Những bức thư, tấm ảnh, chiếc ống nghe... đến những tâm sự, hồi ức của người thân, bạn bè và người trong cuộc đã nối tiếp nhau kể cho những vị khách ghé thăm không gian trưng bày “Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam” từng câu chuyện đời, chuyện nghề đầy chân thực của các nhà khoa học.

Khai trương tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam tại Cao Phong, Hòa Bình vào ngày 29/8 vừa qua, đúng dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, trưng bày “Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam” với chủ đề “Khoa học: Sáng tạo & Cống hiến” là một trong những trưng bày đầu tiên về những cống hiến của các nhà khoa học từng nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh - một giải thưởng cao quý trao cho những công trình nghiên cứu đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về khoa học, kỹ thuật, văn học - nghệ thuật và phục vụ cho đời sống dân sinh. Phát biểu tại lễ khai trương, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đánh giá: “Khu vực trưng bày 14 công trình là minh chứng sống động cho đóng góp của câc nhà khoa học Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hay những năm đất nước trong thời kỳ bao cấp khó khăn cho đến khi đất nước đổi mới. Qua hoạt động của các nhà khoa học Việt Nam, có thể thấy sáng tạo và cống hiến là những điều quan trọng nhất trong sự nghiệp của họ. Những tư liệu trong trưng bày đã làm nổi bật lên những phẩm chất đáng quý của các nhà khoa học Việt Nam qua các thời kỳ, đó là tình yêu đất nước, sự đam mê, là tinh thần vượt lên gian khó, hoàn cảnh và thách thức”

Khách tham quan trưng bày di sản của GS. Nguyễn Đình Tứ.

GS. Nguyễn Anh Trí - Chủ tịch hội đồng cố vấn MEDGROUP tham quan trưng bày.

Tại đây, trưng bày đã giới thiệu đến công chúng 14 công trình nghiên cứu trong các lĩnh vực y dược, toán, lý, động vật, thực vật, địa chất, nghệ thuật thông qua các tài liệu, hiện vật quý đã từng gắn bó với quá trình làm việc của các nhà khoa học xuất sắc như GS. Đặng Văn Ngữ, GS. Tôn Thất Tùng, GS. Đỗ Tất Lợi, GS Hoàng Tụy, GS Đào Văn Tiến, GS Thái Văn Trừng,... Có thể thấy ở cuộc trưng bày công trình điều tra về muỗi sốt rét và chế dung dịch Penicillin sử dụng chữa vết thương trong kháng chiến chống Pháp của GS Đặng Văn Ngữ; phương pháp cắt gan khô nổi tiếng - một bước ngoặt trong nền y học Việt Nam và được thế giới đánh giá cao của GS Tôn Thất Tùng; phương pháp lát cắt tìm điểm tối ưu toàn cục và lần đầu tiên được áp dụng để giải các bài toán quy hoạch lõm của GS. Hoàng Tụy; bản đồ đất Việt Nam thống nhất đầu tiên của GS.TS Lê Duy Thước và nhiều công trình của các nhà khoa học khác…

Tên tuổi và thành tựu của những giáo sư, nhà khoa học ấy có lẽ nhiều người đều đã biết, nhưng để hiểu sâu về những suy nghĩ, tâm tư của họ trước những khó khăn của vấn đề cần giải quyết và trong môi trường làm việc còn nhiều thiếu thốn và cả những cấp bách của xã hội đang cần những giải pháp thực tế… thì có lẽ ít người trong chúng ta từng được nghe đến. Có mấy ai biết rằng, với những điều kiện ngặt nghèo của những năm 1950, 1960, để điều chế ra Penicillin, GS Đặng Văn Ngữ đã phải làm thí nghiệm ở...trong chùa; để bắt được muỗi sống làm nghiên cứu vaccine, ông và nhóm đã tự vén ống quần, tay áo của mình để làm mồi nhử cho muỗi hút máu. Hay phương pháp cắt gan khô của GS Tôn Thất Tùng, trước khi trở “kinh điển”, đã phải nhận những chỉ trích dữ dội từ không ít nhà khoa học quốc tế, cho đó là “một sự can thiệp thô bạo vào gan, không hiểu biết và không làm chủ được hoàn toàn những cuống mạch máu hoặc sự phân phối của chúng trong gan”.

Có lẽ, đây là lần đầu tiên những quá trình lao động tỉ mẩn, kiên nhẫn cùng những câu chuyện bên lề ấy của các nhà nghiên cứu trên mọi lĩnh vực, từ khoa học đến nghệ thuật, được kể lại một cách chi tiết tại một không gian trưng bày. Đúng như chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Giám đốc chuyên môn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, “trưng bày sẽ không chỉ nói về các giá trị của công trình khoa học được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, mà cả về lao động sáng tạo của các nhà khoa học dẫn đến giải thưởng cao quý đó, những câu chuyện làm khoa học của họ và cả những suy tư rất đời thường mà họ đã tâm sự một cách chân thành nhất”.

Không gian trưng bày được kỳ vọng sẽ không chỉ là “lãnh địa” riêng để những người từng gắn bó với khoa học lui tới, mà cả những bạn trẻ hay bất kỳ ai có niềm yêu thích với lĩnh vực này, đều sẽ ghé thăm và biết đến những câu chuyện quá khứ ý nghĩa cùng những đóng góp to lớn của các nhà khoa học trong sự phát triển của Việt Nam ngày hôm nay.

Sau ba trưng bày với chủ đề “Khát vọng học hỏi và sáng tạo”, “Thẳm sâu trong từng hiện vật”, “Chuyện nghề địa chất”, trưng bày tiếp theo này về các nhà khoa học được trao giải thưởng Hồ Chí Minh đã cho thấy những nỗ lực của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam trong việc lưu giữ và tôn vinh những đóng góp của các nhà nghiên cứu, cùng với đó là niềm mong mỏi được truyền cảm hứng và đam mê khoa học cho những thế hệ trẻ tiếp theo thông qua một “ngôn ngữ” bảo tàng chân thực và thú vị.

Phòng trưng bày về “Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam” sẽ mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày lễ và dự kiến sẽ kéo dài trong 1,5 năm, tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (Cao Phong, Hòa Bình).

Cuốn sách “Trần Bảng - Đạo diễn Chèo” xuất bản năm 2006 và tái bản năm 2015, tổng kết hơn 60 năm GS Trần Bảng (1926) say mê, tâm huyết trong nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo về nghệ thuật chèo. Cuốn sách chứa đựng hệ thống lý luận khá hoàn chỉnh về nghệ thuật chèo, các mô hình nhân vật, các nguyên tắc tự sự, ước lệ, điều độ sân khấu chèo, các lối diễn…, là cẩm nang cho nhiều thế hệ nghệ sĩ chèo.

Mô hình đập trụ đỡ của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Cụm công trình “Ngăn sông đập trụ đỡ và đập sà lan” của GS.TS Trương Đình Dụ và nhóm tác giả là bước đột phá về công nghệ xây dựng các công trình ngăn sông. Nhóm đã tìm ra nguyên lý mới xây đập ngăn sông, ngăn mặn có nhiều ưu thế hơn so với cách làm cũ: giảm 40% chi phí xây dựng, không cần thay đổi dòng chảy, ít ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và đời sống nhân dân trong vùng.

Chiếc máy ảnh mang từ Liên Xô về năm 1963 và chiếc áo GS Thái Văn Trừng sử dụng trong những chuyến đi nghiên cứu rừng.

Chiếc xoong và lọ tái hiện việc nuôi cấy Penicillin bằng nước thân cây ngô của GS Đặng Văn Ngữ (1910-1967): 1 chiếc xoong, 1 lọ đựng ngô và 2 ống thí nghiệm. Khi tu nghiệp ở Nhật Bản, ông đã phân lập được loại Penicillin có tác dụng kháng sinh cao, tạo được vòng vô khuẩn lớn. Về nước năm 1949, bằng phương tiện thô sơ, ông chế ra nước lọc kháng sinh Penicillin dùng chữa vết thương. “Hàng ngày, trên đường đi qua những ruộng ngô mới bẻ còn thân cây trơ lại, anh Ngữ nói: Thân cây ngô ở đâu cũng có, mà tại sao để lãng phí thế này? Tại sao ta không nghiên cứu dùng nước thân cây ngô làm môi trường nuôi cấy Penicillin để sản xuất nước lọc Penicillin thay thế bột tinh?”, PGS Nguyễn Thị Ngọc Toản kể lại.

Bằng Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ khoa học) năm 1963 của GS Thái Văn Trừng (1917-2004) - người đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được cấp bằng Tiến sĩ tại Liên Xô. Công trình “Những hệ sinh thái rừng nhiệt đới Việt Nam” tập hợp các nghiên cứu của GS.TSKH Thái Văn Trừng từ 1957 đến 1999. Đây là công trình đột phá trong ba lĩnh vực: lâm sinh, sinh thái rừng, địa thực vật, xuất sắc về cả lý thuyết và thực tiễn khi phân loại kiểu rừng nhiệt đới vô cùng phức tạp ở Việt Nam, đề xuất lý thuyết về quy luật phát sinh quần thể thực vật rừng nhiệt đới; xây dựng mô hình phục hồi các hệ sinh thái rừng nhiệt đới bị phá hủy bởi chiến tranh hóa học.

Áo len và mũ của GS Hoàng Tụy (1927-2019) - nguyên Chủ nhiệm khoa Toán, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Toán học. Cùng với GS Lê Văn Thiêm, ông được coi là người “khai sơn phá thạch” cho nền toán học Việt Nam đương đại. Ông cũng là người khởi xướng ngành tối ưu toàn cục, được cộng đồng toán học thế giới đánh giá cao. Những thành tựu nổi bật như công trình “Giải tích tối ưu toàn cục và Quy hoạch D.C và ứng dụng”, đặc biệt là phương pháp lát cắt để tìm điểm tối ưu toàn cục, lần đầu tiên được áp dụng để giải các bài toán quy hoạch lõm, có thể ứng dụng vào quy hoạch vùng kinh tế, định vị xây dựng các trung tâm thương mại, thiết kế, nhận dạng trong sinh vật...


Khách tham quan trưng bày di sản của GS Đặng Văn Chung.

Các hiện vật của GS Đào Văn Tiến (1920-1995) - một trong những người đặt nền móng xây dựng ngành sinh học Việt Nam. Ông là người đầu tiên nêu ra các từ khoá tra cứu phân loại các nhóm động vật (ếch nhái, thằn lằn, rắn, rùa, cá sấu và chuột) để sử dụng ở Việt Nam.

Dụng cụ phẫu tích, giải phẫu bệnh của GS Vũ Công Hòe. Giải phẫu bệnh là lĩnh vực ít người muốn học vì đối tượng nghiên cứu là tử thi, nhưng GS Vũ Công Hòe đã lựa chọn giải phẫu bệnh và gắn bó với nó trọn đời, bởi “đằng sau cánh cửa tàn nhẫn khép lại cuộc đời của một con người vẫn có thể hé mở một chân trời mới của khoa học… Đằng sau mỗi tiêu bản, phiến đồ là cả một gánh nặng về sinh mạng của con người”.

Máy ảnh và cuốn sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS.TSKH Đỗ Tất Lợi (1919-2008) - một trong số ít nhà khoa học nước ta được quốc tế vinh danh bởi đóng góp trong lĩnh vực dược học từ thập niên 60 của thế kỷ trước.

Máy đo huyết áp, ống nghe, bản ghi chép về các bệnh tim mạch, Goute, Takayasu... của GS Đặng Văn Chung (1913-1999) - cây đại thụ về nội khoa ở Việt Nam. Với cách khám, chữa bệnh dựa trên lâm sàng, ông đã phát hiện nhiều bệnh hiếm gặp, như bệnh giãn động mạch phổi bẩm sinh, hạ đường huyết do u tuyến tụy tạng, u tuyến thượng thận...

Dược sĩ Đỗ Tất Lợi nghiên cứu tại phòng thí nghiệm trường ĐH Dược Hà Nội năm 1962.