Những năm gần đây, người dân huyện Nghĩa Hành đã chuyển sang trồng nhiều loại cây ăn quả như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bưởi, bước đầu đã giúp cải thiện thu nhập cho hộ gia đình. Tuy nhiên, do còn hạn chế trong hiểu biết quy trình trồng, chăm sóc nên năng suất và chất lượng chưa cao.
Dự án án “Ứng dụng khoa học công nghệ phát triển cây ăn quả hàng hóa tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi” được tiến hành nhằm giải quyết những vấn đề trên. Dự án được triển khai từ tháng 1/2012 tại 12 xã, thị trấn của huyện Nghĩa Hành với hơn 300 hộ tham gia.
Để người dân tham gia dự án tiếp cận được với các tiến bộ KHKT, theo Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ngãi, trạm Khuyến nông đã phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ tổ chức 01 lớp đào tạo kỹ thuật viên cơ sở để chuyển giao 6 quy trình công nghệ về trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại đối với sầu riêng, chôm chôm và bưởi da xanh, nhằm tạo nguồn cán bộ kỹ thuật tại chỗ am hiểu về ba đối tượng cây trong dự án, qua đó hướng dẫn bà con chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại đúng quy trình. Đồng thời, tổ chức 12 lớp tập huấn với 600 lượt người tham gia về hướng dẫn kỹ thuật trồng thâm canh cây sầu riêng, chôm chôm và cây bưởi da xanh theo hướng hiệu quả và bền vững; hướng dẫn kỹ thuật phòng, trừ một số sâu, bệnh hại trên cây ăn quả; tình hình sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả trong và ngoài huyện; nguồn gốc, đặc điểm chủ yếu của cây ăn quả; nhu cầu dinh dưỡng của cây trong quá trình sinh trưởng và phát triển...
Mô hình thâm canh cây ăn quả được triển khai từ tháng 8/2012, với tổng diện tích xuống giống là 45 ha; trong đó: Cây sầu riêng 15ha; cây bưởi da xanh 15ha và cây chôm chôm 15ha. Các giải pháp khoa học và công nghệ được ứng dụng đồng bộ gồm: Giống cây ăn quả được lấy từ cây đầu dòng đã được bình tuyển ở trong tỉnh của Trung tâm Khuyến Nông Quảng Ngãi. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả theo từng năm và từng giai đoạn phát triển do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ chuyển giao.
Trong quá trình triển khai, cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi, hướng dẫn tận tình cho các hộ tham gia mô hình, cùng với họ lập lịch chăm sóc vườn cây dựa trên cơ sở các giai đoạn sinh trưởng, phát triển và nhật ký xây dựng mô hình để cùng nhau đánh giá và đúc kết kinh nghiệm. Tuy nhiên do tình hình thời tiết bất lợi nên diện tích còn lại là 22,7225 ha (chiếm 50,49% theo kế hoạch) với 196 hộ tham gia; trong đó: cây chôm chôm 6,3225 ha, sầu riêng 6,755 ha và bưởi da xanh 9,645 ha.
Mô hình cây chôm chôm: Diện tích còn lại ở các xã, thị trấn là 6,3225ha, trong đó xã Hành Phước chiếm cao nhất là 2,315ha, thấp nhất là thị trấn Chợ Chùa với 0,25ha. Tổng số hộ có cây đậu quả ở các xã, thị trấn là 38 hộ. Số cây ra hoa và số cây đậu quả tại xã Hành Phước cao nhất lần lượt là 130 và 125 cây, tiếp đến là xã Hành Trung 80 và 77 cây, riêng thị trấn Chợ Chùa do diện tích ít và 1 hộ chăm sóc tốt chỉ có 6 cây cho hoa và đậu quả. Năng suất chôm chôm thu được trong năm 2016 là 2.530,7kg, trong đó xã Hành Trung đạt cao nhất là 1.047,2kg; xã Hành Phước đạt thấp nhất chỉ có 648,8 kg, bởi số hộ có cây ra hoa, đậu quả nhiều nhưng số lượng quả/cây thấp (150 quả/cây) và khối lượng quả chỉ đạt 34,6g nên năng suất thu được thấp.
Mô hình bưởi da xanh, diện tích còn lại 9,645 ha, nhiều hơn diện tích chôm chôm (6,3225 ha) và sầu riêng (6,755 ha), chứng tỏ bưởi da xanh khá phù hợp với điều kiện huyện Nghĩa Hành. Số hộ có cây bưởi da xanh đậu quả ở các xã biến động từ 1 đến 23 hộ, trong đó xã Hành Thịnh cao nhất là 23 hộ, thấp nhất là xã Hành Tín Tây với chỉ 1 hộ. Số cây ra hoa, số cây đậu quả tại xã Hành Thịnh cũng cao nhất lần lượt là 107 và 105 cây, thấp nhất là xã Hành Minh lần lượt là 6 và 6 cây. Tổng số quả thu được ở các xã biến động từ 4 đến 525 quả. Trong đó, xã Hành Thịnh cao nhất đạt 525 quả, xã Hành Tín Tây thấp nhất là 4 quả. Khối lượng quả trung bình biến động từ 1,45 đến 1,9 kg, đạt cao nhất tại xã Hành Thịnh là 1,9 kg, xã Hành Dũng thấp nhất là 1,45 kg. Tổng năng suất bưởi da xanh thu được ở các xã là 1.082,74 kg. Với giá bán bưởi da xanh hiện nay là 35.000đ/kg thì lợi nhuận từ mô hình thu được năm 2016 là 57.729.000 đồng.
Mô hình cây sầu riêng, diện tích còn lại là 6,755 ha, đa số cây hiện nay sinh trưởng tốt. Tuy nhiên đối với cây sầu riêng thì trung bình phải đến năm thứ 6, thứ 7 mới ra hoa đậu quả. Do đó, để bước đầu đánh giá được hiệu quả kinh tế phải chờ đến 2 hoặc 3 năm nữa.
Kết quả bước đầu của dự án đã khẳng định sự đóng góp của khoa học công nghệ trong việc tăng năng suất, chất lượng cây ăn quả, giảm chi phí sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cho những năm về sau, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nông dân trên địa bàn huyện.