Với định hướng “lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo”, nhiều chính sách tập trung nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo (ĐMST) cho doanh nghiệp đã được triển khai nhưng trên thực tế vẫn tồn tại một số rào cản khiến các chính sách đó chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
Ít doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách
Làm thế nào để nâng cao năng lực ĐMST cho doanh nghiệp luôn là điều được nhà nước quan tâm, ngay cả trước khi năm 2016 được xác định là “năm quốc gia khởi nghiệp”, đi kèm với sự ra đời của Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) và các ưu đãi dành riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Đầu tư,... một số chương trình như Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp (Chương trình 68) thậm chí đã được Chính phủ ban hành từ năm 2005. Tuy nhiên, câu hỏi mà nhiều người quan tâm ở đây là các chính sách này đã phát huy hiệu quả như thế nào? “Liệu chính sách của chúng ta có phải là ‘liều thuốc’ giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp không? Nếu doanh nghiệp không hấp thụ nổi chính sách, thì ‘thuốc’ đó cũng chỉ là ‘bột sắn’ thôi, không có nhiều tác dụng với họ”, TS. Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp (Viện INBUS) thuộc trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nêu vấn đề trong hội thảo “Chính sách và xu hướng hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng và ĐMST” do Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) tổ chức ngày 6/11/2020.
Có một thực tế là dường như các chính sách này chưa có tác động nhiều tới doanh nghiệp. Một nghiên cứu do Viện INBUS thực hiện đã khảo sát 200 doanh nghiệp ở khu vực đồng bằng sông Hồng từ năm 2017 cho thấy “Trong số các yếu tố tác động đến năng lực hấp thụ công nghệ - cốt lõi của ĐMST của doanh nghiệp, yếu tố môi trường (bao gồm môi trường tổ chức và môi trường chính sách) không có đóng góp gì mấy. Nói cách khác, họ không có phản ứng gì cả với chính sách được ban hành, thậm chí một số doanh nghiệp còn coi đó là yếu tố có thể gây trở ngại cho họ chứ không có tác dụng hỗ trợ”, TS. Nguyễn Mạnh Quân cho biết một trong những kết quả rút ra từ nghiên cứu này.
Những thông tin như vậy không chỉ khiến “người ngoài cuộc” mà bản thân các tác giả nghiên cứu cũng bất ngờ. Để tìm hiểu nguyên nhân, nhóm nghiên cứu đã phân tích chi tiết hơn và nhận thấy rằng “không phải chính sách gây trở ngại cho doanh nghiệp, mà chính sách có tác động khác nhau với các doanh nghiệp ở các mức năng lực khác nhau”, TS. Nguyễn Mạnh Quân cho biết. Khi khảo sát, ông và đồng nghiệp đã chia các doanh nghiệp thành bảy nhóm dựa trên chỉ số năng lực hấp thụ công nghệ: rất yếu; yếu; dưới trung bình; trung bình; khá; tốt; rất tốt. Kết quả đánh giá năng lực hấp thụ chính sách của bảy nhóm doanh nghiệp cho thấy, chính sách có tác động tốt nhất với các doanh nghiệp có năng lực trung bình. “Chỉ số cao nhất loanh quanh ở nhóm doanh nghiệp có năng lực trung bình còn ở các nhóm yếu và tốt, chỉ số năng lực hấp thụ chính sách gần như bằng 0, nghĩa là hầu như chẳng có tác dụng gì cả. Với doanh nghiệp quá yếu, chính sách có đưa ra thì họ cũng không khai thác được. Còn với những doanh nghiệp có trình độ cao, họ đủ khả năng để mua công nghệ mới về khai thác, chẳng cần chờ đến khi có các chính sách hỗ trợ ĐMST của nhà nước”, ông nhận xét.
Theo lý giải của nhóm tác giả, có lẽ, việc “kém hấp thụ” chính sách hỗ trợ là một trong những nguyên nhân chính khiến số lượng doanh nghiệp có hoạt động ĐMST ở Việt Nam còn ở mức khiêm tốn, gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát triển hệ thống ĐMST quốc gia. Điều này cũng khớp với thực tế là hiện nay trên cả nước chỉ có khoảng 13.997 doanh nghiệp có hoạt động đổi mới công nghệ, chiếm khoảng 1,84% doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, theo số liệu thống kê của các địa phương trong hội nghị Giám đốc Sở KH&CN trực tuyến ngày 29/5/2020.
Cần lựa chọn đối tượng hỗ trợ phù hợp
Những kết quả trên đã gợi ra những hướng đi mới về các chính sách hỗ trợ ĐMST cho các doanh nghiệp ở Việt Nam. “Có thể thấy rằng, chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả chủ yếu ở các doanh nghiệp có năng lực trung bình. Như vậy, có lẽ chúng ta phải có cách tiếp cận phù hợp với từng đối tượng. Thay vì chỉ hỗ trợ những doanh nghiệp tốt nhất, chúng ta phải chọn lọc những doanh nghiệp phù hợp nhất”, TS. Nguyễn Mạnh Quân nhận xét.
Phát hiện này có thể sẽ tác động nhiều đến hoạt động hỗ trợ ĐMST cho doanh nghiệp ở Việt Nam. Theo TS. Nguyễn Mạnh Quân, từ trước đến nay, các chính sách có xu hướng tập trung vào những doanh nghiệp “đầu đàn”, có sức lan tỏa lớn. “Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia hiện nay cũng tập trung hỗ trợ nhóm doanh nghiệp thuộc top đầu”, ông cho biết. Việc tập trung hỗ trợ những doanh nghiệp có năng lực trung bình cũng là xu hướng ở các quốc gia đi đầu về ĐMST như Đức, Úc, Nhật Bản,…, chẳng hạn, Fraunhofer- Gesellschaft (Đức), tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận lớn nhất châu Âu, trong triển khai các dự án hợp tác nghiên cứu với doanh nghiệp thường hướng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ (tương đương doanh nghiệp có năng lực trung bình ở Việt Nam), không chỉ riêng các công ty lớn. Mục tiêu của họ là củng cố năng lực của các doanh nghiệp nhỏ để tận dụng tính năng động của các doanh nghiệp này, cũng như góp phần đảm bảo sự đa dạng của hệ sinh thái ĐMST quốc gia.
Để lựa chọn đối tượng hỗ trợ phù hợp, một trong những khó khăn lớn nhất là đánh giá năng lực doanh nghiệp. Tưởng chừng đây là việc làm đã quá quen thuộc với các doanh nghiệp, với nhiều bộ công cụ đánh giá năng lực phổ biến như KPI (Key Performance Indicators - các chỉ số khả năng tác nghiệp), bộ chỉ số tín nhiệm CIS,... Tuy nhiên, việc áp dụng các bộ công cụ này trong thực tế còn nhiều hạn chế. “Đánh giá năng lực doanh nghiệp là việc được làm khá nhiều nơi, tuy nhiên, việc đánh giá hiện nay chưa rõ ràng, chưa có cách tiếp cận hệ thống. Chẳng hạn, rất nhiều doanh nghiệp quen thuộc với KPI nhưng họ chưa hình dung ra đây là bộ công cụ rất phức tạp, vẫn tiếp cận theo hướng nhỏ lẻ nên không giải quyết được vấn đề gì cả”, TS. Nguyễn Mạnh Quân nhận xét.
Những hạn chế trong đánh giá năng lực doanh nghiệp không chỉ khiến việc lựa chọn đối tượng hỗ trợ gặp khó khăn mà đôi khi còn khiến bản thân doanh nghiệp cũng không nhận biết được mình đang ở vị trí nào. “Qua những nghiên cứu mà chúng tôi đã tiến hành từ cuối năm 2016, trong số 500 doanh nghiệp thuộc 8 địa phương trên cả nước, có 28% doanh nghiệp thuộc nhóm dẫn đầu mà chúng ta không biết, bản thân các doanh nghiệp cũng không biết. Nếu chúng ta không tập trung đúng đối tượng thì sẽ lãng phí nguồn lực”, ông nói.
Có thể thấy rằng, việc “chuyển hướng” chính sách hỗ trợ ĐMST cho doanh nghiệp cần một quá trình dài. Trong khi chờ đợi những thay đổi từ phía nhà nước, bản thân các viện, trường, doanh nghiệp - những thành tố chính trong hệ thống ĐMST quốc gia cũng đang tự xoay xở để tìm kiếm giải pháp riêng. Chẳng hạn, để góp phần khắc phục hạn chế trong đánh giá năng lực doanh nghiệp, năm 2018, Viện INBUS đã phát triển một bộ công cụ đánh giá năng lực doanh nghiệp INDEXBUS dựa trên các bộ công cụ phổ biến như bộ chỉ số tín nhiệm CIS, KPI, thẻ điểm cân bằng BSC,... “Doanh nghiệp có thể sử dụng bộ công cụ này để tự đánh giá chứ không cần một bên khác đứng ra đánh giá, từ đó có thể biết mình mạnh yếu ở điểm nào… Là đơn vị nghiên cứu, chúng tôi hi vọng các kết quả nghiên cứu của mình có thể đóng góp phần nào đó về mặt chính sách”, TS. Nguyễn Mạnh Quân bày tỏ.
Bên cạnh vấn đề môi trường chính sách, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra vấn đề môi trường tổ chức cũng là một trong những nguyên nhân hạn chế năng lực ĐMST của doanh nghiệp. “Đổi mới sáng tạo gắn với khả năng sáng tạo và làm chủ, vận dụng công nghệ, quy trình mới của con người trong doanh nghiệp. Điều này phụ thuộc nhiều vào khả năng học tập của cá nhân. Tuy nhiên, chính sách của các doanh nghiệp hiện nay dường như không hỗ trợ cho người lao động học tập”, TS. Nguyễn Mạnh Quân nhận xét. “Trong các lớp học dành cho người đã đi làm, khi chúng tôi hỏi họ là có bao nhiêu người được công ty trả tiền cho đi học thì hầu như không thấy ai giơ tay cả, một số bạn cho biết đi học phải giấu, không dám cho công ty biết, mặc dù họ học để làm tốt công việc của mình hơn. Chúng tôi thường nói rằng, đấy là cách tốt nhất để một công ty… đuổi những người giỏi của mình đi”. |