Một nghiên cứu mới đây* cho thấy, hai khó khăn lớn nhất đối với giáo viên triển khai giáo dục STEM là nâng cao kiến thức vượt ngoài chuyên ngành và sắp xếp thời gian phù hợp cho học sinh, trong khi vấn đề liên quan đến chi phí vật liệu và điều kiện cơ sở vật chất lại được cho là ít gây khó nhất.
Giáo viên trẻ - nguồn nhân lực triển vọng
Nhằm tìm hiểu nhận thức của giáo viên về giáo dục STEM, chúng tôi đã tiến hành một nghiên cứu để phân tích họ đánh giá thế nào về các năng lực của giáo dục STEM và những khó khăn khi triển khai giáo dục STEM. Chúng tôi cũng tìm hiểu liệu có sự khác biệt trong quan điểm về giáo dục STEM giữa những giáo viên có chuyên môn, kinh nghiệm dạy học hay bằng cấp khác nhau hay không.
Nghiên cứu đã khảo sát 186 giáo viên ở thành thị (48,4%) và nông thôn (51,6%). Đa số là giáo viên tiểu học và phổ thông, chỉ có 5,4% là giảng viên đại học. Các giáo viên chủ yếu có bằng cấp cao nhất là đại học (70,4%). Hơn nửa số giáo viên có trên 10 năm kinh nghiệm dạy học. Giáo viên được yêu cầu phản hồi trực tiếp trên giấy một bảng hỏi gồm 14 câu hỏi Likert hoặc phản hồi online. Bảng hỏi này đã được kiểm tra độ ổn định và làm rõ độ chuẩn xác. Chúng tôi đã phân tích định lượng để hiểu quan điểm của giáo viên về giáo dục STEM.
Kết quả, nhìn chung, giáo viên đánh giá khá cao các năng lực của giáo dục STEM. Trong 5 năng lực STEM được đánh giá, giáo viên cho rằng năng lực giải quyết vấn đề thực tiễn là quan trọng nhất. Bất ngờ là giáo viên đánh giá việc giáo dục STEM góp phần hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực liên quan đến ngành nghề STEM ít quan trọng nhất. Trong khi đó, giáo dục STEM ra đời bắt nguồn từ nhu cầu nguồn nhân lực cho các ngành nghề STEM.
Nghiên cứu còn cho thấy, giáo viên mới vào nghề (dưới 5 năm kinh nghiệm) có xu hướng đánh giá cao hơn các năng lực STEM. Kết quả này cũng phù hợp với một nghiên cứu khác mà theo đó, số năm kinh nghiệm dạy học và việc đánh giá mức độ quan trọng của một “phát kiến” dạy học tỉ lệ nghịch với nhau. Một nghiên cứu khác lại chỉ ra, giáo viên càng nhiều kinh nghiệm thì nhiệt huyết theo đuổi một cái “mới” thường không cao; giáo viên trẻ có cái nhìn lạc quan và ít nghi vấn hơn bởi giáo viên trẻ dễ dàng lĩnh hội cái mới.
Quay lại bối cảnh Việt Nam, giáo dục STEM ở thời điểm đầu xuất phát từ các hoạt động ngoài nhà trường, giáo viên trẻ thường thích thú tham gia các buổi gặp gỡ, workshop hay tạo mạng lưới từ những cơ sở giáo dục liên quan lĩnh vực STEM như khoa học, robot hay toán học. Giáo viên trẻ dường như là nguồn nhân lực triển vọng để triển khai giáo dục STEM một cách bền vững tại Việt Nam.
Chúng tôi đồng thời nhận thấy một hiện tượng, giáo viên có bằng cấp cao hơn thì đánh giá những giá trị của giáo dục STEM ở mức độ cao hơn. Điều này cũng dễ hiểu bởi những chương trình sau đại học thường mang đến cho giáo viên nhiều kiến thức chuyên sâu, nhất là kiến thức về những kiểu dạy mới. Có nghiên cứu trước đó đã khẳng định, giáo viên chiếm lĩnh được đáng kể kiến thức chuyên môn và khả năng dạy học khi tham gia chương trình sau đại học.
Trong khảo sát của chúng tôi, các giáo viên có chuyên môn khác nhau đang có quan điểm khá khác nhau về giáo dục STEM. Giáo viên giảng dạy các môn khoa học hoặc các phân môn thuộc lĩnh vực khoa học có nhận thức phù hợp nhất về giáo dục STEM, và đánh giá các năng lực STEM với tầm quan trọng cao. Do đó, theo chúng tôi, để có sự phát triển bền vững, sự hợp tác giữa các giáo viên về cả kiến thức lẫn cách thức giảng dạy là vô cùng quan trọng.
Khó khăn lớn nhất: Mở rộng kiến thức ngoài chuyên ngành
Về những khó khăn mà giáo viên phải đối mặt khi triển khai giáo dục STEM, họ cho rằng nâng cao kiến thức vượt ngoài chuyên ngành của mình là khó khăn lớn nhất. Giáo dục tích hợp STEM hiện nay đang được coi là việc dạy và học trộn lẫn của một số môn học thuộc 4 lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học - thậm chí thêm một số môn học khác nữa như Tiếng Anh và Mĩ thuật. Trong khi đó, ở các trường sư phạm, về cơ bản, giáo viên chỉ được đào tạo theo đặc thù môn học. Việc phải “dịch chuyển” từ dạy học đơn môn sang một “môn” học mới mà ở đó ranh giới giữa S-T-E và M trở nên mờ nhạt khiến giáo viên không chỉ lúng túng về các kiến thức chuyên môn mà cả phương pháp giảng dạy.
5 năng lực của giáo dục STEM được đánh giá:
Những kĩ năng liên quan đến các ngành nghề STEM;
Tư duy phản biện;
Năng lực giải quyết vấn đề thực tiễn;
Năng lực hợp tác;
Năng lực thiết kế, chế tạo.
5 khó khăn của giáo dục STEM được liệt kê:
Tìm ý tưởng cho bài học/chủ đề STEM;
Nâng cao kiến thức chuyên môn vượt qua (khác) chuyên ngành của mình mà liên quan lĩnh vực STEM (ví dụ giáo viên Toán cần hiểu thêm Khoa học, Công nghệ...);
Đánh giá quá trình học tập của học sinh;
Sắp xếp thời gian ngoại khóa để triển khai;
Giá thành của các vật liệu và cơ sở vật chất cần thiết để triển khai dạy học STEM.
Khó khăn tiếp theo là sắp xếp thời gian phù hợp cho học sinh để dạy STEM, trong khi vấn đề liên quan đến chi phí mua vật liệu và điều kiện cơ sở vật chất để triển khai giáo dục STEM lại được giáo viên đánh giá là ít khó khăn nhất trong 5 khó khăn được liệt kê.
Không có sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê về quan điểm về những khó khăn khi dạy học STEM với những giáo viên có số năm kinh nghiệm dạy học khác nhau.
Đáng lưu ý là, giáo viên có bằng cấp cao hơn lại cảm thấy khó khăn hơn trong việc triển khai giáo dục STEM. Tuy nhiên, chúng ta nên phân biệt việc họ cảm thấy khó khăn hơn khi triển khai giáo dục STEM và việc sẵn sàng để dạy “kiểu mới” là hoàn toàn khác nhau vì những người có bằng cấp cao chính là những người có đánh giá cao nhất về giáo dục STEM. Từ phân tích này, một lần nữa chúng tôi muốn nhấn mạnh, việc bồi dưỡng cho giáo viên về cả chất lượng chuyên môn cũng như khả năng dạy học là vô cùng cần thiết để giáo dục STEM được phát triển bền vững.
Giáo dục STEM: Cơ bản vẫn là hoạt động ngoại khóa Trong cuốn sách “Giáo dục STEM trong nhà trường phổ thông” do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành năm 2019, PGS.TS Nguyễn Văn Biên và các cộng sự đã vẽ ra một bức tranh khái quát về thực trạng giáo dục STEM tại Việt Nam.
Theo đó, các trường công lập thời gian đầu, còn khá rụt rè trong việc triển khai giáo dục STEM. Trái lại, các trường chuyên, trường dân lập hoặc các trung tâm giáo dục dân lập lại triển khai các hoạt động giáo dục STEM phong phú, đa dạng như trình diễn thí nghiệm STEM, thi đấu robot, trại hè STEM hay CLB STEM. Hàng loạt hoạt động STEM cộng đồng như Ngày hội STEM quốc gia hay Ngày hội STEM của các trường và các tỉnh, thành phố thu hút sự tham gia của cả học sinh, giáo viên, nhà giáo dục và các bậc phụ huynh, trường đại học... Cũng chính nhờ hiệu ứng cộng đồng mà giáo dục STEM nhanh chóng trở nên quen thuộc và được sự hưởng ứng của nhiều bên.
Cuốn sách cũng chỉ ra các hoạt động giáo dục STEM chính quy phải đối mặt với không ít thách thức như sắp xếp thời gian thích hợp cho các hoạt động hay sự thiếu thốn về trang thiết bị thí nghiệm và cơ sở vật chất.
Mặc dù Bộ GĐ&ĐT đã và đang triển khai chương trình phát triển giáo dục chứa đựng mục tiêu phát triển giáo dục STEM trong nhà trường, tính đến nay, Việt Nam vẫn chưa có chương trình giáo dục STEM chính quy. Giáo viên phải biến tấu chương trình giáo dục hiện hành của các môn tương ứng thành các mô-đun bài dạy và sắp xếp thời gian phù hợp để triển khai. |
Chú thích:
* Nghiên cứu Measuring Teachers’ Perceptions to Sustain STEM Education Development của nhóm tác giả ThS Nguyễn Thị Tố Khuyên, PGS.TS Nguyễn Văn Biên, TS Pei-Ling Lin, GS.TS Jing Lin và GS.TS Chun-Yen Chang (đến từ ĐH Sư phạm Quốc gia Đài Loan, ĐH Sư phạm Hà Nội, và ĐH Sư phạm Bắc Kinh) đã được đăng trên MDPI (Multidisciplinary Digital Publishing Institute) vào ngày 18/02/2020 (https://doi.org/10.3390/su12041531)