Sở KH&CN Vĩnh Phúc phối hợp với UBND huyện Vĩnh Tường, Trung tâm Y học thể thao thuộc Viện Khoa học Thể dục, Thể thao, các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức Hội thảo khoa học: "Phát triển thương hiệu Làng nghề chăn nuôi, chế biến rắn Vĩnh Sơn, tỉnh Vĩnh Phúc".
Tham dự hội thảo, về phía Trung ương có: TS Nguyễn Quốc Ngữ - Hàm vụ trưởng Vụ Nông nghiệp nông thôn - Ban Kinh tế Trung ương; TS Nguyễn Văn Tốn - Phó vụ trưởng Vụ Nông nghiệp nông thôn - Ban Kinh tế Trung ương; PGS.TS Mai Văn Hưng - Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Khoa học Thể dục thể thao, Bệnh viện Thể thao Việt Nam, Trung tâm y học thể thao, Công ty Cổ phần Công nghệ Y sinh học DNA Việt Nam, Công ty Cổ phần Công nghệ Dược phẩm Zorro, Công ty TNHH Nam Dược...
Về phía tỉnh có: đồng chí Vũ Việt Văn - TUV, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh Vĩnh Phúc; Nguyễn Văn Chúc - TUV, Giám đốc Sở KH&CN, Phó chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh; Các đồng chí thành viên Hội đồng KH&CN tỉnh; Đại diện lãnh đạo một số Sở, ban, ngành, huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn Tỉnh. Đại diện lãnh đạo UBND xã Vĩnh Sơn, một số doanh nghiệp, HTX và Hội làng nghề rắn Vĩnh Sơn.
Xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường được biết đến là một làng nghề chăn nuôi, chế biến rắn rất nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và miền Bắc nói chung. Từ đây, đã có nhiều tổ chức, hộ gia đình trong huyện, tỉnh và các tỉnh bạn đến học tập đã rất phát triển và có đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và ổn định việc làm cho người dân; một số sản phẩm được chế biến từ con rắn đã dần được hình thành và có thị trường tiêu thụ trong nước.
Tuy nhiên, các sản phẩm được chế biến từ con rắn, đặc biệt là từ rắn Hổ mang chưa khai thác hết được tiềm năng, lợi thế kinh tế và giá trị trong y học; sản phẩm chế biến ra mới chỉ được tiêu thụ ở một số tỉnh trong nước mà chưa có thị trường xuất khẩu, dẫn đến chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất về cho người chăn nuôi, chế biến, phát triển thương mại sản phẩm của làng nghề.
Nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước có hiệu lực thi hành nhưng trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, bất cập cần tháo gỡ. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong y dược có thể áp dụng để tạo ra sản phẩm mới từ con rắn, làm gia tăng giá trị sản phẩm trong chăn nuôi, chế biến rắn nhưng chưa được khai thác triệt để.
Nhiều nhà khoa học có tâm huyết đối với sản phẩm của làng nghề nhưng vì các lý do khác nhau (có cả chủ quan và khách quan) đã chưa khích lệ hết được sự nhiệt tình, tâm huyết của họ trong nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, chế biến sản phẩm từ con rắn.
Song bất luận vì lý do gì, để thương hiệu Làng nghề chăn nuôi, chế biến rắn Vĩnh Sơn, tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng được phát triển và đóng góp nhiều hơn cho KT-XH của địa phương, thì hoạt động chăn nuôi, chế biến rắn của làng nghề Vĩnh Sơn, tỉnh Vĩnh Phúc cũng rất cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, sự nhiệt huyết của các nhà khoa học, sự ra tay giúp sức của các nhà doanh nghiệp và sự cần mẫn, tự giác, dám nghĩ, dám làm của người dân.
Tham luận tại hội thảo, các đại biểu đã tham gia ý kiến về các nội dung như: Các giá trị y dược từ một số loài rắn nói chung và của con rắn hổ mang Việt Nam nói riêng và các giải pháp ứng dụng công nghệ trong chế biến các sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng từ con rắn hổ mang nuôi thương phẩm tại làng nghề chăn nuôi, chế biến rắn Vĩnh Sơn, tỉnh Vĩnh Phúc; Ứng dụng tiến bộ KH&CN để phát triển các sản phẩm của làng nghề chăn nuôi, chế biến rắn Vĩnh Sơn, tỉnh Vĩnh Phúc; Thực trạng và giải pháp phát triển Làng nghề rắn Vĩnh Sơn và việc phát huy hiệu quả các sản phẩm từ con rắn Vĩnh Sơn; Định hướng, chiến lược phát triển kinh tế từ nghề chăn nuôi rắn nói chung, đặc biệt là con rắn hổ mang tại xã Vĩnh Sơn, tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng; Thực trạng và giải pháp về cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân và bảo vệ môi trường làng nghề nói chung và nghề chăn nuôi, chế biến rắn Vĩnh Sơn, tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng; Xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm tại Làng nghề chăn nuôi, chế biến rắn Vĩnh Sơn, tỉnh Vĩnh Phúc và định hướng phát triển thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh và trở thành “Thương hiệu Quốc gia”...
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, đồng chí Vũ Việt Văn - Phó chủ tịch UBND tỉnh - đã đánh giá cao những nỗ lực của Vĩnh Sơn nói riêng và của các cấp, các ngành nói chung trong việc phát triển thương hiệu làng nghề rắn Vĩnh Sơn. Đồng thời yêu cầu, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần nghiên cứu các cơ chế chính sách để phát triển thương hiệu làng nghề rắn Vĩnh Sơn, góp phần mở rộng, phát triển bền vững làng nghề, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh. Đặc biệt là nâng cao giá trị, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm, góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học...
Các tham luận với nội dung khoa học phong phú, phản ánh khá toàn diện, sâu sắc đã khẳng định được giá trị y dược của một số loài rắn; đánh giá cơ bản về thực trạng hình thành và phát triển làng nghề, tình hình nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và phát triển sản phẩm. Hội thảo cũng đã đề xuất xây dựng mô hình làng nghề liên kết theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi, chế biến rắn gắn với du lịch, dịch vụ và phát triển thương mại. Thông qua các đề xuất, ý kiến trao đổi, Hội thảo đã gợi mở định hướng để các sản phẩm được chế biến từ con rắn trở thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh và sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, có mặt tại thị trường nội địa và xuất khẩu.