Sau 8 tháng trồng thử nghiệm, kết quả cho thấy cây lạc dại giúp giữ ẩm và tăng lượng chất hữu cơ trong đất.

Những năm gần đây, tại Trà Ôn, Vĩnh Long, việc trồng cây cam sành phát triển mạnh,do lợi nhuận từ cây cam sành mang lại cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Nhiều hộ dân đã lập vườn mới, cải tạo diện tích vườn tạp, vườn kém hiệu quả, đưa diện tích ruộng, màu lên vườn để trồng cam sành. Tuy nhiên, nhiều nơi trồng với mật độ dày, lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, làm cây suy kiệt, gây tồn dư độc chất trong đất, ảnh hưởng đến môi trường và giảm chất dinh dưỡng trong đất.

Trong khi đó việc trồng cỏ dại đã trở thành một giải pháp quan trọng trong canh tác cây trồng bền vững, hiệu quả do mang lại nhiều lợi ích như chống xói mòn đất, cung cấp nguồn hữu cơ tăng độ phì nhiêu cho đất, thu hút các loại thiên địch, làm thức ăn cho gia súc,… Nhiều loại cỏ dại như các loại cây họ đậu, ngoài việc được xem là cây phân xanh do sinh trưởng nhanh, giúp đạt được một lượng sinh khối lớn trong một thời gian ngắn và có khả năng cố định nitơ từ không khí vào đất bằng các vi khuẩn cố định nitơ trong rễ. Cây lạc dại (Arachis pintoi) hay còn được gọi là cây cỏ đậu, đậu phộng dại, cỏ hoàng lạc… là một loại như vậy, chúng phát triển khá nhanh, giữ ẩm và làm giàu chất mùn, che phủ mặt đất.

C
Cây lạc dại. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn còn xem cỏ dại là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm, có khả năng cạnh tranh dinh dưỡng và không gian sống với cây trồng chính, nên thường xử lý trong quá trình canh tác. Trước thực tế đó, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Vĩnh Long đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu khả năng giữ ẩm và cải tạo đất của cây lạc dại (Arachis pintoi) đối với vườn cam sành trong mùa khô tại huyện Trà Ôn”.

t
Trồng cây lạc dại trong vườn cam sành. Ảnh: NNC

Sau 8 tháng trồng lạc dại trong vườn cam sành tại huyện Trà Ôn, kết quả cho thấy, các đặc tính hóa học của đất được cải thiện hơn so với thời điểm trước khi trồng. Cụ thể, độ pH có khuynh hướng tăng và nằm trong khoảng tối ưu cho cây cam sành. Độ dẫn điện của đất (chỉ số EC) tăng, thể hiện dung dịch đất chứa nhiều ion khoáng hòa tan, tăng lượng dinh dưỡng tích lũy trong đất. Lượng chất hữu cơ trong đất có cải thiện (tăng 0,523%, trong khi đối chứng là đất không trồng tăng 0,026%). Điều này cho thấy việc trồng cỏ lạc dại có khuynh hướng làm tích lũy chất hữu cơ tốt hơn không trồng. Hai thành phần của nitơ hữu dụng của đất là đạm amoni và đạm nitrat đều ghi nhận khác biệt có ý nghĩa so với đất trước khi trồng cỏ. Đạm amoni có hàm lượng tăng, đạm nitrat giảm, sự cộng sinh của vi khuẩn nốt sần trong rễ đã cố định đạm hiệu quả.

Ngoài ra, trồng lạc dại giữ ẩm tốt trong giai đoạn nắng nóng cục bộ (không cần tưới nước) và thoát nước tốt hơn trong giai đoạn mưa kéo dài. Trong khi, vườn đối chứng bề mặt đất khô, nứt, phải tưới nước thường xuyên khi nắng nóng, mùa mưa thoát nước chậm hơn… Bên cạnh đó, chỉ số EC tăng cho thấy đất có trồng lạc dại đang được giữ nước tốt hơn, làm tăng lượng dinh dưỡng tích lũy trong đất.

Từ những kết quả trồng thử nghiệm, nhóm khuyến cáo người dân trồng và quản lý lạc dại trong vườn cam sành từ 1 năm trở lên, để tạo điều kiện thời gian cho lạc dại phát triển tối ưu sinh khối, tạo thảm mục hữu cơ. Ngoài ra, nên trồng lạc dại trong vườn cam sành trong giai đoạn cây còn nhỏ, chưa ra trái, nhằm tận dụng khả năng cố định đạm sinh học, để giảm sử dụng lượng phân bón hóa học.