Với mục đích bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa dân tộc, từ năm 2012, Chính phủ đã công nhận Bảo vật Quốc gia với 164 hiện vật lịch sử, văn hóa quan trọng bởi vẻ đẹp thẩm mỹ, hay tầm quan trọng lịch sử đặc biệt.
Trong 22 hiện vật mới được công nhận Bảo vật Quốc gia trong tháng 12 vừa qua, chúng tôi xin lựa chọn một số Bảo vật đáng chú ý nhất, và tham khảo ý kiến của chuyên gia khảo cổ về nội dung và những giá trị mà nó biểu hiện.
Bệ thờ Đồng Dương - thời huy hoàng của Phật giáo Champa
Năm 1902, đoàn thám hiểm dẫn đầu bởi nhà khảo cổ học Henri Parmentier là những người đầu tiên công bố với thế giới về sự tồn tại của di tích phật viện Đồng Dương sau hàng trăm năm ẩn mình trong lòng những cánh rừng ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Nếu như đa số mọi người khi nghĩ đến vương quốc Champa cổ xưa thường nghĩ đến những dấu ấn của Hindu giáo và Bà la môn giáo, thì quả thực Champa từng tồn tại một giai đoạn nơi Phật giáo Đại thừa phát triển đến đỉnh cao. Bằng chứng chính là sự tồn tại của Phật viện Đồng Dương, được cho là một trung tâm Phật giáo Champa lớn nhất Đông Nam Á tại kinh đô Indrapura của Champa vào cuối thế kỉ 9.
Bi kí Đồng Dương cho biết rằng tu viện và đền được xây dựng dưới triều vua Indravarman II, dưới danh nghĩa thờ cúng cho Lakshmindra-Lokesvara, vị thần bảo trợ cho hoàng gia. Tên vị thần là kết hợp của hai tên thần Hindu giáo (Lakshmi và Indra) một tên Phật giáo (Lokesvara), chứng tỏ sự tồn tại song hành của một phức hợp Hindu-Phật trong đời sống tôn giáo – chính trị đương thời.
Ở đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một đài thờ lớn mà các tác phẩm ở đây sau này trở thành tiêu biểu cho một phong cách nghệ thuật của thời đại: phong cách Đồng Dương.
Đài thờ Đồng Dương, chế tác bằng đá sa thạch cao 197cm, dài 396cm, rộng 354cm là trung tâm của một vihara (tiếng Sanskrit: “tịnh xá”) – phòng hội họp và thiền định của các nhà sư nơi trưng bày các ảnh tượng của Đức Phật. Từ điểm nhìn kiến trúc, đài thờ được sắp xếp theo hình thức chữ U, với các tấm phù điêu bao quanh chạm khắc các hoạt cảnh về cuộc đời của Đức Phật: Hoàng hậu Maya ở vườn Lumbini, Bồ Tát cắt tóc và trao y phục, đạo quân Mara và các cô gái Mara… Các hoạt cảnh được chia thành từng ô với mỗi lần giật cấp là một ô phù điêu tiếp nối nhau. Hình ảnh các nhân vật chạm khắc trên đài thờ: Đức Phật, Bồ Tát, các vị La hán, các tu sĩ, các môn thần mang dặc trưng phong cách Đồng Dương: trán hẹp, cung mày liền nhau, nổi gờ và lượn sóng hướng lên trên tóc; môi dày, mũi rộng và tẹt.
Khác với phong cách Amaravati chịu ảnh hưởng đậm nét từ nghệ thuật Ấn Độ, đài thờ Đồng Dương bắt đầu xuất hiện các dấu ấn Trung Hoa (tượng Phật ngồi để thõng hai chân), Java (các tượng Lokesvara), Phù Nam hay Mon-Dvaravati ở Thái Lan. Mặc dù tiếp nhận ảnh hưởng từ nhiều phía, nhưng đài thờ Đồng Dương vẫn thể hiện một đặc trưng Champa với hình khối khỏe khắn và những nét nhân chủng Chăm không thể lẫn vào đâu được.
Đài thờ làm bằng đá sa thạch, một chất liệu mềm (hơn đá xanh thường dùng để chế tác bia và tượng ở Việt Nam) nhưng chưa hẳn là dễ chế tác. Toàn bộ đài thờ được đục đẽo thủ công, là minh chứng cho tay nghề điêu luyện của các nghệ nhân Champa, mà theo một số nhà khảo cổ học, phải thuộc về lớp thợ cao cấp thuộc hoàng gia.
Đối với những người tìm hiểu về Phật giáo ở Champa, đài thờ Đồng Dương là một cụm hiện vật quan trọng không thể bỏ qua. Ngày nay, đài thờ vẫn được trưng bày trang trọng tại khu Đồng Dương của Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Bình gốm Đầu Rằm mối giao hòa giữa đất liền với biển khơi
Bình gốm Đầu Rằm-hay còn gọi là bình gốm Hoàng Tân, được phát hiện năm 1998 tại hang đá Đầu Rằm Nhỏ, xã Hoàng Tân, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh, nay được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh. Bình gốm Đầu Rằm gây ấn tượng với những người đến tham quan bởi hình dáng giống một chiếc gùi đan tre của người dân miền núi phía Bắc, dù hiện vật này được phát hiện tại khu vực giáp biển.
Nghiên cứu của các nhà khảo cổ học với hiện vật này, sử dụng phương pháp phân tích niên đại nhiệt huỳnh quang* đã xác định niên đại tuyệt đối là khoảng 3100 năm cách ngày nay. Phân tích cũng giúp xác định bình gốm đã được nung dưới nhiệt độ 700-800°C. Màu đỏ sẫm bên ngoài được tạo ra bằng kĩ thuật nhúng phôi gốm vào hỗn hợp đất sét mịn pha với bột thổ hoàng. Đây là kĩ thuật tạo áo gốm phổ biến của các cư dân văn hóa Hạ Long.
Bình gốm Đầu Rằm, cũng trái với ấn tượng ban đầu, không được chế tạo nguyên khối. Ngược lại, bình được gắn chắp từ 3 phần riêng biệt: miệng và tai hình nón cụt; thân hình chóp cụt; và chân đế hình thang vuông. Để ghép giữa các phần, người thợ cổ đã dùng que ấn vào mối ghép, vừa cố định mối ghép vừa để tạo ra các hoa văn vạch chéo – giúp mối ghép khó phát hiện mà có cảm giác như được chế tác liền khối. Đó là biểu hiện của kỹ thuật gắn chắp bình gốm đã đạt đến trình độ cao của nghệ nhân thời đó.
Các hoa văn trang trí trên bình gốm Đầu Rằm là điển hình của văn hóa Phùng Nguyên – một nền văn hóa tiền sử lớn có trung tâm từ Phú Thọ, Vĩnh Phúc xuất hiện cách ngày nay trên 3-4 ngàn năm – được cư dân Đầu Rằm tiếp thu và phát triển. Phần miệng và vai bình trang trí hoa văn sinh thực khí âm thể hiện ý niệm tôn thờ tính nữ (âm-mặt trăng), tượng trưng cho mong muốn sinh sôi nảy nở của con người trong văn hóa phồn thực. Phần thân bình trang trí hoa văn hình chữ S, hoa văn khắc vạch tượng trưng cho sự tôn thờ thiên nhiên. Để tạo ra các hoa văn trang trí, người thợ đã dùng nhiều loại que. Que nhỏ và sắc để tạo hoa văn khắc vạch. Que lớn, đầu tù để vẽ và miết láng. Que trung bình, đầu vuông để tạo các đường chấm dài. Quá trình tạo hoa văn được thực hiện theo trình tự: dùng que vẽ đường bao của hoa văn-khắc vạch hoa văn-miết bóng sửa lỗi.
Các nhà khảo cổ học đoán định, bình gốm Đầu Rằm rất có thể là một vật dụng có tính chất cao quý, được sử dụng trong các nghi lễ tâm linh, tương tự như bát bồng và thố của người Phùng Nguyên ở Phú Thọ.
Mang đậm dấu ấn Phùng Nguyên như vậy, nhưng bình gốm Đầu Rằm lại thuộc về văn hóa Tràng Kênh – là một nền văn hóa biển. Hình dáng kì lạ của chiếc bình khiến các nhà nghiên cứu đặt ra rất nhiều câu hỏi, phải chăng bình gốm Đầu Rằm có nguồn gốc từ chiếc gùi đan bằng tre của vùng núi phía Bắc, và nếu như vậy, có khi nào bình gốm Đầu Rằm chính là kỉ vật mang theo của cư dân miền núi khi di chuyển xuống miền biển để nhớ mãi về cội nguồn tổ tiên?
Hộp vàng Ngọa Vân và đỉnh cao của nghệ thuật Việt Nam thời Trần
Ngày 21 tháng 6 năm 2012, trong quá trình thi công mở rộng con đường “hành hương tâm linh” từ thôn Trại Lốc lên di tích chùa Ngọa Vân (Đông Triều, Quảng Ninh), Đại đức Thích Quảng Hiển đã phát hiện một chiếc hộp bằng vàng do máy xúc đào lộ ra từ sườn đồi. Chiếc hộp phát lộ trong không gian đậm đặc dấu ấn văn hóa triều Trần, bên Am Mộc Cảo - lối lên chùa Ngọa Vân, nơi vua Trần Nhân Tông hóa Phật. Căn cứ vào hình dáng và đặc biệt là các họa tiết trang trí, các nhà nghiên cứu đều thống nhất niên đại chiếc hộp vào thế kỉ 14, thời Trần.
Hộp vàng Ngọa Vân mang dáng dấp của một bông sen đang độ mãn khai với hai phần: phần thân và phần nắp. Tổng thể chiều cao hộp là 42mm trong đó phần thân cao 28,4-32mm, đường kính thân 51mm. Thân hộp tạo nổi 11 múi, mỗi múi như một cánh sen cong tròn, lòng múi trang trí văn hoa chanh (liên tiền văn) nổi trên văn mây hình khánh. Các hoa văn được sử dụng (liên tiền văn, vân mây…) đều là điển hình của phong cách mỹ thuật thời Trần. Cánh sen lớn, to mập được tạo tác với đường nét tinh xảo. Giữa các lớp cánh có một vòng hạt cườm và hai đường chỉ nổi nhằm tăng độ hài hòa hình khối. Chính giữa tâm nắp hộp được tạo lõm xuống (mô phỏng gương sen) khiến chiếc hộp nhìn từ trên xuống trông giống hệt một đóa sen với nhiều lớp cánh đang nở. Tuy diện tích nhỏ, nhưng các hoa văn đều được tạo tác bằng các đường nét chắc khỏe, sắc nét, thể hiện trình độ điêu luyện của người thợ thủ công.
Kết quả từ Hội đồng giám định cổ vật- Bộ VHTTDL thực hiện từ 09/10/2012 thì chiếc hộp được chế tạo với 90% thành phần là vàng, còn lại là một ít kim loại màu để gia tăng độ cứng. Toàn bộ hình dáng hộp được gò trên khuôn, trong đó phần chân đế được gò tách biệt và được hàn vào thân. Hoa văn trang trí được tạo tác bằng kỹ thuật khắc và gò thủ công. Việc chạm nổi hàng trăm đường nét tinh xảo trên một diện tích khiêm tốn và bề mặt vàng mỏng cho thấy đây phải là sản phẩm của một nghệ nhân cao cấp, rất có thể là sản phẩm do Cục Bách tác chế tạo dành riêng cho hoàng gia.
Căn cứ vào chất liệu cũng như độ tinh xảo, các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng hộp vàng Ngọa Vân là một vật cao quý thuộc về hoàng gia, thậm chí là một vật dùng trong các nghi thức tôn nghiêm. Vị trí phát hiện chiếc hộp nằm cạnh Am Mộc Cảo là thảo am của Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng Thái hậu, con gái trưởng của Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, con trai của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn - khiến chúng ta không khỏi đặt ra giả thuyết rằng chiếc hộp có thể liên quan tới cuộc đời bà Hoàng Thái hậu nổi tiếng mộ đạo này. Dựa trên nghiên cứu so sánh các pháp khí và vật dụng của Phật giáo, ThS. Nguyễn Văn Anh, Khoa Lịch sử, trường ĐH KHXH&NV Hà Nội cho rằng hộp vàng Ngọa Vân rất có thể là một pháp khí của Phật giáo có tên gọi là Át già khí (閼伽器) - một thuật ngữ dùng để chỉ cốc/bát đựng nước thơm trong nghi lễ cúng dường Phật giáo. Theo sách Tô tất địa yết la duy, phẩm phụng thỉnh (蘇悉地羯羅維奉請品), Át già khí có thể làm từ vàng, bạc, đồng, gỗ…và hộp vàng Ngọa Vân được chế tạo bằng chất liệu cao quý nhất trong thang chất liệu đó.
Tính đến thời điểm hiện tại, hộp vàng Ngọa Vân là hiện vật độc bản, chưa từng được phát hiện ở bất cứ đâu và có giá trị đặc biệt về khoa học, lịch sử, mỹ thuật thời Trần. Sự kiện phát hiện hộp vàng trên con đường lên Am Ngọa Vân sẽ là đóng góp quan trọng trong việc tìm hiểu về cuộc đời vị vua-Phật Trần Nhân Tông nói riêng và thiền phái Trúc Lâm nói chung.
Chú thích
*Phương pháp phân tích niên đại nhiệt huỳnh quang: một phương pháp phân tích trong đó niên đại được tính dựa trên lần đốt nóng trên 500°C gần nhất đến nay của mẫu hiện vật, với giả thiết liều bức xạ hằng năm không đổi trong suốt thời gian tồn tại mẫu và sai số 1 sigma.
Xin chân thành cảm ơn PGS.TS Đặng Hồng Sơn và ThS Nguyễn Hữu Mạnh Khoa Lịch sử trường ĐH KHXH&NV Hà Nội đã cung cấp tư liệu cho tôi trong quá trình hoàn thành bài viết này.