Sau gần 2 năm “xuất ngoại” gây tiếng vang lớn trên nước Đức, gần 300 hiện vật khảo cổ học tiêu biểu từ thời tiền sử đến thế kỷ 17-18 đã được lựa chọn trưng bày chuyên đề “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia từ 12/4 đến hết tháng 7/2018.

Trống đồng Sao Vàng được phát hiện ở tỉnh Thanh Hóa, có đường kính 1,16m, là một trong những chiếc trống đồng lớn nhất được phát hiện ở Đông Nam Á.

Đầu phượng được làm bằng đất nung thời Lý, thế kỷ 11-13. Đây là loại vật liệu trang trí kiến trúc xuất hiện phổ biến, được gắn trang trí trên đầu nóc mái cung điện và chùa tháp
thời Lý - Trần.


Mộ thuyền Việt Khê được phát hiện tại thành phố Hải Phòng. Mộ thuyền Việt Khê có kích thước lớn nhất và đồ tùy táng phong phú nhất trong các mộ thuyền Đông Sơn đã phát hiện với 107 hiện vật, chủ yếu là đồ đồng và số ít là đồ gỗ, đá da sơn. Sự xuất hiện của một số hiện vật có nguồn gốc văn hóa phương Bắc thời Chiến Quốc (TK 5-3 TCN) như kiếm thẳng, dao chuôi khuyên, biên chung và một số hiện vật chế tác tại chỗ như bình chân cao trổ thùng, đỉnh 3 chân... là bằng chứng sinh động về mối giao lưu văn hóa rộng rãi từ rất sớm của văn hóa Đông Sơn với các nền văn hóa trong khu vực.

Bộ đàn đá cách ngày nay khoảng 3.000 năm, được phát hiện tại Lâm Đồng.

Mộ cổ Châu Can phát hiện ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội, là hiện vật tiêu biểu cho cư dân thời kỳ văn hóa Đông Sơn (cách đây 2.300 năm). Quan tài được làm bằng cây gỗ bổ đôi, phần dưới làm thân, phần trên làm nắp.

Khu trưng bày văn hóa Chămpa.

Chạc được phát hiện ở Gò Ô Chùa, Long An. Qua hình dáng, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, các loại chạc gốm ở Gò Ô Chùa có sự tương đồng về chức năng với các loại gốm "chân giò" phát hiện được tại các di tích thuộc thời đại sơ kỳ kim khí ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ.

Linga bằng vàng.

Đèn, loại hình hiện vật rất đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh. Hầu hết các đèn gốm tìm thấy đều được trang trí hoa văn với các họa tiết rất cầu kỳ, là đồ gốm mang tính nghi lễ hoặc vật biểu trưng sự giàu có.

Mũi tên đồng Cổ Loa. Hàng vạn mũi tên đồng cùng hàng trăm khuôn đúc được tìm thấy là bằng chứng giúp làm sáng tỏ huyền thoại lịch sử Mỵ Châu - Trọng Thủy.