Biển Cần Giờ có chiều dài 23 km, thuận lợi cho phát triển nghề muối, với diện tích sản xuất trên 1.600 ha, năng suất bình quân trên 100.000 tấn/năm, năng suất hơn 60 tấn/ha/năm. Đây là địa phương dẫn đầu về diện tích và sản lượng muối của cả nước, chỉ sau tỉnh Ninh Thuận và Bạc Liêu. Tuy nhiên, do sản xuất muối cho thu nhập thấp nên chủ trương của TPHCM là chuyển đổi dần diện tích muối sang nghề nuôi trồng thủy sản.
Để thực hiện chủ trương đó, Sở KH&CN TPHCM phối hợp với Trung tâm Khuyến nông TPHCM triển khai mô hình “Nuôi cua thương phẩm trên khuôn chứa nước làm muối” ở xã Lý Nhơn cho 6 hộ diêm dân với tổng diện tích nuôi là 2,1 ha, mỗi hộ nuôi 3.000 - 3.500 m2. Các hộ được cung cấp nguyên vật liệu gồm con giống sinh sản và thức ăn công nghiệp. Cua giống được nuôi theo hình thức chuyên canh trong khuôn chứa nước làm muối (có mực nước từ 0,8 - 1m), trong thời gian khoảng 90 ngày với mật độ 1 con/m2.
Bà con diêm dân ở Cần Giờ nuôi cua trên vuông nước muối. Ảnh: K. Anh
Trong quá trình nuôi, người nuôi định kỳ thu mẫu để tính sản lượng cua có trong khuôn nhằm điều chỉnh lượng thức ăn cho vừa đủ, định kỳ 15 ngày bắt cua lên kiểm tra tốc độ sinh trưởng và tình trạng sức khỏe của cua để có giải pháp xử lý kịp thời. Tháng đầu tiên cua phát triển tốt. đạt trọng lượng trung bình khoảng 90-100 gr/con, 120 - 140 gr con ở thời điểm 1,5 tháng tuổi. Từ tháng thứ hai trở đi, do mưa nhiều, triều cường dâng các yếu môi trường thay đổi đột ngột, không ổn định làm ảnh một phần đến sức tăng trọng và tỷ lệ sống của cua. Sau 2,5 tháng, tỷ lệ sống chỉ còn 50 - 60%.
“Tuy nhiên, sau ba tháng nuôi, tổng sản lượng cua đạt 3,276 kg, năng suất bình quân 1,5 tấn/ha. Trọng lượng trung bình mỗi con nặng 250 - 270gr. Đây là kết quả đáng mừng trước sự thành công của mô hình để làm tiền đề nhân rộng” - bà Nguyễn Thị Gái Nhỏ (Trung tâm khuyến nông TPHCM) nói.
Thả nuôi cua. Ảnh: K. Anh
Là một trong những hộ nuôi cua trong mô hình, ông Nguyễn Thành Vinh, ấp Lý Thái Bửu, xã Lý Nhơn, cho biết, sau 3 thángnuôi ông thu hoạchcua với sản lượng 430 kg/ 3500m2, trừ đi các khoản chi phí đầu tư, ông có lợi nhuận trên 35 triệu đồng. “Vào mùa mưa, các hộ diêm dân không sản xuất được gì trên khuôn chứa nước muối nên thường bị bỏ trống, gây lãng phí mặt nước trong thời gian dài. Vì vậy, mô hình này đã tận dụng được khuôn nước muối để tăng thêm thu nhập cho gia đình và cần được nhân rộng cho các hộ dân khác trên địa bàn huyện Cần Giờ” - ông Vinh chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Gái Nhỏ, mô hình nuôi cua thương phẩm thí điểm trên khuôn chứa nước làm muối tại xã Lý Nhơn thực hiện thành công là nền tảng để thực hiện việc chuyển đổi đất muối sang đất nuôi trồng thủy sản”.
Do vậy bà Nhỏ kiến nghị Sở KH&CN TP.HCM cần phát triển thêm những đề tài nghiên cứu xây dựng mô hình ương giống cua từ hạt tiêu lên cua giống từ 2 - 3cm tại Cần Giờ để cung cấp kịp thời nguồn con giống cho người dân. Đồng thời, giúp cua thích nghi tốt với môi trường, từng bước nâng cao mật độ nuôi và tỉ lệ sống nhằm tăng cườnghiệu quả kinh tếcủa mô hình.