PGS-TS Trần Đăng Hòa - Khoa Nông học (ĐH Nông - Lâm Huế) - cho biết, ông và các cộng sự đã phục tráng tạo giống quýt Hương Cần thuần chủng thành công. Đây là giống quýt quý của xứ Huế, từng được dùng để tiến vua, nhưng đang có nguy cơ bị thoái hóa.

Thoái hóa vì sâu bệnh

Quýt Hương Cần đã tồn tại trên đất của thôn Giáp Kiền, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà cách đây khoảng 150 năm. Mùi hương và vị ngọt của nó từng đi vào lời thơ của thi sĩ Thương Sơn Tùng Thiện Vương (1819-1870) qua bài "Quất chi từ" (Lời của quýt).

Theo PGS Hòa, quýt Hương Cần khi chín có màu vàng cam ở mặt quả và màu xanh lá cây ở phần cuống. Vỏ xốp mỏng như giấy rất dễ bóc, khi bóc quýt có mùi thơm đặc trưng. Các múi dễ tách, cơm màu hồng nhạt, vị ngọt và thanh.

Hiện nay, ngoài 25ha ở thôn Giáp Kiền, thị xã Hương Trà, quýt Hương Cần còn được trồng ở một số nơi thuộc huyện Phong Điền, mang lại giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, từ trước đến nay, để trồng mới, người dân địa phương sử dụng phương pháp nhân giống chủ yếu là chiết cành. Do không phân biệt được các cành bị nhiễm bệnh nên biện pháp chiết cành đã sử dụng cả những cành của cây bị nhiễm bệnh làm cho nhiều cây quýt bị thoái hóa, làm giảm cả năng suất và chất lượng của quýt Hương Cần.

“Sâu bệnh hại là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến diện tích, chất lượng, sản lượng và gây thoái hóa quýt Hương Cần. Hơn nữa, cây giống hoàn toàn do nông hộ tự để giống theo kinh nghiệm nên tình trạng thoái hóa càng phổ biến hơn” - PGS Hòa cho hay.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng - xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà - hiện đang trồng 1.000m2 quýt Hương Cần, năng suất trung bình đạt 70kg/cây, cao nhất có thể đạt 100kg/cây. Ông Hùng cho biết, cũng như nhiều hộ trồng quýt khác tại địa phương, do chưa có quy trình chăm sóc kỹ thuật tối ưu nên bệnh vàng lá xuất hiện nhiều, tỷ lệ quả trên mỗi gốc chưa cao.

Những trái quýt Hương Cần căng mọng. Ảnh: Hà Nhi
Những trái quýt Hương Cần căng mọng. Ảnh: Hà Nhi

Là cây ăn quả nằm trong danh mục nguồn gene cây trồng quý cần bảo tồn của Việt Nam, quýt Hương Cần đã được nhóm nghiên cứu do PGS Hòa đứng đầu thực hiện đề tài bảo tồn nguồn gene. Mục đích chung của đề tài nghiên cứu là thu thập, lưu giữ, đánh giá ban đầu, đánh giá chi tiết, tư liệu hóa, chia sẻ và phát triển nguồn gene quýt Hương Cần. Đề tài được tiến hành từ năm 2016 đến năm 2020.

Trong hai năm 2016, 2017, nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc phục tráng tạo giống quýt Hương Cần thuần chủng và lưu trữ mẫu giống. “Chúng tôi đã tiến hành điều tra nguồn gốc, điều kiện sinh thái của cây quýt Hương Cần, tuyển chọn những cây quýt đầu dòng. Bên cạnh đó, chúng tôi còn xây dựng cơ sở dữ liệu hình ảnh về quýt Hương Cần” - PGS Hòa cho biết.

Sau khi chọn được cây đầu dòng, PGS Hòa đã sử dụng phương pháp vi ghép để tạo cây sạch bệnh rồi bảo tồn và phát triển cây đầu dòng sạch bệnh làm vật liệu nhân giống. Trong tương lai, nếu người dân muốn nhân giống thì vẫn sử dụng phương pháp chiết cành nhưng chiết từ cây đầu dòng sạch bệnh.

PGS Hòa còn gợi ý rằng, bên cạnh việc nhân giống từ cây đầy dòng sạch bệnh, cần có biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp từ khi chuẩn bị trồng cho đến khi thu hoạch. Đặc biệt chú trọng đến việc bón phân cân đối hợp lý theo nhu cầu của cây, chủ động phòng trừ sâu bệnh nhất là rầy chổng cánh - môi giới truyền bệnh vàng lá gân xanh, một nguyên nhân quan trọng làm thoái hóa giống quýt Hương Cần.


Quýt tiến vua sẽ sớm có thương hiệu

PGS Hòa nhận định, quýt Hương Cần chưa được phát triển tương xứng với tiềm năng ở Thừa Thiên Huế. Nguyên nhân chủ yếu do còn hạn chế trong ứng dụng tiến bộ khoa học trong tuyển chọn và nhân giống cũng như trong đầu tư thâm canh cho cây quýt.

Về phía những người trồng quýt như ông Văn Hùng, họ bày tỏ mong muốn các cơ quan, ban ngành quan tâm đến việc quy hoạch vùng trồng quýt và hướng dẫn kỹ thuật trồng để ngăn sâu bệnh; đặc biệt là sớm xây dựng thương hiệu để mở rộng thị trường.

Trước đề xuất này, ông Nguyễn Hùng - Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên - Huế - cho hay: “Sau khi đề tài về bảo tồn nguồn gene của các nhà khoa học tại Đại học Nông - Lâm Huế được hoàn thành, nguồn giống được đảm bảo thì dự kiến tới năm 2020, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên - Huế sẽ phối hợp với các bên cùng bà con địa phương xây dựng thương hiệu cho giống quýt đặc sản này”.

Còn theo PGS Hòa - người đã có thời gian gắn bó với cây quýt Hương Cần, thì để xây dựng thành công thương hiệu cho loài quýt tiến vua, nên quy hoạch mở rộng đất trồng quýt để có một số lượng hàng hóa đủ lớn; có chính sách hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật cho người dân; xây dựng vườn bảo tồn cây đầu dòng tại đồng ruộng, vùng sản xuất giống thuần chủng, sạch bệnh; thành lập hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ quýt; xây dựng thương hiệu quýt Hương Cần gắn việc phát triển sản xuất quýt với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Được biết, kế hoạch ba năm tiếp theo trong đề tài của PGS Hòa sẽ tập trung vào việc lưu giữ mẫu giống quýt Hương Cần tại nơi sản xuất và vườn lưới; nghiên cứu các biện pháp quản lý dịch hại cho cây quýt; xây dựng khu vực chuyên sản xuất giống quýt sạch bệnh và khu vực phục vụ bảo tồn và cuối cùng là hoàn thiện tư liệu hóa nguồn gene quýt Hương Cần.

Bài thơ về quýt Hương Cần của Tùng Thiện Vương

Quất chi từ

Ngũ nguyệt thanh thanh thập nguyệt hoàng/ Kỷ trùng phong vũ kỷ trùng sương/ Cam tâm phẫu tự tình nhân thủ/Yêu thức nông gia triệt cốt hương.

Lời của quýt

Tháng năm xanh, tháng mười vàng/ Gió sương mấy độ, giá sương mấy lần/ Dằn lòng phó mặc tay chàng/ Bóc ra ruột thắm lại càng ngát hương.

(Ngô Văn Phú dịch)