Dưới đây là các hình ảnh khoa học đặc sắc trong tháng 5 do trang tin Nature lựa chọn.


Tế bào phồng lên. Các nhà sinh học phân tử đã phát hiện, khi một mặt phẳng gồm các tế bào được uốn cong - như trong hình ảnh kính hiển vi này - các tế bào riêng lẻ sẽ phồng lên và trở thành hình vòm. Họ cho biết việc hiểu được cách tế bào phản ứng với sự uốn cong có thể giúp phát triển các organoid - cấu trúc đa bào nhân tạo được thiết kế để bắt chước cấu trúc vi mô của một cơ quan nội tạng.


Đất mặt trăng. Lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu đã trồng cây trong đất từ Mặt trăng. Họ đã trồng cải xoong thale (Arabidopsis thaliana) trong các mẫu đất Mặt trăng thu thập được trong các nhiệm vụ Apollo (phải) và so sánh chúng với cây trồng trong tro núi lửa từ Trái đất (trái). Tro núi lửa từ Trái đất có kích thước hạt và thành phần khoáng chất tương tự như đất mặt trăng. Kết quả, cây trồng trong đất mặt trăng phát triển chậm hơn, mất nhiều thời gian hơn để phát triển lá và có nhiều rễ còi cọc hơn so với cây trồng trong tro núi lửa. Các nhà nghiên cứu cho rằng tác động của tia vũ trụ và gió Mặt trời lên đất Mặt Trăng, cũng như sự hiện diện của các hạt sắt, có thể làm suy giảm sự phát triển của thực vật.


Ô cửa trên sao Hỏa. Hình ảnh này do tàu thám hiểm Curiosity của NASA chụp trên sao Hỏa, cho thấy một khe hở trong núi đá trông giống như một cánh cửa của người ngoài hành tinh. Khe hở cao khoảng 30 cm và có thể đã được hình thành giữa hai vết nứt dọc trên sa thạch. Curiosity chụp được hình ảnh này khi đang leo lên Núi Sharp - đỉnh núi nằm giữa khu vực Miệng núi lửa Gale, khu vực mà nó đã khám phá từ năm 2012.


Thủy quái. Một ngư dân sửng sốt khi đối mặt với con cá đuối nước ngọt khổng lồ này sau khi vô tình câu nó lên từ sông Mekong ở Campuchia. Sinh vật dài 4 mét và nặng 181 kg, và đã được thả trở lại sông mà không hề hấn gì. Mekong là một điểm nóng đa dạng sinh học được công nhận trên toàn cầu, là nơi sinh sống của khoảng 1.000 loài cá, trong đó có một số loài cực kỳ quý hiếm.


Hố đen siêu lớn. Vào ngày 12/5, các nhà nghiên cứu từ dự án hợp tác toàn cầu Kính viễn vọng Chân trời Sự kiện (EHT) đã công bố hình ảnh đầu tiên về lỗ đen siêu lớn ở trung tâm Dải Ngân hà, Sagittarius A*. Hình ảnh giúp giải thích một số bí ẩn về "trái tim" của Dải Ngân hà. Đây là ảnh ghép tổng hợp tất cả các hình ảnh mô phỏng lỗ đen trong khoảng 28 giờ liên tục; dựa trên rất nhiều hình ảnh này và các phép đo, nhóm EHT đã tạo ra một hình ảnh chính xác nhất.


Quang cảnh ở Svalbard. Ảnh chụp các mái vòm viễn thông tại Trạm vệ tinh Svalbard (SvalSat) nằm trên đỉnh núi gần thị trấn Longyearbyen thuộc quần đảo Svalbard của Na Uy. SvalSat là trạm vệ tinh ở cực bắc của thế giới và là một trong hai trạm duy nhất có thể kết nối với các vệ tinh quỹ đạo địa cực khi các vệ tinh này quay quanh Trái đất, từ cực này sang cực kia.


Nắng nóng cực đoan. Người dân ở Delhi tìm kiếm bóng mát dưới một cây cầu bắc qua sông Yamuna, hiện đã khô cạn, trong một ngày hè nóng nực oi ả. Nhiều vùng của Ấn Độ tiếp tục trải qua nhiệt độ cực cao và tình trạng khô hạn kéo dài từ tháng Ba. Các nhà nghiên cứu thuộc Sáng kiến Ghi nhận Thời tiết Thế giới cho biết, biến đổi khí hậu do con người gây ra làm nguy cơ xảy ra các đợt nắng nóng cực đoan ở Ấn Độ tăng thêm 30 lần.

Nguồn: