Theo kết quả đánh giá của nhóm dự án SGREEE, chỉ số lưới điện thông minh của Việt Nam hiện đạt 47% so với thông lệ tốt nhất của thế giới.

Lưới điện thông minh là một hệ thống truyền tải điện từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, có khả năng tự theo dõi và phân phối dòng điện một cách độc lập để đạt được hiệu quả năng lượng tối đa.

Năm 2012, Chính phủ đã ban hành Lộ trình Lưới điện thông minh theo 3 giai đoạn:

+ Giai đoạn 1 (từ năm 2012-2016): Tăng cường hiệu quả vận hành hệ thống điện về độ tin cậy, tối ưu hóa vận hành, giảm tổn thất điện năng; Tăng cường hệ thống ghi sự cố, hệ thống phát điện và chống sự cố mất điện diện rộng nhằm đảm bảo truyền tải an toàn; Triển khai một số chương trình thử nghiệm và nghiên cứu, ban hành các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật cho Lưới điện thông minh...

+ Giai đoạn 2 (từ năm 2017-2022): Tiếp tục thực hiện chương trình tăng cường hiệu quả vận hành hệ thống điện, tập trung vào lưới điện phân phối; trang bị kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin – viễn thông cho lưới điện phân phối. Đồng thời, triển khai các ứng dụng của Lưới điện thông minh; xây dựng các quy định kỹ thuật, chương trình truyền thông cho cộng đồng.

+ Giai đoạn 3 (sau năm 2022): Tiếp tục chương trình trang bị kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin – viễn thông cho lưới phân phối, trong đó sẽ triển khai tiếp các công cụ tối ưu vận hành từ lưới điện truyền tải sang lưới điện phân phối; tiếp tục khuyến khích việc phát triển các nhà máy điện phân tán...

Lưới điện thông minh của Việt Nam hiện đang ở mức nào? Trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ Năng lượng do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức ủy quyền cho Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) thực hiện tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu "Lưới điện thông minh cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng" (SGREEE) đã đưa ra bộ chỉ số đánh giá lưới điện thông minh gồm 8 tiêu chí:
    • Giám sát và điều khiển,
    • Phân tích dữ liệu,
    • Độ tin cậy của nguồn cung,
    • Tích hợp nguồn năng lượng phân tán,
    • Năng lượng xanh,
    • Trao quyền và Sự hài lòng của khách hàng,
    • Thị trường năng lượng,
    • An ninh mạng,
Điểm của mỗi chỉ số được tính toán dựa trên so sánh hiện trạng của Việt Nam với thông lệ tiên tiến nhất trên thế giới, nhằm xác định mức độ phát triển của lưới điện Việt Nam với thế giới.
Đánh giá lưới điện thông minh của Việt Nam | Ảnh: GIZ, 2022
Đánh giá lưới điện thông minh của Việt Nam | Ảnh: GIZ, 2022

Theo tính toán của SGREEE công bố vào tháng 3/2022, các chỉ số của lưới điện thông minh Việt Nam đang là: Giám sát và điều khiển (64,3%), Phân tích dữ liệu (48%), Độ tin cậy của nguồn cung (71,4%), Tích hợp nguồn năng lượng phân tán (33,3%), Năng lượng xanh (51%), Trao quyền và Sự hài lòng của khách hàng (60%), Thị trường năng lượng (0%).

Riêng chỉ số về "An ninh mạng" không có thông tin do các đơn vị vận hành lưới điện chưa công khai với người dân cách họ bảo đảm an ninh và bảo vệ mạng lưới của mình trước các đợt tấn công mạng.

Tổng kết, các chuyên gia nhận định lưới điện thông minh của Việt Nam đạt 47%. Để so sánh, lưới điện tốt nhất là của Mỹ và Vương Quốc Anh đều đạt 85%.

Công cụ đánh giá này đã được chuyển giao cho EVN để các đơn vị thành viên thường xuyên đánh giá, cập nhật và đưa ra biện pháp cải thiện mức độ thông minh của lưới.

Dưới đây là chi tiết các đánh giá của SGREEE:

Giám sát và điều khiển | Nguồn: GIZ, 2022


Phân tích dữ liệu | Nguồn: GIZ, 2022


Độ tin cậy của nguồn cung | Nguồn: GIZ, 2022


Tích hợp nguồn năng lượng phân tán | Nguồn: GIZ, 2022


Năng lượng xanh | Nguồn: GIZ, 2022

Trao quyền và sự hài lòng của khách hàng | Nguồn: GIZ, 2022



Thị trường năng lượng | Nguồn: GIZ, 2022


Đánh giá tổng kết lưới điện thông minh | Nguồn: GIZ, 2022
Nguồn: GIZ Việt Nam, 2022