Những hiện tượng và những thiên thể trong vũ trụ bao la cách chúng ta hàng nghìn năm ánh sáng dường như trở nên gần gũi hơn nhờ một “thú chơi” kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật: nhiếp ảnh thiên văn (Astrophotography).
Hãy cùng khám phá thú chơi này qua chia sẻ của hai nhiếp ảnh gia thiên văn hàng đầu Việt Nam tại Ngày hội Vũ trụ do Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) tổ chức mới đây.
Hai nhiếp ảnh gia thiên văn học Nguyễn Trần Hạ (trái) và Doãn Tuấn Dương (phải) tại USTH Space Day 2019. Ảnh: USTH
Là hai tên tuổi quen thuộc trong giới nhiếp ảnh thiên văn Việt Nam, thế nhưng cả Nguyễn Trần Hạ và Doãn Tuấn Dương đều xuất thân từ dân “tay ngang”, chưa từng được đào tạo về nhiếp ảnh hay thiên văn học. Nguyễn Trần Hạ (1989) học về công nghệ thông tin còn Doãn Tuấn Dương (1987) tốt nghiệp chuyên ngành ngôn ngữ và hiện đang làm về… nhân sự.
Yêu thích thiên văn từ nhỏ – với Dương là từ lớp 2, khi anh đọc được cuốn “Vũ trụ - Phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ đại” của GS Nguyễn Quang Riệu - họ dần nuôi dưỡng tình yêu của mình bằng cách tự đọc sách và tìm kiếm thông tin về nhiếp ảnh thiên văn trên các trang mạng nước ngoài vì tài liệu tiếng Việt còn khá khan hiếm. Sau một thời gian mày mò, thử nghiệm nhiều loại thiết bị chụp ảnh khác nhau, đài thiên văn của Hạ và Dương - hai đài thiên văn cá nhân hiện đại nhất Việt Nam hiện nay - lần lượt ra đời vào năm 2017 và 2018.
Bên trong đài quan sát Nam Hà Nội của nhiếp ảnh gia Nguyễn Trần Hạ. Ảnh: NVCC
Hai nhiếp ảnh gia chia sẻ, nhờ sinh sống ở ngoại ô, họ tránh được yếu tố
gây khó khăn lớn nhất cho nhiếp ảnh thiên văn là ô nhiễm ánh sáng đèn
đường và đèn sinh hoạt đô thị. Từ 2 đài thiên văn này, Hạ và Dương đã
chụp nên những bức ảnh tinh vân, cụm sao, thiên hà đẹp huyền ảo, khiến
người xem phải trầm trồ và nhiều lần được trang web chuyên về thiên văn
Astrobin lựa chọn là Top Pick hay Image of The Day.
Theo Trần Hạ, “trái tim” của đài là hệ thống kính thiên văn với nhiều tiêu cự khác nhau. Kính thiên văn và camera chuyên dụng được đặt trên chân đế, giúp cho những bức ảnh phơi sáng lâu tới hàng chục phút mà các ngôi sao không bị kéo thành vệt. Toàn bộ hệ thống ghi hình cũng được kết nối vào máy tính để có thể điều khiển trực tiếp trên đài hoặc từ xa.
Các bức ảnh sau khi chụp phơi sáng sẽ được tổng hợp lại và xử lý bằng phần mềm dựa trên các thuật toán và nguyên tắc khoa học nhằm bảo đảm những tác phẩm ra đời vừa sắc nét và có tính thẩm mỹ, vừa giữ được độ chính xác cao nhất. Hạ cho biết, có khi anh mất cả tuần lễ với tổng thời gian phơi sáng lên tới 50 giờ đồng hồ để chụp một bức ảnh.
Bên cạnh đó, thời tiết cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Theo kinh nghiệm của Tuấn Dương, ở Việt Nam, trong năm chỉ có khoảng 30 ngày thuận lợi cho nhiếp ảnh thiên văn, mỗi lần muốn chụp sẽ phải theo dõi thời tiết từ trước, đồng thời phải “canh” thời điểm lặn và thời điểm mọc của đối tượng mà mình muốn thu hình.
“Thú chơi” công phu là vậy chỉ để đổi lại cảm xúc như thấy “một chân trời mới” khi ngồi bên trong đài quan sát, ngắm nhìn bầu trời đầy sao qua kính thiên văn hay khi bức ảnh do mình chụp lần đầu hiện ra.
“Giữa thinh không lặng lẽ, một mình đối diện với vũ trụ bao la, tự nhiên ta sẽ cảm thấy mình nhỏ bé hơn, thấy được sự vô hạn của thời gian và hữu hạn của đời người, và ta sẽ thấy mình khiêm tốn hơn”, Tuấn Dương chia sẻ. “Cái cảm xúc khi mà từng bức ảnh chụp ra có thể rất mờ, nhưng khi tất cả các bức ảnh ấy được tổng hợp lại với nhau thì, wow, thật rực rỡ, thật chi tiết.”
Mặc dù lĩnh vực nhiếp ảnh thiên văn đòi hỏi người chụp phải có một nền tảng kiến thức rộng (về thiên văn, cơ khí, máy ảnh, công nghệ thông tin...) và đầu tư chi phí không hề nhỏ cho trang thiết bị nếu muốn theo đuổi một cách chuyên nghiệp, nhưng theo Tuấn Dương, nó “không phải là thứ quá khó và không thể tiếp cận được.” Bên cạnh những ống kính chuyên nghiệp có mức giá khá cao, vẫn có những thiết bị phù hợp với đối tượng người trẻ, học sinh, sinh viên.
“Điều đầu tiên bạn cần làm nếu muốn theo đuổi ‘thú chơi’ này là có đam mê và học ngoại ngữ để tìm hiểu các thông tin cơ bản về thiên văn và nhiếp ảnh thông qua các tài liệu tiếng Anh”, Dương nhấn mạnh và cho rằng, nhiếp ảnh thiên văn sẽ là động lực giúp các bạn trẻ đến gần hơn với thiên văn học.
Dưới đây là một số tác phẩm của hai nhà nhiếp ảnh:
Tinh vân vành khăn phía Tây trong chòm sao Thiên Nga (Cygnus), cách Trái
đất khoảng 1.470 năm ánh sáng, là một đám mây khí bụi bị ion hóa và đốt
nóng - tàn tích của một vụ nổ siêu tân tinh xảy ra cách đây từ
5.000-8.000 năm. Ảnh: Doãn Tuấn Dương. Tổng thời gian phơi sáng: 11,83
giờ.
Tinh vân Vành khăn phía Đông trong chòm sao Thiên Nga (Cygnus), cùng với
tinh vân vành khăn phía Tây, đều là những tàn tích của một vụ nổ siêu
tân tinh. Các vật chất của ngôi sao sau khi chết đã giãn nở trở thành
hai dải lụa đẹp trên bầu trời. Ảnh: Doãn Tuấn Dương. Tổng thời gian phơi
sáng: 11,2 giờ. Messier 8: Nhà hộ sinh vũ trụ - Tinh vân Đầm nước mặn trong chòm sao
Cung Thủ (Sagittarius) là một trong những mục tiêu thú vị nhất cho thiên
văn quan sát cũng như những người chụp ảnh. Đây là một tinh vân phát xạ
lớn và sáng rực rỡ nằm trong chòm sao Sagittarius nằm cách Trái đất
4.100 năm ánh sáng. Ảnh: Doãn Tuấn Dương. Tổng thời gian phơi sáng: 7
giờ. Tinh vân Trăng lưỡi liềm trong chòm sao Thiên Nga (Cygnus), là một tinh
vân phát xạ trong chòm sao Thiên Nga, nằm cách Trái đất khoảng 5.000 năm
ánh sáng. Ảnh: Doãn Tuấn Dương. Tổng thời gian phơi sáng: hơn 20 giờ
trong vòng 8 đêm.
Các hành tinh trong Hệ Mặt trời (từ trái qua, từ trên xuống): Sao
Thổ cùng tên chi tiết các vành đai (Ring A, Ring B, Ring C) và các khe
hở lớn giữa các vành đai (Khe Cassini, Khe Encke, Khe Huygens; Sao Mộc; Sao Hỏa ở vị trí gần Trái Đất nhất ngày 30/5/2016; Sao Hỏa bị che khuất 1 phần (có “pha” như Mặt trăng); Chuyển động tự quay quanh trục của Sao Hỏa theo thời gian (ghi chú từng phút trong ảnh). Ảnh: Doãn Tuấn Dương
Tinh vân Xoắn Ốc hay còn gọi là tinh vân Helix nằm cách chúng ta khoảng
700 năm ánh sáng về phía chòm sao Bảo Bình. Bức ảnh đoạt giải Ảnh thiên
văn trong ngày trên diễn đàn Astrobin. Ảnh: Nguyễn Trần Hạ
Chia sẻ tại Ngày hội Vũ trụ 2019: Nhiếp ảnh thiên văn, PGS.TS Ngô Đức
Thành - đồng Trưởng khoa Khoa Vũ trụ và Ứng dụng, USTH, nơi đào tạo từ
bậc đại học đến tiến sĩ với 3 hướng chính Viễn thám, Vật lý thiên văn và
Công nghệ vệ tinh - cho biết, nghiên cứu vũ trụ là một trong những lĩnh
vực lâu đời và sôi động nhất trên thế giới nhưng ở Việt Nam, số người
theo học còn khá ít ỏi do đây không phải là lĩnh vực dễ tiếp cận đối với
đa số. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu nhân lực cho các ngành như viễn
thám, công nghệ vệ tinh rất lớn, do đó, cần thu hút được sự chú ý của
cộng đồng, giúp ngày càng nhiều người hiểu hơn về thiên văn qua những sự
kiện đại chúng như Ngày hội Vũ trụ, từ đó tìm được những sinh viên đam
mê và có thể theo đuổi việc nghiên cứu một cách dài lâu. |