Giống hồng bản địa của đồng bào Thái ở Điện Biên này có quả to, không hạt, thơm ngon không kém các loại hồng nổi tiếng bậc nhất Việt Nam như hồng Hạc Trì, Quản Bạ, thậm chí vị ngọt còn đậm đà hơn, năng suất lại cao.

Tuy nhiên, người dân địa phương hầu như không có cách nào nhân giống nên số cây hồng ngày một ít. Với sự hỗ trợ của các nhà khoa học, hàng nghìn cây hồng đặc sản đang được trồng mới.

Giá trị kinh tế cao gấp 3-4 nhãn, vải

“Nhà tôi chỉ có mỗi một cây hồng 17 tuổi. Năm nào cũng vậy, đến mùa là quả sai trĩu trịt, nhiều cành bị gãy vì nặng quá. Cây cho thu hoạch năm nhiều thì 2-3 tạ quả, năm ít cũng hơn 1 tạ” - ông Nguyễn Duy Tiến - xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên - hào hứng kể về cây hồng quý trong vườn nhà mình và cho biết thêm, đây là giống hồng không hạt, ruột đỏ, quả to, mỗi kilôgram chỉ có 4-5 quả.

Giống hồng quý này có nguồn gốc tại bản Hoong Lếch Cang, xã Thanh Chăn. “Đây là giống hồng bản địa có giá trị kinh tế cao. Quả ngon, lại chín vào dịp Tết Nguyên đán nên rất được giá” - ông Hà Quang Thưởng - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển rau quả, Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp miền núi phía bắc (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chủ nhiệm đề tài “Điều tra tình hình sản xuất, đánh giá đặc điểm nông sinh học nguồn gene hồng Điện Biên” - cho biết.

Cây hồng Điện Biên cho quả sai trĩu. Ảnh: Quang Trưởng
Cây hồng Điện Biên cho quả sai trĩu. Ảnh: Quang Trưởng

Kết quả phân tích của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển rau quả cho thấy, trung bình quả hồng Điện Biên dài 8,7cm, đường kính 5,7cm, nặng 134,6gr - cao gần gấp đôi hồng Hạc Trì (Phú Thọ) và gấp 5 lần hồng Quản Bạ (Hà Giang). Năng suất trung bình với cây trên 10 tuổi là 49,6kg/cây mỗi vụ. Quả trước khi thu hoạch có màu vàng sáng, khi chín trên cây có màu vàng cam; thịt quả màu đỏ, vị ngọt, không hạt, có 8 hạt giả. So với hồng Hạc Trì và hồng Quản Bạ, hồng Điện Biên có hàm lượng đường cao hơn.

Chính vì những đặc điểm quý đó nên giá bán của hồng Điện Biên khá cao, nhiều khi lên đến 25.000 đồng/kg. “Nếu tính giá bình quân là 15.000-18.000 đồng/kg và năng suất trung bình 2-3 tạ/năm, một cây hồng mỗi năm thu về hơn 3 triệu đồng. So với trồng nhãn, trồng vải - hai năm mới được một vụ, khi được mùa khi mất mùa - thì giá trị kinh tế của cây hồng cao gấp 3-4 lần” - ông Tiến nói.

Giải bài toán về nhân giống

Ông Tiến cho biết: “Gần như cả xã Thanh Chăn không ai ngoài nhà tôi có cây hồng Điện Biên đang cho quả bởi cây này rất khó trồng, tỷ lệ sống rất kém. Tôi đã nhiều lần thử nhân giống từ cây hồng duy nhất của mình, nhưng không thành công”.

Giải thích điều này, ông Hà Quang Thưởng cho biết, người dân địa phương chưa có biện pháp nhân giống hợp lý, chỉ dùng cách chặn rễ và giâm rễ nên hiệu quả rất thấp. Đây là hạn chế lớn nhất đối với việc mở rộng diện tích, đang được khắc phục bởi đề tài “Điều tra tình hình sản xuất, đánh giá đặc điểm nông sinh học nguồn gene hồng Điện Biên”. Bằng phương pháp nuôi cấy mô, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển rau quả đã nhân giống thành công hồng Điện Biên, cung cấp cho bà con và hướng dẫn cách trồng.

Tuy nhiên, một khó khăn khác xuất hiện. Do khí hậu Điện Biên có 2 mùa rõ rệt với mùa khô kéo dài và mùa mưa có lượng mưa lớn, tập trung, cây hồng non mới trồng thường bị rụng lá từ khoảng tháng 10-11, đến mùa đông chỉ trơ lại mỗi thân cây. Nếu biết cách chăm sóc, những thân cây non đó sẽ bật lộc và phát triển vào năm sau, qua 1-2 năm sẽ cứng cáp.

Tuy nhiên, thực tế triển khai trồng mới ở một số hộ cho thấy, khi cây rụng hết lá, người dân không chăm sóc, để cỏ phát triển mạnh khiến cây rất dễ chết. “Nhiều khi cán bộ của trung tâm lên trồng cây mới cùng người dân, nhưng đến vụ sau lại phải cùng họ phát quang trồng lại” - ông Thưởng kể và cho biết thêm, đến nay Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển rau quả đã tiến hành 2-3 lượt trồng mới, mỗi đợt khoảng 2.000 cây. Tính ra, có khoảng 5.000-6.000 cây giống đã được trồng nhưng do người dân làm chưa đúng nên phải trồng lại rất nhiều.

Mặc dù vậy, ông Thưởng tin tưởng rằng với sự hướng dẫn, hỗ trợ của các chuyên gia kỹ thuật, hạn chế này sẽ sớm được khắc phục và giống hồng Điện Biên rất có tiềm năng trở thành cây thoát nghèo cho người dân nơi đây.

“Hiện gia đình tôi trồng mới được vài trăm gốc hồng. Sau 2 năm, cây phát triển chậm hơn so với các loại cây khác, chỉ cao đến bụng người, nhưng tôi hy vọng sang đến năm thứ ba, thứ tư, cây sẽ cho quả và đem lại nguồn thu” - bà Nguyễn Thị Nghiên - xã Sam Mứn, huyện Điện Biên - hào hứng nói.