Mô hình nuôi được thử nghiệm tại Hòn Chuối, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau, cho thấy đạt hiệu quả kinh tế, đồng thời có khả năng giảm thiệt hai do thiên tai gây ra so với nuôi truyền thống.

Cá bớp là loài cá có giá trị dinh dưỡng, thịt cá trắng, ngon, ngọt, dai và béo, có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Cá sinh trưởng nhanh, có thể đạt cỡ 5 – 10 kg sau một năm. Vì vậy, hiện nay hiều nơi trong nước nuôi cá bớp bởi giá trị kinh tế cao.

Hòn Chuối (Cà Mau) hiện có khoảng hơn 30 hộ tham gia nghề nuôi cá bớp trong lồng bè làm bằng gỗ, phao nổi làm bằng phi nhựa, không chịu được sóng to gió lớn, và mỗi năm phải di chuyển lồng nuôi đi 2-3 lần để tránh sóng to gió lớn do ảnh hưởng của thời tiết. Để nghề nuôi cá biển phát triển bền vững hơn, Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá giò (cá bớp) thương phẩm trong lồng trên biển theo công nghệ Na Uy tại Hòn Chuối, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau”, với 2 hộ nuôi thử nghiệm.

Vật liệu lồng nuôi được làm bằng nhựa HDPE, bền, mềm dẻo, không bị oxi hóa và có khả năng chống sinh vật bám, chống chịu với sóng to, gió lớn. Toàn bộ túi lưới được thiết kế, tính toán phù hợp với điều kiện vùng nuôi (lưu tốc dòng chảy, độ sâu…), phù hợp với đối tượng nuôi.

c
Cá bớp được nuôi trong lồng nhựa HDPE tại Hòn Chuối. Ảnh: NNC

Lồng nuôi được lắp đặt ở độ sâu khi mức thuỷ triều thấp nhất tối thiểu 10-15 m, lưu tốc dòng chảy <1,0 m/giây, phù hợp cho cá biển và bảo đảm an toàn cho lồng nuôi. Lưu tốc dòng chảy ở biển dao động 0,4-0,5 m/giây. Đồng thời, độ mặn ít biến động, dao động từ 25 đến 30‰, nhiệt độ nước tầng mặt thường dao động từ 25 – 30oC, độ pH nước biển trong khoảng từ 7,5 - 8,5. Mật độ thả 4 con/m3, cho ăn thức ăn công nghiệp và cá tạp tươi. Định kỳ bổ sung khoáng và vitamin vào thức ăn để tăng cường sức khỏe cho cá và thuốc trị ký sinh trùng để hạn chế ký sinh trùng bám vào mắt và mang cá... Hằng ngày quan sát các hoạt động của cá, tình hình sử dụng thức ăn, dịch bệnh và các hiện tượng bất thường khác xảy ra để có cách xử lý kịp thời. Ngoài ra, trong quá trình nuôi thường xuyên lặn theo dõi lồng nuôi, đáy lồng, đề phòng lồng bị hư hỏng, rách, theo dõi phát hiện bệnh kịp thời để xử lý có hiệu quả.

Kết quả nuôi cá bớp bằng lồng nhựa HDPE tại Hòn Chuối cho thấy hiệu quả kinh tế cao, cá nuôi đợt 1 bằng thức ăn công nghiệp với tỷ lệ sống đạt trung bình 83,2%. Sau hơn 10 tháng nuôi, cá thu hoạch trung bình 5,2 – 5,7 kg/con và tổng sản lượng thu hoạch đạt 10,3 – 11,5 tấn/lồng. Cá nuôi đợt 2 bằng thức ăn cá tạp với tỷ lệ sống trung bình đạt 90,33%, trung bình 5,6 – 7,1kg/con, tổng sản lượng thu hoạch đạt 12 – 15 tấn/lồng.

c
Cá sau khi thu hoạch. Ảnh: NNC

Tỷ lệ sống và trọng lượng của cá nuôi lồng HDPE tương đương với nuôi truyền thống. Tuy nhiên, do lồng nuôi cá bằng nhựa HDPE được thiết kế gọn nhẹ, thao tác nhanh, lắp ráp đơn giản, có thể lắp ráp trong 1-2 ngày xong một cái, di chuyển lồng trên biển nhanh hơn lồng truyền thống. Lồng nuôi không bị ăn mòn bởi các tác nhân môi trường, có khả năng chống tia UV, không bị lão hóa, có thể chịu được tải trọng cao mà không bị biến dạng, tuổi thọ lồng nhựa HDPE cao khi sử dụng có thể đạt trên 30 năm. Vì vậy, nuôi cá bớp trong lồng HDPE có thể giảm thiệt hại do thiên tai gây ra so với mô hình nuôi truyền thống và đạt lợi nhuận cao hơn trong các vụ nuôi tiếp theo.

Kết quả từ dự án cho thấy, việc ứng dụng kỹ thuật nuôi cá bớp trong lồng nhựa HDPE phù hợp với các hộ nuôi tại Hòn Chuối nói riêng và trên địa bàn tỉnh Cà Mau nói chung, có thể nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh.

Dự án đã được Sở KH&CN tỉnh Cà Mau nghiệm thu, kết quả đạt.