Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng đã triển khai dự án “Ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ việc quản lý quyền SHTT và nâng cao chất lượng sản phẩm chè mang nhãn hiệu chứng nhận Suối Giàng của tỉnh Yên Bái” từ tháng 4/2014 tới nay.

Giữ vững nhãn hiệu

Huyện Văn Chấn, tỉnh Yên bái có diện tích chè lớn chiếm tới 1/3 diện tích chè của toàn tỉnh, với tổng diện tích hiện có trên 4.950 ha chè các loại. Sản lượng chè búp tươi năm 2015 đạt 45.038 tấn, tương ứng đạt thu nhập khoảng trên 150 tỷ đồng cho người dân sản xuất chè. Tại xã Suối Giàng, hiện có khoảng 423 ha, trong đó có 193 ha đất đang có cây chè Shan cổ thụ; diện tích chè Shan cổ thụ tập trung nhiều nhất tại 31 hộ trong xã, trong đó hộ có diện tích chè Shan cổ thụ lớn nhất có trên 3,0 ha, mật độ bình quân của diện tích chè Shan cổ thụ từ 600-800 cây/ha; sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt từ 400 – 500 tấn/năm.

Cây chè Shan Suối Giàng có khả năng sinh trưởng khỏe, cho năng suất cao, khả năng chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh. Các sản phẩm sản xuất từ chè Shan Suối Giàng có chất lượng rất cao, hương thơm, vị đượm, giàu dinh dưỡng. Đặc biệt, người dân vùng chè Shan Suối Giàng chủ yếu chăm sóc chè bằng kinh nghiệm, truyền thống như phát quang bờ bụi, đốn phớt. Tại Suối Giàng 100% hộ sản xuất chè không sử dụng thuốc bảo vệ thực và phân bón hóa học để bón cho cây chè cổ thụ, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển sản phẩm chè hữu cơ đặc sản của vùng chè Shan Suối Giàng.

Năm 2012, chè Shan Suối Giàng đã được cấp nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm chè Suối Giàng theo QĐ số 62.700/QĐ/SHTT ngày 1/11/2012 của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN. Việc chè Shan Suối Giàng được cấp và sử dụng nhãn hiệu đã giúp chè Shan Suối Giàng có vị thế và giá trị cao trên thị trường, nâng cao uy tín với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, do đặc thù ở xã Suối Giàng người dân tộc Mông chiếm tới 98% tổng số dân toàn xã nên cũng gặp một số khó khăn nhất định. Trình độ của bà con dân tộc còn hạn chế nên khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật còn không đồng đều và chưa cao. Những cây chè Shan cổ thụ qua nhiều năm bị khai thác búp triệt để, nhưng không được chăm sóc đầy đủ, kịp thời, đúng kỹ thuật, chưa biết cách phòng trừ sâu bệnh tổng hợp và đặc biệt sự khô hạn trong những năm gần đây đã tạo điều kiện thuận lợi cho Mối phát triển gây chết nhiều cây chè, làm cho nương chè bị mất số lượng lớn.

Việc tuyên truyền quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận chè Suối Giàng còn nhiều yếu, quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận chè Suối Giàng còn nhiều hạn chế, bất cập. Theo báo cáo của tỉnh Yên Bái, hiện nay mới chỉ có 2 đơn vị là Công ty TNHH Đức Thiện và Hợp tác xã chè Suối Giàng đang được khai thác và sử dụng nhãn hiệu chè Suối Giàng. Những hộ cá thể trong xã mặc dù hàng năm họ vẫn tham gia sản xuất ra sản phẩm chè Suối Giàng nhưng vẫn chưa gắn nhãn hiệu gây khó khăn cho việc quản lý sản phẩm và tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh ngay tại địa bàn xã.

Vì vậy, để việc quản lý, khai thác nhãn hiệu chè Suối Giàng, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng, Bộ KH&CN đã đề xuất và được Bộ KH&CN dự án “Ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ việc quản lý quyền sở hữu trí tuệ và nâng cao chất lượng sản phẩm chè mang nhãn hiệu chứng nhận Suối Giàng của tỉnh Yên Bái”. Dự án do PGS.TS Lê Tất Khương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng làm chủ nhiệm.

Phát triển đặc sản địa phương

PGS.TS Lê Tất Khương cho biết, qua khảo sát nắm tình hình việc sử dụng, khai thác chè Suối Giàng, chúng tôi đã triển khai dự án. Dự án ướng tới mục tiêu ứng dụng thành công kết quả nghiên cứu khoa học nhằm quản lý và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè mang nhãn hiệu chứng nhận “Suối Giàng – Yên Bái”. Qua dự án này sẽ nâng cao hiệu quả của sản xuất, góp phần vệ môi trường, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, giải quyết công ăn việc làm cho người dân, nâng cao đời sống cho đồng bào vùng núi cao; xây dựng mô hình thâm canh; phương pháp trồng tập trung; mô hình tạo rừng chè;…

Sau hơn hai năm triển khai, dự án đã thúc đẩy quá trình ứng dụng KH&CN trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân trồng chè Suối Giàng ở Văn Chấn, Yên Bái. Việc triển khai dự án cũng góp phần tạo động lực cho người dân chăm sóc chè tốt hơn góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, hạn chế xói mòn, điều tiết nguồn nước, tạo môi trường cảnh quan xanh sạch đẹp, gắn phát triển chè với du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường.

Kết quả thực hiện dự án là cơ sở để nhân rộng, mở rộng diện tích chè Shan trên địa bàn xã Suối Giàng trong những năm tới và không ngừng nâng cao phẩm chất, sản lượng chè đặc sản của địa phương. Những nương chè Shan sau khi được cải tạo đã tăng năng suất lên 46,2%/năm, tạo ra nguồn nguyên liệu an toàn chất lượng cao cung cấp cho các nhà máy chế biến trong vùng dự án.

PGS.TS Lê Tất Khương cho biết, mô hình trồng thâm canh mật độ cao, sau 3 năm trồng ước tính cho năng suất trên 1,5 tấn/ha. Năm thứ 4 nương chè bắt đầu được thu hoạch rộ, năng suất đạt 2 – 3 tấn/ha. Theo ước tính của nhóm triển khai dự án thì thu nhập từ mô hình 10 ha khi các nương chè được thu hoạch rộ sẽ cho hiệu quả kinh tế 0,4 – 0,5 tỷ/năm.

Kỹ sư, Vàng A Xềnh, xã Suối Giàng tham gia dự án cũng cho biết, bên cạnh đó, mô hình cải tạo rừng chè Shan năng suất thấp bằng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp khoảng 20 ha, cho thu hoạch năng suất đạt 4 tấn/ha/năm. Năng suất chè tăng 40 – 50 % so với trước khi cải tạo, thu nhập từ mô hình cải tạo sau 3 năm đạt 5 tấn/ha, cho doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng/năm. Đây sẽ là nguồn thu nhập chính, ổn định cho người sản xuất chè và nó sẽ tạo nên động lực thúc đẩy người sản xuất mạnh dạn đầu thâm canh những nương chè già cỗi đang cần được cải tạo trên địa bàn xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Ông Sùng A Nủ, xã Suối Giàng tham gia mô hình cũng chia sẻ, sự thành công của dự án đã góp phần phát triển sản xuất chè Shan đặc sản xuất của Suối Giàng nói riêng và vùng sản xuất chè của huyện Văn Chấn nói chung. Cây chè Shan cho thu nhập thường xuyen, nâng cao mức sống người dân trong vùng, tạo ra sản phẩm đặc sản có giá trị kinh tế cao, mang tính hàng hóa, cung cấp cho thị trường tiến tới xuất khẩu.