Tưới nhỏ giọt là kỹ thuật tưới cung cấp nước vào đất dưới dạng các giọt nước nhỏ ra đều đều từ công cụ hay thiết bị tạo giọt . Tưới nhỏ giọt đang được xem là biện pháp tưới tiêu tiết kiệm nước nhất so với phương pháp tưới truyền thống.
Lập Thạch là huyện miền núi của tỉnh Vĩnh Phúc, mặc dù được đánh giá là huyện có nguồn nước phong phú dồi dào, tuy nhiên phân bố không đều trong năm. Về mùa khô vẫn có thời điểm thiếu nước. Bên cạnh đó việc khai thác sử dụng nguồn nước ngầm thông qua các giếng khoan là khá phổ biến. Biện pháp tưới đang được áp dụng cho các loại cây ăn quả là kỹ thuật tưới tràn lan thông thường rất lãng phí nước, tốn nhân công và tốn tiền điện bơm nước. Do vậy việc đầu tư, xây dựng mô hình áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây chanh đào trên vùng đất đối huyện Lập Thạch là yếu tố quan trọng trong việc hiện đại hóa nền nông nghiệp của tỉnh. Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho các loại cây có giá trị kinh tế cao, trong năm 2016, HTX Sản xuất giống cây trồng - vật nuôi Bình Minh đã thực hiện đề tài "Nghiên cứu xây dựng mô hình trồng cây chanh đào áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trên vùng đất đồi huyện Lập Thạch".
Để theo dõi và đánh giá tình hình sinh trưởng và phát triển của cây chanh đào áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. HTX Sản xuất giống cây trồng - vật nuôi Bình Minh đã trồng thực nghiệm đối chứng 02 mô hình:
Mô hình trồng cây chanh đào thử nghiệm trên diện tích 1,0ha có lắp đạt hệ thống tưới nhỏ giọt. Qua theo dõi cho thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt, bình quân 6 tháng cây phát triển đạt 46,15cm chiều cao. Cây có sự phát triển mạnh nhất vào những tháng có lượng mưa lớn ( từ tháng 7 đến tháng 9). Tốc độ tăng trưởng đạt từ 9,7 - đến 11,7cm/tháng và giảm dần vào những tháng có lượng mưa thấp hơn như cuối mùa mưa, đầu mùa khô.
|
Cây chanh đào áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. |
Tuy nhiên, sau thời điểm trồng một tháng, đường kính thân cây gần như chưa có sự thay đổi. Vì đây là giai đoạn đầu cây mới trồng nên chủ yếu phát triển về chiều cao cây và cành tán. Bình quân 6 tháng đường kính thân cây đạt 0,69cm, tốc độ tăng trưởng đạt cao nhất trong thời gian theo dõi là tháng 11. Ở giai đoạn này cây đã đạt được sự phát triển nhất định về chiều cao. Đối với đường kính tán phát triển đều, đạt 81,85cm vào thời điểm tháng 12. Bình quân 6 tháng đạt 43,07cm, tốc độ tăng trưởng đường kính tán đạt cao nhất là 11,35cm.
Với mô hình trồng cây chanh đào thử nghiệm trên diện tích 500m2 không lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt. Nhìn chung cây chanh đào sinh trưởng, phát triển tốt. Bình quân 6 tháng cây phát triển 38cm chiều cao, tốc độ tăng trưởng chiều cao của cây đạt từ 3,62 - 10cm/tháng. Ở các tháng khác nhau, đạt cao nhất là thời điểm tháng 8 đến tháng 9, tốc độ tăng trưởng đạt 10cm/tháng. Trong 6 tháng theo dõi tổng chiều cao cây trung bình đạt được là 38cm thấp hơn so với diện tích có lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt (46,15).
Việc nghiên cứu xây dựng mô hình trồng cây chanh đào áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trên vùng đất đồi huyện Lập Thạch đã chủ động và tiết kiệm được lượng nước tưới từ 20% - 40% so với phương pháp tưới truyền thống. Tăng hiệu quả tưới, tăng năng suất và ổn định chất lượng sản phẩm cây trồng. Đồng thời giảm được chi phí bón phân, thuốc bảo vệ thực vật qua hệ thống tưới và giảm chi phí sản xuất. Phù hợp với hình thức canh tác bằng cơ giới tại những vùng sản xuất với quy mô lớn, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện đề tài còn gặp một số khó khăn như: Phải tận dụng nguồn nước ao, hồ gây ảnh hưởng tới hệ thống tưới, đặc biệt là hệ thống lọc vì có thể làm tắc các đầu tưới nhỏ giọt. Việc lắp đặt hệ thống tưới theo hình thức dải dây trên mặt đất phần nào làm giảm tuổi thọ của hệ thống tưới, dẫn tới gặp nhiều khó khăn trong quá trình canh tác. Đặc biệt, thời gian từ khi trồng đến thời điểm đánh giá mới được 6 tháng, do vậy cây còn non chưa ra hoa, quả nên chưa đánh giá được tình hình ra hoa, đậu quả của cây chanh đào.
Trong điều kiện địa hình dốc, thời tiết khô hạn thì việc sử dụng hệ thống tưới mang lại hiệu quả cao, giúp giảm chi phí trong quá trình chăm sóc cây chanh, việc vận hành dễ dàng. Việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đang là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên hệ thống đất đồi của huyện.