TS. Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN đã có cuộc trao đổi với KH&PT về những kết quả quan trọng sau 10 năm thực hiện Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (Chương trình 712).
Ông cũng chia sẻ về những định hướng của chương trình giai đoạn 2011 - 2030.
Một trong những mục tiêu cơ bản của Chương trình 712 là nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Xin ông cho biết sau 10 năm thực hiện chương trình, mục tiêu này có đạt được không?
Để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, trước hết chúng ta cần phải có một hạ tầng chất lượng quốc gia vững mạnh, thể hiện ở trên ba lĩnh vực chính: thứ nhất là tiêu chuẩn, thứ hai là đo lường và thứ ba là các hoạt động đánh giá sự phù hợp, chứng nhận, thử nghiệm, giám định, kiểm định chất lượng.
Hiện nay, chúng ta đã xây dựng được một hạ tầng chất lượng quốc gia khá bài bản, với 13,000 tiêu chuẩn quốc gia, trong đó tỉ lệ hài hòa gần 60% so với tiêu chuẩn của quốc tế, đạt được đúng mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra cho đến hết năm 2020. Không chỉ vậy, các bộ, ngành cũng đã dựa trên các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế để xây dựng được 800 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, phục vụ rất đắc lực cho hoạt động quản lý nhà nước trong tất cả các lĩnh vực.
Đồng thời, hoạt động đo lường của nước ta liên tục được quan tâm, đầu tư, xây dựng các chuẩn đo lường, sẵn sàng có các cơ sở để đảm bảo độ chính xác trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. Đến nay, Việt Nam cũng đã phát triển được hơn 1000 tổ chức đánh giá sản phẩm, bao gồm tổ chức thử nghiệm chất lượng sản phẩm, chứng nhận, giám định, kiểm định.
Trên phương diện nâng cao năng suất của các doanh nghiệp, Chương trình 712 đã có kết quả như thế nào?
Qua chương trình 712, về cơ bản, các công cụ về năng suất, chất lượng tiên tiến ở trên thế giới như LEAN, Six Sigma, TPM đã được chúng tôi và gần 2000 đội ngũ chuyên gia về năng suất, chất lượng tổng hợp, nghiên cứu, phân tích và xây dựng thành 50 đầu sách về năng suất, chất lượng trong tất cả các lĩnh vực, để từ đó giúp cho các loại hình doanh nghiệp khác nhau có thể áp dụng các công cụ này và nâng cao năng suất của Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xây dựng các mô hình điểm để áp dụng các công cụ mới, khi một số mô hình điểm đã thành công thì sẽ lan rộng ra các doanh nghiệp khác, giúp các doanh nghiệp khác áp dụng dễ dàng hơn.
Kết quả này là một phần đóng góp cho tốc độ tăng năng suất tốt của Việt Nam chúng ta trong thời gian vừa qua; đồng thời có thể nói qua 10 năm triển khai chương trình năng suất, chất lượng quốc gia nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam đã tăng lên đáng kể, ý thức hơn trong việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, từ đó dễ dàng vượt qua các rào cản xuất khẩu hơn và có nhiều cơ hội xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa ra nước ngoài hơn. Chẳng hạn như, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 đã gần như trở thành một yêu cầu rất phổ thông ở Việt Nam, là cơ sở để cho các doanh nghiệp đặt ra các yêu cầu với nhau, giúp cho chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam liên tục được đảm bảo, thỏa mãn yêu cầu của khách hàng và là nền tảng cơ bản để các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới những tiêu chuẩn cao hơn.
Sau nhiều năm chứng kiến những thành công và thất bại của các doanh nghiệp trong áp dụng các các công cụ và hệ thống quản lý nhằm nâng cao năng suất và chất lượng, ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm thường gặp có thể giúp các doanh nghiệp triển khai công việc này đạt kết quả tốt hơn?
Nhiều doanh nghiệp khi nghĩ về việc áp dụng một công cụ hay một hệ thống quản lý nào đó thì luôn luôn có tư duy là phải có kết quả ngay, phải ra được lời, lãi cụ thể ngay. Tuy nhiên, đôi khi các công cụ năng suất, chất lượng cần phải một quá trình để tổ chức triển khai, thực hiện.
Hay một vấn đề thường gặp khác là việc nâng cao năng suất, chất lượng có thể chỉ được một vài người thay vì toàn bộ đội ngũ của doanh nghiệp quan tâm. Có thể giám đốc hay tổng giám đốc cho rằng ủy quyền cho một nhóm tổ chức triển khai việc này là được rồi. Tuy nhiên, có một số nội dung mà nếu như không có sự vào cuộc của cả người đứng đầu, của cả doanh nghiệp, cùng với hệ thống quản lý chất lượng hay hệ thống đảm bảo an toàn của công ty đó và lan tỏa xuống tất cả các nhân viên thì sự thành công có thể chỉ ở một mức giới hạn nào đó chứ không được như mong đợi. Đây cũng là kinh nghiệm từ các quốc gia tiên tiến đã triển khai.
Ngoài ra, để doanh nghiệp áp dụng các công cụ, hệ thống thì thường phải có chuyên gia đến đào tạo, hướng dẫn, hoặc chỉ ra vấn đề năng suất của doanh nghiệp còn yếu ở đâu, tại sao lại yếu, dùng cách gì để khắc phục, xử lý. Nếu như doanh nghiệp phải hoàn toàn tự bỏ kinh phí thực hiện những việc này thì đây cũng có thể là trở ngại ban đầu. Để vượt qua trở ngại này, một số doanh nghiệp có thể cần được nhà nước hỗ trợ một phần ngoài phần kinh phí doanh nghiệp tự chủ động đầu tư.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1322/QĐ-TTg năm 2020 phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030. Yêu cầu cao hơn được đặt ra với chương trình mới lần này là gì, thưa ông?
Vấn đề mấu chốt cần phải chú trọng vẫn là liên tục xây dựng và cải thiện hạ tầng chất lượng quốc gia. Bởi các công nghệ mới liên tục ra đời, các phương pháp mới liên tục được phát minh, vậy nên hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia của chúng ta cũng liên tục phải được theo dõi, cập nhật với tình hình của thế giới cũng như phù hợp với tình hình thực tiễn ở Việt Nam. Nếu làm được điều đó thì doanh nghiệp của chúng ta sẽ có nhiều lợi thế hơn.
Gần đây, trên thế giới cũng đặt ra rất nhiều yêu cầu về việc các tiêu chuẩn, kể cả tiêu chuẩn quốc tế cũng phải có thời gian rà soát, ban hành mới ngắn hơn. Chẳng hạn như trước đây, phải 3 - 5 năm người ta mới rà soát, ban hành các tiêu chuẩn thì bây giờ trên các diễn đàn quốc tế, nhiều nơi đã yêu cầu là cần làm sao để chỉ 6 tháng hoặc 1 năm là phải cập nhật ngay các công nghệ mới với sự phát triển như vũ bão hiện nay. Đối với Việt Nam cũng vậy, tiêu chuẩn quốc gia của chúng ta cũng phải liên tục được cập nhật cùng với tình hình phát triển của thế giới và tình hình thực tiễn của Việt Nam để xây dựng và điều chỉnh hệ thống tiêu chuẩn của mình cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
Bên cạnh đó, hệ thống đánh giá sự phù hợp cũng phải liên tục được nâng cao: phải xây dựng, đầu tư các hệ thống trang thiết bị thử nghiệm từ tương đối, vừa phải đến hiện đại, rất hiện đại để giúp cho các doanh nghiệp khi cần thiết có cơ sở để đánh giá, nghiên cứu và cải thiện hoạt động của mình.
Các công cụ nâng cao năng suất cũng cần phải được cập nhật xem những công cụ nào chúng ta đã phát triển thành công rồi. Ví dụ, mô hình điểm trước đây chỉ áp dụng cho 10 doanh nghiệp, 100 doanh nghiệp, nhưng nếu đã có những giá trị đích thực và phát huy hiệu quả thì có thể chương trình 2 sẽ là nhân rộng ra cho nhiều doanh nghiệp khác cùng mô hình áp dụng để thúc đẩy hơn. Chúng ta sẽ tạo ra các công cụ để cho chính các doanh nghiệp tự so sánh năng suất với nhau, tạo ra một chuẩn đối sánh để cho doanh nghiệp tự đánh giá, cải thiện và chia sẻ với nhau, để biết tại sao cùng áp dụng công cụ như vậy, cùng được đào tạo như vậy nhưng năng suất của công ty này lại cao hơn công ty khác.
Đó là một số nội dung cần tập trung trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn ông!
Chương trình 712 đã hỗ trợ cho gần 50.000 doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng thông qua áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý tiên tiến, giúp doanh nghiệp giảm thiểu các lãng phí trong quá trình sản xuất, tiết kiệm chi phí về nhân lực, thời gian, nguyên nhiên liệu, năng lượng; sắp xếp lại sản xuất, quản trị doanh nghiệp,... góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. |