Các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Công nghệ (Đại Học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Y tế Công cộng (HUPH) và nhóm Khoa học Công dân – Môi trường tại Trung tâm Sống và học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) vừa công bố báo cáo “Hiện trạng bụi PM2.5 và Tác động Sức khỏe tại Việt Nam năm 2021”.
Báo cáo gồm các phân tích về hiện trạng bụi PM2.5 tại 63 tỉnh, thành phố năm 2021. Theo đó, nồng độ PM2.5 trung bình năm 2021 ở Việt Nam giảm so với năm 2019, nhưng tăng nhẹ so với năm 2020.
Kết quả nồng độ PM2.5 ở Việt Nam được tính từ mô hình ảnh hưởng hỗn hợp trên dữ liệu đa nguồn, bao gồm số liệu trạm quan trắc, dữ liệu AOD vệ tinh, số liệu khí tượng, và các bản đồ sử dụng đất.
Theo đó, toàn quốc có 6/63 tỉnh, thành phố vượt quy chuẩn quốc gia về nồng độ bụi PM2.5 (25 µg/m3), tất cả đều ở miền Bắc. Tuy nhiên, tất cả các tỉnh, thành phố đều có nồng độ bụi PM2.5 cao hơn mức khuyến nghị của WHO 2021 (5 µg/m3).
Nồng độ PM2.5 trung bình thấp nhất là Lâm Đồng (11,4 µg/m3) và cao nhất là Hà Nội (34,9 µg/m3).
Mức độ ô nhiễm bụi PM2.5 cũng thể hiện sự phân hóa theo mức độ đô thị hóa. Các đô thị hạng đặc biệt có số ngày trong năm với chất lượng không khí tốt ít hơn khoảng 20% so với những loại đô thị khác.
Báo cáo cũng phân tích tác động của ô nhiễm không khí tới sức khỏe người dân. Các nhà nghiên cứu tính toán, số ca tử vong quy thuộc do phơi nhiễm với bụi PM2.5 vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO trong năm 2019 là 56.800 ca, chiếm đến 1/10 số ca tử vong do nguyên nhân tự nhiên trong nước. Con số này được tính toán bằng cách lấy tỷ suất tử vong của Việt Nam nhân với hàm sức khỏe GEMM đặc trưng cho ô nhiễm không khí. Đây là một hàm sức khỏe toàn cầu, được xây dựng từ phân tích gộp kết quả của 41 nghiên cứu trên thế giới, trong đó có những nước đang phát triển có nồng độ ô nhiễm không khí cao như Trung Quốc nhưng chưa bao gồm Việt Nam.
Theo Báo cáo, trong trường hợp Việt Nam thực hiện các biện pháp kiểm soát ô nhiễm để đưa mức độ ô nhiễm của năm 2019 về bằng năm 2021 thì số ca tử vong sớm trên toàn quốc có thể giảm 7%. So sánh này chỉ ra mức độ hiệu quả của các biện pháp can thiệp giảm ô nhiễm trong điều kiện phát triển bình thường, khi không bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Từ những phát hiện trên, nhóm nghiên cứu khuyến nghị Việt Nam thúc đẩy các hành động, chính sách quản lý và giảm thiểu ô nhiễm không khí để đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người dân trên toàn quốc.
Đây là năm thứ 3 báo cáo được công bố.
Dưới đây là hiện trạng bụi PM2.5 tại ba miền và một số tỉnh/thành phố, trong đó có 3 tỉnh/ thành phố đã đưa ra yêu cầu phân tích cụ thể với nhóm nghiên cứu là Bắc Ninh, Thái Bình, Nghệ An.