“Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung là một thiết chế KH&CN, là bảo tàng nhưng cũng là một thiết chế nghiên cứu, giúp bảo tồn thế giới thiên nhiên, trưng bày, quảng bá, tuyên truyền về tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, nó cần được ưu tiên đầu tư, phát triển”.

Đó là quan điểm của ông Trần Ngọc Nam - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Thừa Thiên - Huế.

Ông Trần Ngọc Nam cho biết, hiện tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xây dựng đề án “Xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền trung tại Thừa Thiên - Huế”, xây dựng quy hoạch của bảo tàng. Địa phương cũng đã dành phần đất rộng gần 100ha cho việc xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung. Tuy nhiên, cho đến nay dự án chưa huy động được vốn ODA mà đang sử dụng vốn đầu tư phát triển của địa phương.

“Trong khi chưa có vốn, chúng tôi vẫn đang triển khai các hạng mục khác, những việc trong khả năng có thể làm trước. Chúng tôi quan niệm bảo tàng là thiết chế văn hóa nên không thể làm 10 năm rồi xây lại, vì vậy cần có gói hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện sao cho công trình vừa mang tính văn hóa, vừa mang tính chất lịch sử” - ông Trần Ngọc Nam nói.

Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên - Huế tổ chức trưng bày lưu động về đa dạng sinh học và giáo dục môi trường cho học sinh. Ảnh: Thới Trung

Cụ thể, tỉnh Thừa Thiên – Huế đang đầu tư gần 8 tỷ đồng để xây dựng khu trưng bày ngoài trời, rừng nhiệt đới. Đây là nơi trồng các loại cây rừng nhiệt đới được sưu tập từ dãy núi Trường Sơn.

“Trong giai đoạn 2017-2018, chúng tôi phối hợp với Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam để xây dựng vườn ươm côn trùng có diện tích khoảng 1.000m2 trong khu rừng nhiệt đới để trưng bày trước. Chúng tôi sẽ nuôi bướm sống” - ông Trần Ngọc Nam chia sẻ và bày tỏ mong muốn có kênh tiếp cận với nguồn vốn ODA cho dự án này.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở KH&CN cũng cho biết: “Hiện dự án này chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực sự quan tâm nên chưa được xếp vào danh sách ưu tiên của Chính phủ”.


Theo ông Trần Ngọc Nam, Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung không đơn thuần chỉ là một bảo tàng mà còn là một thiết chế KH&CN, giúp nghiên cứu, bảo tồn thế giới thiên nhiên, trưng bày, quảng bá, tuyên truyền về tài nguyên thiên nhiên vùng duyên hải miền Trung. Hiện Chính phủ đã giao cho Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam làm đầu mối theo dõi quy hoạch hệ thống bảo tàng thiên nhiên Việt Nam (theo Quyết định 86/2006 phê duyệt "Quy hoạch tổng thể hệ thống bsảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam đến năm 2020").

“Chúng tôi mong muốn Bộ KH&CN có thể kiến nghị với Chính phủ hoặc thông qua kênh nào đó giới thiệu để địa phương tiếp cận, thu hút nguồn vốn ODA đầu tư, xây dựng và phát triển Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung tại Huế, hoàn thiện thiết chế KH&CN theo quy hoạch đến năm 2020” - ông Trần Ngọc Nam kiến nghị.