ giữa đại học bán công và mảng công lập cũng mập mờ. Theo định nghĩa, đại học bán công là loại hình công - tư kết hợp, thường được thành lập từ một quyết định hành pháp, khiến một trường đại học công lập chuyển sang vận hành hoàn toàn dựa trên nguồn vốn ngoài ngân sách. Về bản chất, mặc dù được thừa nhận như một phần của hệ thống ngoài công lập, nhưng đại học bán công khi đó hoạt động khá giống với các đại học công lập tự chủ hiện nay.

Từ sau khi loại hình đại học tư thục được chính thức công nhận và khuyến khích phát triển vào năm 2005, sở hữu công và tư trở nên tách bạch hơn. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số trường hợp nhập nhằng về sở hữu – điển hình là trường hợp của Đại học Quốc tế Miền Đông, một đại học tư thục được thành lập bởi tập đoàn nhà nước (Becamex Bình Dương).

Một trong những ý tưởng chính của các nhà hoạch định chính sách xuyên suốt quá trình phát triển hệ thống đại học ngoài công lập là “sở hữu tập thể”: ví dụ, khi một người đầu tư 10 tỉ vào trường đại học thì họ vẫn luôn là chủ sở hữu của số tiền 10 tỉ đó, nhưng tài sản tăng thêm do số tiền 10 tỉ sinh ra trong quá trình hoạt động của trường lại thuộc quyền sở hữu tập thể nhà trường. Nói cách khác, người bỏ tiền vào để thành lập trường đại học ngoài công lập chỉ được xem là người cho mượn tiền (và có nhận lãi suất), chứ không phải là chủ sở hữu của trường. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường đại học dân lập đã bỏ qua mô hình này và tìm cách chia lợi nhuận cho những thành viên góp vốn.

Ý tưởng sở hữu tập thể được mang vào Luật Giáo dục đại học ban hành năm 2012, thông qua khái niệm: “tài sản chung không chia”. Theo đó, giá trị tài sản tích lũy được trong quá trình hoạt động (chênh lệch thu chi), và tài sản được tài trợ, ủng hộ, hiến tặng của các đại học tư thục đều là tài sản chung, không được chia cho bất kì ai, mà được tái đầu tư vào trường. Chênh lệch thu chi thường rất lớn, mà lại luôn được tái đầu tư, nên khối tài sản chung không chia ngày càng chiếm tỉ trọng lớn so với cổ phần ban đầu của các thành viên góp vốn. Nếu mô hình “tài sản chung không chia” được áp dụng triệt để thì qua thời gian, các đại học tư thục sẽ dần dần biến thành các đại học thuộc sở hữu cộng đồng. Đương nhiên ý tưởng này đã bị các trường đại học ngoài công lập phản đối mạnh mẽ. Nhiều trường đã khống chế sự tăng lên của khối tài sản chung bằng cách chia tất cả chênh lệch thu chi thành các phần tặng thưởng cho các cổ đông. Nghĩa là chính việc đề ra ý tưởng sở hữu tập thể để ngăn chặn các trường chia lợi nhuận lại vô tình đẩy các trường đến chỗ phải tìm cách chia tất cả lợi nhuận, và ngại việc tái đầu tư.

Đại học tư thục: Năm mô hình sở hữu

Đến giữa thập niên 2000, sở hữu công - tư trong giáo dục đại học trở nên tách bạch hơn. Năm 2005, Chính phủ chính thức công nhận loại hình đại học tư thục. Theo đó, các đại học tư thục hoạt động theo mô hình công ty cổ phẩn. Đồng thời, tất cả các trường đại học bán công và dân lập đều bị buộc phải chuyển đổi sang loại hình tư thục. Giáo dục đại học Việt Nam vào thời điểm giữa thập niên 2000 chỉ tồn tại hai hệ thống trường: công lập và tư thục. Kể từ đó, các mô hình sở hữu và quản trị của khối tư thục bắt đầu trở nên đa dạng hơn. Hiện đang tồn tại 5 mô hình sở hữu trong hệ thống giáo dục đại học tư thục Việt Nam.

Hiện đang tồn tại 5 mô hình sở hữu trong hệ thống giáo dục đại học tư thục Việt Nam. Trong ảnh: Đại học Phenikaa thuộc nhóm trường do các tập đoàn đa ngành sở hữu phần lớn hoặc toàn bộ cổ phần. Nguồn: Kênh 14
Hiện đang tồn tại 5 mô hình sở hữu trong hệ thống giáo dục đại học tư thục Việt Nam. Trong ảnh: Đại học Phenikaa thuộc nhóm trường do các tập đoàn đa ngành sở hữu phần lớn hoặc toàn bộ cổ phần. Nguồn: Kênh 14

Nhóm thứ nhất là các trường thuộc sở hữu gia đình, như Duy Tân, Bình Dương. Tại những đại học này, người trong cùng gia đình nắm giữ các vị trí quan trọng nhất của trường – Chủ tịch Hội đồng quản trị và Hiệu trưởng, đôi khi còn có cả vị trí Bí thư Đảng ủy của trường. Hiện nay, nhóm các đại học này đang ở trong giai đoạn chuyển giao quyền lực giữa hai thế hệ thành viên trong gia đình. Một trong những khó khăn chính của quá trình chuyển giao là quy định Hiệu trưởng phải có bằng Tiến sĩ, và phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm quản lí khoa học, buộc những thành viên trong gia đình chủ sở hữu phải có kế hoạch chuẩn bị khá kĩ lưỡng. Những kế hoạch vội vã – ví dụ như theo học các chương trình đào tạo tiến sĩ cấp tốc của các đại học nước ngoài không được kiểm định – nếu bị phanh phui sẽ dễ làm chức vụ Hiệu trưởng rơi vào tay người ngoài, và từ đó dễ dẫn đến những xáo trộn trong hoạt động và sở hữu của trường.

Nhóm thứ hai là các trường theo mô hình công ty cổ phần, được sở hữu bởi một nhóm vài cổ đông không có quan hệ huyết thống nhưng lại rất thân thiết với nhau. Đa số các cổ đông này là những lãnh đạo về hưu của các cơ quan nhà nước hoặc các đại học công lập. Nhìn chung, hoạt động của nhóm trường này dường như thiếu tính bền vững. Thứ nhất là vì các thành viên góp vốn thường đồng thời là ban giám hiệu, nhưng đa số họ đã lớn tuổi, nên gặp khó khăn trong việc nắm bắt xu hướng nhu cầu thị trường lao động và đào tạo. Lí do thứ hai là vì các cổ đông này thường không tìm được người tiếp nối – con cái của họ không mấy hứng thú với hoạt động giáo dục – nên phải bán cổ phần cho người ngoài. Mâu thuẫn dễ nảy sinh giữa các cổ đông mới (thường là các nhà đầu tư trẻ) và cũ (thế hệ lớn tuổi, vẫn còn ít nhiều quen với phong cách làm việc kiểu nhà nước).

Thứ ba là nhóm trường do các tập đoàn đa ngành sở hữu phần lớn hoặc toàn bộ cổ phần – ví dụ như Đại học Phenikaa, Đại học công nghệ Đông Á. Các trường này có nhiều lợi thế để phát triển bền vững, vì họ thường mở các ngành thuộc lĩnh vực thế mạnh của tập đoàn, và đồng thời cũng tạo điều kiện để sinh viên thực tập và làm việc tại tập đoàn sau khi tốt nghiệp. Nói cách khác, các đại học này đều ít nhiều được kì vọng sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực cho tập đoàn mẹ. Ngoài ra, mặc dù đa số các tập đoàn đa ngành đang sở hữu đại học là các tập đoàn gia đình, nhưng các đại học này lại không được quản lý theo mô hình gia đình, mà ngược lại, tương đối minh bạch và chuyên nghiệp. Các thành viên trong gia đình không tự mình điều hành đại học, mà thuê hiệu trưởng, thường là những người đã có kinh nghiệm quản lí cấp cao tại các đại học công lập lớn.

Thứ tư là nhóm trường được sở hữu bởi các tập đoàn chuyên hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Các tập đoàn này thường hướng đến phát triển “hệ sinh thái” giáo dục khép kín, từ bậc mẫu giáo đến sau đại học. Nguyễn Hoàng – hiện đang sở hữu khoảng 50 cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến đào tạo tiến sĩ tại 18 tỉnh thành với hơn 65.000 học sinh, sinh viên – là trường hợp điển hình của mô hình này. Nguyễn Hoàng cũng là tập đoàn hiện đang sở hữu nhiều trường đại học nhất Việt Nam.


Các nhà đầu tư nhỏ lẻ thành lập các đại học ngoài công lập đầu tiên ở Việt Nam và gần đây, các tập đoàn giáo dục thâu tóm rất nhiều trường trong số đó. Nguyễn Hoàng - xuất thân từ lĩnh vực kinh doanh máy tính - là tập đoàn hiện đang sở hữu nhiều trường đại học nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, các tập đoàn giáo dục của Việt Nam hiện nay vẫn chưa tiệm cận được mô hình lẫn quy mô của các tập đoàn giáo dục tại Mỹ. Lí do chính là bởi các quy định khắt khe trong việc thành lập mới các đại học, và trong việc thành lập các cơ sở phụ (campus), nên các tập đoàn giáo dục ở Việt Nam đều phát triển hệ thống đại học của mình thông qua phương thức mua bán, sáp nhập. Vì thế, các tập đoàn này chưa thật sự tạo ra được một thương hiệu mũi nhọn để có thể chuẩn hóa và nhân rộng ra thông qua hệ thống các cơ sở hiện diện ở nhiều địa phương. Ngoài ra, trong khi các tập đoàn giáo dục lớn tại Mỹ dùng mảng đào tạo trực tuyến làm đòn bẩy để tăng nhanh quy mô, thì tại Việt Nam, đào tạo trực tuyến vẫn còn gặp nhiều rào cản từ hệ thống pháp lý lẫn nhận thức xã hội. Tuy nhiên, Covid dường như đang tạo ra những điều kiện thuận lợi thúc đẩy mảng đào tạo trực tuyến, và một số tập đoàn giáo dục đang nắm bắt rất tốt cơ hội này.

Nhóm thứ năm là các trường được thành lập và sở hữu bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Đại học RMIT Việt Nam được công nhận là cơ sở của Đại học RMIT bên Úc, nhưng được đăng ký như một doanh nghiệp nước ngoài, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép. Còn Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) thì lại được thành lập bởi một số nhà đầu tư nước ngoài – chứ không phải một cơ sở giáo dục nước ngoài. Khác với RMIT, BUV được xem là một đại học Việt Nam, và được cấp bằng Việt Nam – mặc dù BUV hiện đang tập trung phát triển các chương trình cấp bằng của đối tác nước ngoài. Mới đây, BUV nhận được một khoản đầu tư từ tập đoàn giáo dục Taylor của Malaysia, và tập đoàn này quảng bá BUV như là một thành viên của tập đoàn.

Quá khứ và tương lai: Những xu hướng phát triển

Hệ thống đại học tư thục dường như phát triển song hành cùng với hệ thống kinh tế chính trị Việt Nam. Trong thập niên 1990, khi nền kinh tế được tư nhân hóa một cách dè chừng dưới sự kiểm soát và can thiệp của nhà nước, hệ thống đại học tư thục cũng chịu sự nhập nhằng trong vấn đề sở hữu giữa công lập và tư thục, và theo đó là vấn đề sử dụng lợi nhuận.

Từ nửa sau thập niên 2000 trở đi, khi nhà nước giảm bớt sự can thiệp vào nền kinh tế tư nhân, thì vấn đề sở hữu trong hệ thống đại học tư thục cũng trở nên rạch ròi hơn nhiều. Điều này được chứng minh thông qua sự xuất hiện của các đại học có yếu tố nước ngoài, và các tập đoàn giáo dục. Trong khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ thành lập các đại học ngoài công lập đầu tiên thì gần đây, các tập đoàn giáo dục thâu tóm rất nhiều trường trong số đó.

Sự tham gia mạnh mẽ của các tập đoàn kinh tế trong mảng đại học tư thục vừa là hệ quả của sự khủng hoảng lí luận, vừa tạo ra những hậu quả về mặt kinh tế chính trị trong tương lai gần. Việt Nam vẫn chưa cho phép các tổ chức tôn giáo hoạt động giáo dục bậc đại học, trong khi đây là những tổ chức tiên phong thành lập các đại học tư thục phi lợi nhuận thật sự ở nhiều quốc gia. Sự thiếu vắng của mảng đại học tư thục phi lợi nhuận này đã gián tiếp làm cho các tập đoàn kinh tế tham gia mạnh mẽ vào giáo dục đại học mà không gặp phải trở lực nào đáng kể. Các tập đoàn kinh doanh giáo dục hiện nay cũng quay lại thách thức chính hệ thống giáo dục công lập – hiện đã có một số đề xuất chuyển giao các cơ sở công lập cho tập đoàn tư nhân quản lý.

Đâu là động lực khiến các tập đoàn kinh tế tham gia mạnh mẽ vào giáo dục đại học? Một số người cho rằng đây là mảng đầu tư siêu lợi nhuận, trong khi nhiều người khác cho rằng các tập đoàn đầu tư vào giáo dục thực chất là để đầu tư vào các dự án bất động sản. Tiếc là những nhận định nêu trên chưa thể được kiểm chứng – hy vọng các nghiên cứu trong tương lai sẽ làm điều này.

Chú thích:

Bài viết được rút gọn và chỉnh sửa từ bài “Patterns of Ownership and Management in Vietnam’s Private Higher Education: An Exploratory Study”, mà tác giả làm tác giả chính, xuất bản trên tạp chí Higher Education Policy https://doi.org/10.1057/s41307-020-00199-6