Đồng thời cung cấp thực phẩm thịt sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm vệ sinh môi trường và các vấn đề an ninh trật tự trong khu dân cư.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều cơ sở giết mổ tập trung theo kiểu thủ công. Theo TS. Nguyễn Văn Hưng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế, các cơ sở này chỉ mới đáp ứng được một số tiêu chí như hạn chế ô nhiễm môi trường, kiểm soát được vấn đề dịch bệnh gia súc gia cầm, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan từ gia súc gia cầm sang người, nâng cao hiệu lực quản lý của nhà nước trong hoạt động kinh doanh giết mổ gia cầm gia súc... nhưng chưa đảm bảo về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mô hình giết mổ gia súc tập trung theo công nghệ sạch, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái tại phường Thủy Châu. Do đó, được sự quan tâm cấp vốn từ ngân sách sự nghiệp khoa học của tỉnh và đối ứng của chủ lò mổ (cơ sở hạ tầng, nhà xưởng và các trang thiết bị dụng cụ giết mổ, nhân công), nhóm tác giả đã xây dựng mô hình giết mổ gia súc tập trung theo công nghệ sạch, tại phường Thủy Châu (thị xã Hương Thủy).
Với mô hình mới này, quy trình vận hành giết mổ được thực hiện theo 3 bước: Gia súc được nhập vào cơ sở giết mổ nuôi nhốt tại chuồng dự trữ. Trước khi giết mổ, gia súc được dẫn đến chuồng tắm bằng các vòi phun nước tự động, không múc nước trực tiếp vào bể chứa làm giảm nguy cơ nhiễm vi sinh vật và chất bẩn vào thịt do công nhân trực tiếp dùng xô chậu múc trực tiếp ở bể chứa. Sau đó, gia súc được dẫn đến khung gây choáng bằng chích điện, rồi được palanthứ nhất đưa đến chỗ lấy huyết- chảo trụng lông- sàn inox làm sạch lông, dùng nước phun rửa gia súc thật sạch, cắt đầu; gia súc được treo vào một palan thứ hai (móc hai chân của gia súc vào hai móc inox), nâng gia súc lên treo vào hai ống dẫn truyền để mổ tách lòng, chẻ gia súc làm đôi.
Cuối cùng, cán bộ thú y kiểm tra đóng dấu Kiểm soát giết mổ. Thịt gia súc được chuyển đến các bàn pha lóc hoặc vận chuyển đưa đi các chợ tiêu thụ.
TS. Nguyễn Văn Hưng cho biết, gia súc được gây choáng trước khi lấy tiết, làm cho gia súc không bị stress dẫn đến giảm chất lượng thịt, và tiếng ồn giảm rất nhiều. Gia súc được làm sạch lông trên sàn tránh ô nhiễm chất bẩn từ nền vào thân thịt. Thịt gia súc sau giết mổ được treo làm hạn chế ô nhiễm thân thịt.
Hiệu quả kinh tế mà mô hình này đem lại chính là đã giúp hạn chế ô nhiễm thịt, tăng năng suất lao động, hạ chi phí sản xuất trong hoạt động mổ, nâng cao khả năng cạnh tranh đối với thịt từ các lò mổ khác trên địa bàn tỉnh. Mô hình còn góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường và các vấn đề an ninh trật tự trong khu dân cư nên đã có trên 5 cơ sở trên địa bàn tỉnh áp dụng mô hình này.
Sắp tới, mô hình này sẽ được triển khai nhân rộng cho các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, góp phầnthực hiện quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2012-2020.
Đề tài đã đoạt giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ 8 năm 2017.