PanNature đã thực hiện một video với tựa đề "Để rừng thôi lặng" nhằm truyền đi thông điệp “Hãy dừng lại trước khi quá muộn, trước khi đẩy các loài hoang dã vào cái chết đau đớn, trước khi rừng lặng tiếng chim muông!".


Video "Để rừng thôi lặng" do PanNature thực hiện trong khuôn khổ dự án "Hợp tác chống tội phạm liên quan đến động vật hoang dã”.

Việt Nam từ lâu vẫn được xem là một điểm nóng về buôn bán động vật hoang dã trong khu vực và trên thế giới. Một nghiên cứu do Milica Sandalj, Anna Treydte và Stefan Ziegler (Đại học Hohenheim, Đức) thực hiện vào năm 2015 với sự hỗ trợ của WWF Việt Nam ước tính mỗi năm có khoảng 3.500 đến 4.000 tấn thịt rừng đi qua thị trường Việt Nam, khoảng một nửa số này được tiêu thụ trong nước với 80% dưới dạng “đặc sản thịt rừng”. Điều này, tương đương với vô số những con thú đáng thương, vô tội đã bị "bẫy" chết.

Quả thật, mỗi năm có hàng triệu chiếc bẫy được giăng ra trong các cánh rừng Việt Nam để săn bẫy thú, phục vụ nhu cầu thịt thú rừng của thực khách. Mỗi chiếc bẫy giăng ra đồng nghĩa với nguy cơ rừng mất đi một con thú. Cuối cùng, những con thú sẽ trở thành món thịt thú rừng trên các bàn tiệc.

Mới đây, trong khuôn khổ dự án “Hợp tác chống tội phạm liên quan đến động vật hoang dã” do Hiệp hội Bảo tồng động vật hoang dã (WCS) Việt Nam điều phối và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) là đối tác triển khai tại Việt Nam, PanNature đã thực hiện một video với tựa đề "Để rừng thôi lặng" nhằm truyền đi thông điệp “Hãy dừng lại trước khi quá muộn, trước khi đẩy các loài hoang dã vào cái chết đau đớn, trước khi rừng lặng tiếng chim muông!" Khi đó, chắc chắn cuộc sống của chính con người sẽ bị ảnh hưởng. Bởi lẽ chúng ta đang sống trong cùng một hệ sinh thái mà ở đó, mỗi loài đều là một mắt xích không thể tách rời của sự sống.