Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống mới đây đã cùng ThS. Phạm Hồng Phương (Cán bộ nghiên cứu tại Viện sinh thái, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga) thực hiện bộ ảnh “Chim tại Bãi giữa", nhằm ghi lại hình ảnh của 12 loài chim, trong đó có 3 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam.

Khu vực bãi giữa sông Hồng, Hà Nội, được ghi nhận có tầm quan trọng đối với khoảng 166 loài chim di cư, đặc biệt trong đó có nhiều loài bị đe dọa, liệt kê trong Danh lục Đỏ IUCN và Sách Đỏ Việt Nam. Theo kết quả điều tra viễn thám và GIS về phân bố khu hệ chim tại Hà Nội do PGS.TS. Hà Quý Quỳnh (Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và cộng sự thực hiện, bãi giữa là một địa chỉ hiếm hoi trong nội thành Hà Nội mà chúng ta có thể gặp gỡ nhiều loài chim hoang dã.

Bãi giữa là nơi nào? Vì sao bãi giữa là nơi trú ngụ của nhiều loài chim đến vậy? Theo mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống, “bãi giữa là khu vực gắn với sông Hồng - con sông chuyên chở đến hàng triệu tấn phù sa/năm qua lòng Hà Nội. Chính dòng chảy uốn khúc quanh co tạo ra đổi dòng liên tục đã gây bồi lắng, hình thành nên các bãi bồi lớn nhỏ giữa sông, và bãi lớn nhất được gọi là bãi giữa”. Bãi giữa hiện nay là nơi ở và sản xuất nông nghiệp của dân địa phương sau nhiều thế kỷ không người sinh sống, đồng thời là nơi phát triển của động, thực vật tự nhiên.

Sự đa dạng về sinh cảnh sống đã góp phần thu hút các loài chim trú chân, di cư qua khu vực. Đây là một trong số ít địa điểm có trên 100 loài chim trong nội thành. Đồng thời, sinh cảnh bãi giữa rất phù hợp với các loài chim với đặc tính khác nhau. Ví dụ, họ Chim chích sử dụng cây bụi tự nhiên, họ Vàng Anh thường ở các loại thân cây gỗ, còn họ Chìa Vôi hay có mặt tại sinh cảnh đất nông nghiệp.

Nhận thấy nguy cơ mà các loài chim hoang dã đang gặp phải tại bãi giữa như chuyển đổi đất nông nghiệp, nạn săn bắt chim, sử dụng thuốc trừ sâu, v.v trong quá trình di cư, mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống đã cùng ThS. Phạm Hồng Phương (Cán bộ nghiên cứu tại Viện sinh thái, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga) ghi lại hình ảnh của 12 loài chim, trong đó có 3 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Bộ ảnh muốn giới thiệu một phần vẻ đẹp đa dạng sinh học của bãi giữa, từ đó nâng cao ý thức bảo tồn ở người dân.

g
Đuôi cụt bụng đỏ. Đây là loài di cư, hiếm gặp, nằm trong Sách Đỏ Việt Nam. Sinh cảnh sống là rừng thường xanh, các khu vườn cây, bãi cây bụi dọc theo các sông. Hà Nội thường ghi nhận được loài chim này tại các vườn cây dọc theo sông Hồng trong mùa di cư từ tháng 9 đến tháng 5 năm sau.

g
Diều trắng. Đây là loài định cư, nằm trong Sách Đỏ Việt Nam. Sinh cảnh sống ở vùng trống trải, khu canh tác nông nghiệp, vùng khô hạn bán sa mạc. Tại Hà Nội quan sát được ở tất cả các mùa trong năm tại nhiều điểm đặc biệt ở các khu vực vườn cây, khu canh tác nông nghiệp thuộc khu vực bãi bồi sông Hồng.

f
Diều hoa Jerdon. Loài định cư không phổ biến, có quần thể di cư qua vùng Đông Bắc, nằm trong Sách Đỏ Việt Nam. Tại Hà Nội dễ quan sát được trong mùa di cư tại nhiều điểm đặc biệt ở cá khu vực vườn cây thuộc khu vực bãi bồi sông Hồng.

y
Oanh Nhật Bản. Loài di cư trú đông không phổ biến ở các vùng phân bố. Có thể gặp ở Hà Nội vào mùa chim di cư tại các khu vực vườn trồng dọc theo các bãi bồi của sông Hồng.

y
Oanh cổ xanh. Loài di cư trú đông không phổ biến. Thường gặp ở Hà Nội vào mùa chim di cư. Sinh cảnh sống ở rừng lá rộng thường xanh, cây bụi, công viên, các khu vườn và rừng trồng, khu canh tác nông nghiệp dọc theo bãi bồi ven sông Hồng.

y
Oanh cổ đỏ. Loài di cư, phổ biến. Sinh cảnh sống ở trảng cỏ, cây bụi, vườn, khu canh tác nông nghiệp. Thường di cư qua Hà Nội, gặp ở các sinh cảnh vườn trồng, khu canh tác nông nghiệp, các khu vực cây bụi ven sông Hồng, hồ ao.

y
Hoét Nhật Bản. Loài di cư, gặp ở các vùng địa hình thấp, phổ biến. Sinh cảnh sống có thể quan sát thấy tại Hà Nội ở các rừng thứ sinh, rừng trồng, cây bụi bãi sông, công viên, trong mùa chim di cư.

y
Hoét đen cánh trắng. Là loài chim di cư, không phổ biến. Sinh cảnh sống ở các rừng lá kim, rừng lá rộng thường xanh, công viên, cây bụi. Mùa đông có thể thấy tại Hà Nội khi di trú xuống thấp ở các vùng trồng trọt dọc các bãi sông Hồng.

s
Thiên đường đuôi phướn. Là loài chim di cư, không phổ biến. Sinh cảnh sống ở các rừng lá kim, rừng lá rộng thường xanh, công viên, cây bụi. Mùa đông có thể thấy tại Hà Nội khi di trú xuống thấp ở các vùng trồng trọt dọc các bãi sông Hồng.

u
Mai hoa. Loài định cư, không phổ biến. Tại Hà Nội, sinh cảnh sống phần lớn tìm thấy ở các vùng cây bụi thứ sinh, đồng cỏ, chỗ ẩm thấp và trống trải dọc theo các bãi bồi ven sông Hồng.

Loài di cư, tương đối phổ biến. Sinh cảnh sống ở các bãi ngập triều ở vùng cửa sông ven biển và ruộng lúa, bãi bồi ven sông. Hà Nội có thể quan sát được trong mùa chim di cư ở khu vực bãi bồi ven sông Hồng.
Choi choi vàng. Loài di cư, tương đối phổ biến. Sinh cảnh sống ở các bãi ngập triều ở vùng cửa sông ven biển và ruộng lúa, bãi bồi ven sông. Tại Hà Nội có thể quan sát được trong mùa chim di cư ở khu vực bãi bồi ven sông Hồng.

t
Đớp ruồi vàng. Loài di cư không phổ biến. Sinh cảnh sống ở rừng lá rộng thường xanh, rừng lá kim, công viên, rừng trồng. Ở Hà Nội, có thể gặp vào mùa chim di cư, nhất là tại các khu vực vường trồng và khu canh tác nông nghiệp ven các bãi bồi dọc sông Hồng.

Nguồn: Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống

Được thành lập vào năm 2019, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống gồm các cá nhân, tổ chức đang sống, làm việc tại Hà Nội, quan tâm đến việc cải thiện không gian công cộng, điều kiện môi trường cũng như các hạ tầng cơ sở để tăng cường chất lượng sống của người dân ở Hà Nội. Vì một Hà Nội đáng sống mong muốn hợp tác với cộng đồng người dân, các chuyên gia, các nhà hoạt động xã hội, các nhà quản lý để cùng phát triển Hà Nội thành một thành phố sáng tạo, nhân văn và đáng sống cho tất cả mọi người.