Năm 2014, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi thuộc Sở NN - PTNT Yên Bái đã đề xuất với Hội đồng Khoa học tỉnh và được UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt cho thực hiện Đề tài “Chọn lọc, bảo tồn, phát triển giống lúa nếp Tú Lệ tại xã Tú Lệ huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái”.
Mục tiêu của Đề tài là xây dựng thang tiêu chuẩn để chọn lọc giống lúa nếp Tú Lệ; phục tráng giống lúa nếp Tú Lệ thông qua chọn lọc được các cá thể ưu tú Go và dòng tốt thế hệ G1, G2; từ hỗn dòng tạo siêu nguyên chủng làm căn cứ cho công tác bảo tồn và phát triển giống lúa nếp Tú Lệ trong những năm tiếp theo và chọn giống Nếp Tú Lệ siêu nguyên chủng có đầy đủ nguồn gốc của lô giống, cấp giống do hệ thống kiểm định đồng ruộng, kiểm nghiệm của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng quốc gia công nhận và cấp giấy chứng nhận chất lượng lô giống đạt quy chuẩn kỹ thuật được phép sản xuất và kinh doanh trong tỉnh Yên Bái...
Đề tài được thực hiện trong 3 năm (từ tháng 4/2014 - 11/2016), tổng diện tích 12.000 m2/3 vụ (bao gồm cả diện tích bảo vệ, cách ly ), tại hộ gia đình bà Hoàng Thị Tiên, bản Pom Ban, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, với diện tích 4.000 m2/vụ.
Tháng 3/2014, Chủ nhiệm Đề tài cùng cán bộ kỹ thuật đã tiến hành điều tra, thu thập thông tin về nguồn gốc giống lúa nếp Tú Lệ như: hình thái, thời gian sinh trưởng, tình hình sản xuất lúa gạo ở một số hộ thuộc các bản: Côm, Pom Ban và bản Phạ dưới cũng như của lãnh đạo xã Tú Lệ.
Căn cứ vào kết quả điều tra, cán bộ nông nghiệp đã thu mua các mẫu giống của 29 hộ khác nhau với số lượng 20 kg, thuê nhân công, chọn điểm sản xuất, hướng dẫn, lập kế hoạch và tổ chức cử cán bộ kỹ thuật thực hiện công tác chọn lọc cá thể và chọn lọc dòng; áp dụng quy trình chọn lọc Siêu nguyên chủng 10TCN- 395-2006 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và thang tiêu chuẩn đã xây dựng... ; đồng thời mở số sách theo dõi các đặc điểm hình thái, các chỉ tiêu kỹ thuật trong quá trình chọn lọc.
Vụ mùa năm 2014, tổ thực hiện Đề tài đã tiến hành công tác chọn G0. Công tác chọn lọc cá thể vụ thứ nhất: giống, các mẫu giống đã thu mua được hỗn lại, sau đó phơi qua nắng nhẹ để kích thích nẩy mầm. Sau đó tổ thực hiện sản xuất 4000 m2, tại hộ gia đình bà Hoàng Thị Tiên, bản Pom Ban, xã Tú Lệ đảm bảo cách ly, tưới tiêu thuận lợi. Kết thúc vụ mùa năm 2014, qua 4 bước chọn lọc G0, tổ thực hiện Đề tài đã chọn được 30 cá thể đạt yêu cầu ngoài đồng, các cá thể này có các đặc điểm hình thái giống với bản mô tả của thang tiêu chuẩn. Tổ thực hiện Đề tài thu 30 cá thể đó đưa về đo đếm trong phòng và chọn được 16 cá thể ưu tú nhất để đưa vào vụ sau tiếp tục chọn lọc G1.
Vụ mùa năm 2015, tổ thực hiện Đề tài, tiếp tục triển khai gieo cấy 4.000 m2, tại bản Pom Ban, xã Tú Lệ, trong đó diện tích gieo cấy các dòng G1 là 399 m2, diện tích còn lại dùng cách ly. Từ 16 dòng gieo cấy ở vụ thứ 2 qua công tác kiểm định đồng ruộng và đánh giá trong phòng tổ thực hiện Đề tài đã chọn được 6 dòng ưu tú để làm vật liệu chọn lọc G2 vụ mùa 2016.
Vụ mùa năm 2016, tổ thực hiện Đề tài, tiếp tục triển khai gieo cấy 4.000 m2, tại bản Pom Ban, trong đó diện tích ruộng chọn dòng là: 1.100 m2; diện tích còn lại dùng để gieo cấy cách ly. Kết quả chọn lọc vụ thứ 3 (G2)- vụ mùa 2016. Căn cứ vào kết quả đánh giá trong phòng, tổ thực hiện Đề tài đã chọn được 4 dòng ưu tú nhất về đặc điểm hình thái, độ thuần đồng ruộng, năng suất cá thể đạt từ 0,3 đến 0,32 kg/m2, tương đương 30- 32 tạ/ha.
Kết quả phân tích cho thấy, năng suất của các dòng đạt yêu cầu kiểm định và qua chọn lọc, đo đếm trong phòng là tương đương nhau dao động từ 43,2- 46,8 kg/180 m2. Tức năng suất đạt 24 - 26 tạ/ha. Sản lượng giống siêu nguyên chủng sau chọn lọc ở vụ mùa 2016 đạt được là 180 kg. Chất lượng gạo của giống siêu nguyên chủng cao hơn gạo do nông dân sản xuất đại trà...
Qua 3 năm triển khai thực hiện Đề tài, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi đã phục tráng, chọn lọc được 180 kg giống siêu nguyên chủng, giống đã được cấp Giấy chứng nhận chất lượng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật số: 20160916, ngày 8/11/2016 theo tiêu chuẩn kỹ thuật số QCVN 01-54:2011 Do Bộ NN& PTNT ban hành.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa gạo nếp Tú Lệ trong những năm tới, tỉnh và huyện Văn Chấn cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ nhân dân địa phương sản xuất loại gạo đặc sản này. Đồng thời, cần có cơ chế quản lý việc sử dụng lượng giống siêu nguyên chủng và gieo trồng giống lúa siêu nguyên chủng do Đề tài tạo ra một cách hợp lý để bảo tồn, phát triển nguồn gen quý này.