Dịch bệnh đang đẩy các trường đại học vào một tình thế khó khăn, khi cả giảng viên và sinh viên đang phải vật lộn với giảng dạy trực tuyến (E-learning).

Buổi tập huấn giảng dạy trực tuyến của Khoa Việt Nam học và tiếng Việt. Ảnh: Lê Thị Thanh Tâm
Buổi tập huấn giảng dạy trực tuyến của Khoa Việt Nam học và tiếng Việt. Ảnh: Lê Thị Thanh Tâm

Nhưng đây cũng là thời điểm để nhà trường đánh giá được tiềm năng và nhìn nhận những rào cản mà họ đang gặp phải trong việc chuyển đổi phương pháp dạy và học. Đó là những gì đang diễn ra tại trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội.

Từ 9 giờ sáng, các giảng viên khoa Việt Nam học và tiếng Việt đã có mặt tại phòng Thông tin Thư viện để tập huấn cách sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến. Đến tận 12 giờ trưa nhưng không ai có ý định nghỉ giải lao, tất cả các thầy cô đều tập trung lắng nghe và thảo luận về những khó khăn trong việc áp dụng hình thức dạy học mới mẻ này.

Đó là một buổi học trong số 3 tuần tập huấn của trường ĐH KHXHNV những ngày qua.

Hệ thống tích hợp

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài, các trường đại học không có lựa chọn nào khác ngoài việc triển khai dạy học trực tuyến một cách rất “tình thế”. “Vì rất chóng vánh, nên hầu hết các trường thuộc ĐHQGHN, trong đó có ĐH KHXHNV gần như ở thế bị động” – TS. Đỗ Văn Hùng (trưởng khoa Thông tin – Thư viện, ĐH KHXHNV – ĐHQG HN) chia sẻ. Những nền tảng mà các giảng viên lựa chọn trong tình thế này về cơ bản đều là các nền tảng miễn phí như Zoom meeting, Microsoft team, Skype,… “Về cơ bản thì ai thích cái gì, mạnh cái gì thì dùng cái đấy, miễn là giảng viên và sinh viên kết nối trực tuyến với nhau.”

Nhưng những nền tảng ấy chỉ giới hạn ở một vài tính năng, để một trường đại học triển khai được một hệ thống E-learning thì cần phải có một giải pháp tổng thể về mặt hạ tầng công nghệ – hệ thống platform phần mềm tích hợp. Trước tình hình đó, trường ĐH KHXHNV đã quyết định triển khai hệ thống platform đào tạo trực tuyến UPM – nhờ sự tài trợ của một cựu sinh viên.

“Hệ thống cho phép giảng dạy và tương tác trực tuyến thông qua audio, video và chat text. Ưu điểm của hệ thống là mô hình lớp học ảo có sự tương tác cao (tương tác 1-1, tương tác nhóm); tương tự lớp học thực tế, cho phép giảng viên chủ động trong quản lý lớp học và trao đổi kiến thức” – TS Đào Minh Quân (Phó trưởng phòng Đào tạo trường ĐH KHXHNV) mô tả. Đặc biệt hệ thống cho phép lưu lại các video để đăng tải lại trên hệ thống để sinh viên có thể học lại.

Trước khi đưa vào sử dụng thực tế, đội ngũ kỹ thuật viên UPM hướng dẫn kỹ càng, bản thân các giảng viên đã tự mình đóng vai sinh viên thử nghiệm hệ thống này, “có ngày đến tận 10 giờ đêm, hơn 20 giảng viên của trường, bao gồm cả thầy hiệu trưởng và phó hiệu trưởng phải ngồi trước màn hình laptop ở nhà để đóng vai sinh viên, tham gia vào một buổi học trực tuyến” – TS. Hùng kể, nhưng đến khi bắt đầu đưa hệ thống vào dạy học cho sinh viên, “mọi thứ vẫn nháo nhào hết cả lên”. Một sinh viên khoa Báo chí Truyền thông chia sẻ: “Trong quá trình học thử thì hệ thống vận hành cũng khá tốt, nhưng đến tiết đầu tiên học chính thức thì em vẫn chưa vào học được giây nào. Website khá lag, sinh viên thường xuyên bị ‘out’ ra khỏi lớp”, nhưng em cũng cho biết “nếu không bị lag thì hệ thống này cũng thú vị, nhiều tính năng lắm.”

Không chỉ sinh viên, mà bản thân giảng viên cũng chia ra làm nhiều ‘trường phái’. “Có nhiều giảng viên sau khi trải nghiệm một vài tiết dạy trực tuyến, rất hứng thú và bất ngờ vì trước nay không hề biết rằng E-learning lại có thể thú vị đến thế” – TS. Hùng cho biết, “nhưng cũng có nhiều thầy cô chỉ xem đây là một giải pháp tình thế, và mong muốn dịch bệnh sớm kết thúc để có thể trở về với giảng đường.”

ĐH KHXHNV đã bước sang tuần thứ hai chính thức giảng dạy online. Từ dự định ban đầu là 200 GV – 400 lớp – 8.000 lượt SV, nhưng chỉ sau vài ngày áp dụng, con số này đã tăng lên 300 GV – 800 lớp – gần 40.000 lượt SV. Với tốc độ tăng quá nhanh này, cộng với quá trình triển khai gấp gáp mà chưa có sự chuẩn bị dài hơi, hệ thống UPM đã bị quá tải khiến các thầy cô gặp khó khăn trong việc tổ chức lớp học. Vấn đề hạ tầng thông tin này là một trong những điểm cốt yếu mà nhà trường sẽ phải khắc phục nếu muốn tiếp tục phát triển E-learning trong thời gian tới.

Đề cao tính chủ động

Thực ra không phải chờ đến hiện tại, ĐH KHXHNV mới bắt đầu nghĩ đến việc ứng dụng CNTT vào việc hỗ trợ các thầy cô giảng dạy trực tuyến. “Ngay từ năm 2009, chúng tôi đã tiến hành triển khai E-learning. Tuy nhiên lúc đó, chúng tôi mới chỉ tập trung vào công cụ chia sẻ tài liệu, video bài giảng, quản lý sinh viên; tức là chưa có được ứng dụng toàn diện theo hướng giảng viên có thể tương tác trực tiếp với sinh viên.” – TS. Đào Minh Quân chia sẻ.

Là một trong những giảng viên hiếm hoi của trường trước đây đã áp dụng giảng dạy trực tuyến cho sinh viên, thầy Đỗ Văn Hùng xem thời điểm này là ‘bước đệm’ để việc giảng dạy trực tuyến được triển khai một cách bài bản, có hệ thống, và là cơ hội để giảng viên thử tiếp nhận hình thức giảng dạy này. Bởi dạy học trực tuyến có nhiều điểm tích cực, một trong số đó là nó sẽ góp phần nâng cao tính minh bạch cho cả người dạy, người học và người quản lý.

Cả giảng viên trẻ và giảng viên có tuổi đều phải xây dựng lại bài giảng, đồng thời phải thận trọng trong một buổi lên lớp. “Dạy học có ghi âm khiến giảng viên cẩn thận hơn. Cách tiếp cận kiến thức cũng phải thay đổi, giảng viên bắt buộc phải dạy những gì mà mình đã cam kết. Thông qua phương pháp dạy học, việc chuẩn bị bài, độ phong phú của bài tập… sinh viên có thể đánh giá một giảng viên có tận tâm với nghề hay không”, thầy Hùng nói. Trên giao diện của hệ thống, mỗi môn học đều trình bày rõ ràng mục tiêu cần đạt của học phần, yêu cầu và cam kết của giảng viên, cũng như tiến trình dạy học được viết cụ thể đến từng tiết học.

Người quản lý như thầy Quân cũng có cơ sở để biết rằng giảng viên có lên lớp, có tổ chức diễn đàn thảo luận, giảng dạy có đúng tiến trình hay không. Những yếu tố này sẽ hình thành nên một môi trường dạy học chuyên nghiệp và chất lượng.

Đáng lưu ý là việc chấm bài sẽ được đơn giản hóa, thay vì gửi dồn bài tập qua mail, gây khó khăn cho giảng viên, sinh viên giờ đây sẽ nộp bài tập lên hệ thống. Hệ thống sẽ tích hợp và phân loại bài tập theo lớp cho giảng viên, giảng viên chấm trực tiếp, nhận xét trên giao diện hệ thống và gửi điểm số, trả bài tập về cho sinh viên.

Không chỉ vậy, nền tảng UPM còn góp phần thay đổi hình thức kiểm tra trong dạy học. Kết cấu bao gồm điểm chuyên cần (10%), kiểm tra giữa kỳ (30%) và kiểm tra cuối kỳ (70%) vẫn sẽ được giữ nguyên, nhưng điểm giữa kỳ và cuối kỳ sẽ được xét dựa trên rất nhiều bài tập, dự án,… mà giảng viên giao cho sinh viên. Bởi để đánh giá thì cần cả một quá trình liên tục, chứ không phải chỉ nằm ở vài bài kiểm tra trong một vài giờ đồng hồ.

Linh hoạt trong cách đánh giá sẽ kéo theo đó là phương pháp dạy và học cũng thay đổi – tính chủ động của người học được đặt lên hàng đầu. “Quan điểm của tôi là sinh viên nên dành cả tuần để tự học, tự làm bài theo sự định hướng của giảng viên; chỉ nên dành 2-3 tiếng để lên giảng đường trao đổi những vấn đề thực tiễn và khúc mắc trong quá trình giải bài tập hay làm dự án mà thôi” – thầy Hùng chia sẻ. Có thể nó sẽ khiến giảng viên và sinh viên vất vả hơn trong việc làm bài và chấm bài, nhưng suy cho cùng, tinh thần của đại học đó là nỗ lực chủ động khám phá tri thức của sinh viên, cùng với sự tận tâm trong việc định hướng phương pháp học tập của giảng viên. “Và giảng dạy trực tuyến đang trao cho chúng ta cơ hội để thực hiện điều đó.”

Sau khi quá trình thử nghiệm hệ thống này hoàn tất, trường ĐH KHXHNV sẽ tổ chức một hội nghị để đánh giá lại hiệu quả giảng dạy, từ đó đề ra hướng phát triển thích hợp trong tương lai.

Thay đổi từ nhiều phía

Nhưng từ giảng đường bước vào trực tuyến, đó không đơn thuần chỉ là câu chuyện về chiếc laptop hay đường truyền Internet, mà đó còn là “việc giảng viên có muốn thay đổi, muốn tiếp cận công nghệ để đổi mới giảng dạy, thay đổi phương pháp nhằm định hướng sinh viên trên con đường khám phá tri thức hay không” – thầy Hùng cho biết, “nếu thay đổi được tâm lý, bứt ra khỏi vòng an toàn, thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.” Và điều đó tất nhiên không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Ngược lại, sinh viên cũng đang phải chủ động thay đổi. Tài liệu đã được đính kèm ngay trong hệ thống, nguồn học liệu cũng đã có sẵn trên thư viện số hóa của ĐHQGHN, sinh viên phải chủ động thảo luận và đọc tài liệu để nắm bắt được tri thức. Một khó khăn khác đó là không phải sinh viên nào cũng có Internet để kết nối và thiết bị sử dụng, đây cũng là một bài toán mà nhà trường đang tìm kiếm phương án giải quyết.

Nhưng trước mắt, theo TS. Đỗ Văn Hùng, “nhà trường cần phải đầu tư để hệ thống ổn định thông suốt, như thế thì giảng viên và sinh viên mới tin tưởng và thoải mái khi sử dụng”, thêm vào đó, cần có một chính sách cụ thể cho giảng viên và sinh viên, kể cả những chính sách liên quan đến phương án quy đổi tiền lương một giờ dạy trực tuyến so với một giờ giảng trên lớp. “Và theo tôi nghĩ thì việc giảng dạy trực tuyến nên được triển khai dưới hình thức vừa là chủ trương vừa là khuyến khích, như thế thì mới có thể đồng bộ E-learning được.”

Trả lời câu hỏi vẫn còn nhiều điều mới mẻ như vậy, ĐH KHXHNV có thể vượt qua để thay đổi toàn diện việc dạy và học không? TS. Đào Minh Quân nói: “Mùa dịch này là cơ hội để mình thấy được những điều mà trước đây mình chưa bao giờ nhận ra, đó là khả năng thích ứng của giảng viên là cực tốt. Điều đó là cơ sở để tin rằng về lâu dài, E-learning trở thành một phương pháp giảng dạy thường xuyên của ĐH KHXHNV.”