Những hình ảnh khoa học đặc sắc tháng 9 do trang tin Nature lựa chọn.
Phôi cá ngựa vằn. Các nhà khoa học đã chụp được sự phát triển của phôi cá ngựa vằn bằng cách sử dụng kính hiển vi huỳnh quang và một kỹ thuật không phá hủy gọi là chụp ảnh tấm ánh sáng.
Vùng màu tím cho thấy vị trí của trung bì, một trong những nhóm tế bào cuối cùng hình thành các cơ quan và mô của phôi.
Chụp ảnh tấm ánh sáng là một dạng chụp ảnh huỳnh quang - các tế bào của đối tượng sẽ phát sáng khi được laze chiếu vào. Với một mặt phẳng laze mỏng chiếu cắt qua đối tượng, như tên gọi "tấm ánh sáng", sẽ chỉ có một lớp mỏng của đối tượng phát sáng. Và mặt cắt phát sáng này được thu lại bởi kính hiển vi huỳnh quang đặt vuông góc với tấm ánh sáng.
Sơ đồ kỹ thuật chụp ảnh tấm ánh sáng. Màu xanh: tấm ánh sáng cắt qua làm một mặt cắt của đối tượng phát sáng; màu đỏ: kính hiển vi huỳnh quang đặt vuông góc thu lại hình ảnh.
Những loài rắn nguy cấp. Nhà sinh vật học Alejandro Arteaga xử lý các mẫu vật rắn Atractus được tìm thấy trong
chuyến thám hiểm đến các thị trấn vùng Andean, Ecuador. Nhóm của Arteaga đã tìm thấy ba loài rắn chưa từng được mô tả trước đây sống dưới lòng đất ở những địa điểm vắng người, nghĩa địa và nhà thờ cổ. Hai trong số các loài này được cho là có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Nhà máy năng lượng mặt trời trên sa mạc. Hình ảnh từ trên không này cho thấy một phần của nhà máy năng lượng mặt trời và quang điện Cerro Dominador ở sa mạc Atacama, Chile - một trong những nơi khô nhất và nhiều nắng nhất trên Trái đất. Nhà máy khai trương đầu năm nay, gồm một tòa tháp cao 250 mét được bao quanh bởi hơn 10.000 tấm gương - được gọi là heliostats - trải rộng trên 7,5 km2. Các heliostats phản xạ bức xạ của Mặt trời lên một bộ thu trên đỉnh tháp, sau đó nhiệt lượng tập trung ở đỉnh được truyền tới hệ thống tuabin hơi sản xuất điện. Dự án là một phần của chương trình năng lượng tái tạo quốc gia của Chile, với mục tiêu đáp ứng 20% năng lượng của quốc gia bằng các nguồn tái tạo vào năm 2025.
Thiên văn học "vòng cây". Hình ảnh kỳ lạ này đã giành được hạng mục sáng tạo của Giải thưởng Nhiếp ảnh Thiên văn 2022. Nghệ sĩ Pauline Woolley tạo ra bức ảnh bằng cách chồng 26 hình ảnh do Đài quan sát động lực học Mặt trời thuộc NASA chụp Mặt trời trong nửa đầu một chu kỳ Mặt trời.
Chu kỳ Mặt trời, còn được gọi là chu kỳ hoạt động từ trường hay chu kỳ vết đen mặt trời, là quá trình thay đổi theo chu kỳ 11 năm, trong đó mức độ bức xạ mặt trời, sự giải phóng vật chất mặt trời, số lượng và kích thước của các vết đen và bão mặt trời, từ trường vành nhật hoa, tăng dần đến mức độ tối đa sau đó giảm dần về tối thiểu.
Vì hình ảnh chỉ bao gồm nửa đầu chu kỳ, “mức hoạt động yếu nhất nằm ở trung tâm, mức mạnh nhất nằm ở ngoài cùng. Từng tháng từng tháng, những chiếc vòng lớn dần lên như những vòng tuổi trong thân cây”, Woolley nói. “Hình ảnh như đánh dấu thời gian trôi qua”.
Màu sắc của hình ảnh đã được điều chỉnh để làm cho giống các vòng cây hơn.
Khi các hạt nano gặp nhau. Hai hạt nano hình đĩa kết hợp với nhau. Mỗi hạt bao gồm một lõi nguyên tử cadmium được bao quanh bởi một lớp vỏ cadmium clorua. Sử dụng một kỹ thuật kính hiển vi đặc biệt, lần đầu tiên các nhà nghiên cứu có thể kiểm tra cách các hạt này tương tác.
Và cách chúng hợp nhất với nhau không bị chi phối bởi kích thước như lý thuyết dự đoán, mà bởi một vết nứt trên vỏ của hạt nano lớn hơn. “Đây là một cột mốc lớn. Chúng ta đang viết lại sách giáo khoa hóa học”, Haimei Zheng, một nhà khoa học vật liệu tại Đại học California, Berkeley, cho biết.
Rùa hai đầu. Con rùa hai đầu già nhất thế giới - được đặt tên là Janus, theo tên của vị thần La Mã hai mặt - đã tổ chức sinh nhật lần thứ 25 vào ngày 3/9. Janus, thuộc loài rùa Hy Lạp - Testudo graeca, sinh ra tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Geneva ở Thụy Sĩ và sống ở đó kể từ khi chào đời. Janus có hai trái tim, hai bộ phổi và, theo các nhân viên Bảo tàng, hai nhân cách riêng biệt. “Đầu bên phải tò mò hơn, hoạt bát hơn, và tính cách mạnh mẽ hơn nhiều”, người chăm sóc Angelica Bourgoin nói. "Đầu bên trái thụ động hơn và thích ăn".
Nguồn: