Mới đây, sinh viên Chương trình Kỹ thuật hàng không của Đại học KH&CN Hà Nội (USTH), hay quen thuộc hơn với tên gọi Đại học Việt - Pháp, đã có buổi thực hành đầu tiên trong Phòng thí nghiệm Hàng không của trường.

Đây là phòng thí hàng không hiện đại đầu tiên trong trường đại học ở Việt Nam, được đầu tư 700.000 USD (tương đương 16 tỷ đồng), để trang bị máy móc và thiết bị theo chuẩn của các trường đào tạo hàng không quốc tế. Trong ảnh: Bộ thí nghiệm các linh kiện điện tử của hãng LEYBOLD (Đức).

Trong đợt đầu, Phòng thí nghiệm được lắp đặt các thiết bị liên quan đến lĩnh vực điện tử, cơ khí, và động lực học. Hai đợt tiếp theo sẽ được thực hiện vào tháng 8/2019 và quý I/2020. Khi được lắp đặt hoàn chỉnh, Phòng thí nghiệm sẽ có thêm các thiết bị trong lĩnh vực hàng không. Trong ảnh: Sinh viên thực hành dưới sự hướng dẫn chung của giảng viên trong khoa.

Phòng thí nghiệm cho phép thực hành những kiến thức cơ bản, còn các bài thực hành chuyên sâu trên máy bay thật, sinh viên sẽ làm tại Công ty Kỹ thuật hàng không Việt Nam VAECO. Trong ảnh: Sinh viên tự thực hành theo từng nhóm 4 người.

Năm học 2018-2019, USTH đã tuyển được 32 sinh viên khóa đầu cho Chương trình Kỹ thuật hàng không hệ đại học. Theo ông Laurent Brault, điều phối viên Chương trình, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc trong các lĩnh vực bảo trì, bảo dưỡng, vận hành và kiểm tra chất lượng, tình trạng máy bay; hoạt động điều hành, quản lý bay; hoặc có thể học tiếp để chuyển sang ngạch thiết kế động cơ máy bay. Trong ảnh: Ông Laurent Brault giới thiệu Hệ thiết bị mô phỏng cơ học chất lỏng của hãng GUNT.

Chương trình Kỹ thuật hàng không do Viện Hàng không Vũ trụ Pháp (IAS) chịu trách nhiệm xây dựng, đồng thời cử chuyên gia Pháp và Châu Âu tham gia giảng dạy. Trong khi đó, Tập đoàn Airbus cam kết hỗ trợ tài chính 2,5 triệu USD cho việc quản lý, triển khai Chương trình. Phòng thí nghiệm Hàng không chính là phần đóng góp đối ứng của USTH. Theo ông Laurent, hai điểm hấp dẫn nhất của Chương trình là học theo chuẩn quốc tế và sinh viên tốt nghiệp sẽ được Vietnam Airlines tuyển dụng. Tuy nhiên, "việc học khá nặng, tất cả các môn được dạy bằng tiếng Anh và sinh viên phải giỏi, phải đam mê vật lý, vì ngành này đòi hỏi rất nhiều kiến thức về vật lý.” Trong ảnh: Sinh viên khóa đầu tiên ngành Kỹ thuật hàng không chụp ảnh nhân dịp Chiến dịch hợp tác không quân Pháp-Việt Pegase 2018.

Bên cạnh Chương trình Kỹ thuật hàng không, USTH còn hợp tác với Trường Hàng không dân dụng Quốc gia Pháp (ENAC) mở Chương trình Quản trị vận tải hàng không quốc tế (IATOM). Đây là chương trình Thạc sĩ hàng không quốc tế đầu tiên ở Việt Nam với mục tiêu đào tạo các nhà quản lý cao cấp làm việc tại các hãng hàng không, doanh nghiệp sản xuất máy bay và cung cấp dịch vụ hàng không.

Học viên theo học tại chương trình sẽ có cơ hội trải nghiệm học tập tại trụ sở ENAC ở Toulouse trong học kỳ thứ 2 và thứ 3 và thực tập tại các công ty hàng không trong học kỳ thứ 4. Đặc biệt, học viên còn có cơ hội nhận học bổng lên tới 7.500 USD do Airbus tài trợ, hỗ trợ vé máy bay khứ hồi Hà Nội -Toulouse và chi phí sinh hoạt trong 2 kỳ học tại ENAC. Bằng Thạc sĩ do ENAC cấp có giá trị toàn cầu, được các công ty sản xuất máy bay và hãng vận tải hàng không quốc tế đánh giá rất cao.