Điện Biên là tỉnh có địa hình
phức tạp, độ dốc lớn, và được cấu tạo bởi những dãy núi cao và các thung lũng,
sông suối nhỏ, hẹp và dốc phân bố khắp nơi. Xen giữa núi và cao nguyên là các
thung lũng hoặc lòng chảo có bề mặt tương đối bằng phẳng, những dạng địa hình
này chiếm phần diện tích không lớn. Đáng chú ý nhất là lòng chảo Điện Biên Phủ
rộng khoảng 150.000ha với bề mặt bằng phẳng, có nguồn gốc tích tụ trầm tích tạo
nên cánh đồng Mường Thanh.
Bên cạnh đó, khí hậu nhiệt đới
gió mùa là nét đặc trưng điển hình của khí hậu Điện Biên, với mùa đông lạnh,
khô hanh, mùa hè mưa nhiều, đặc biệt có nhiều ngày nắng, khoảng 1.820-2.035 giờ/năm,
115-215 giờ/tháng, trong đó 3 tháng 3,4,5 có nhiều nắng nhất, đạt từ 145-220 giờ/tháng.
Theo khảo sát của Trung tâm
Nghiên cứu và Phát triển rau ăn quả, Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp
miền núi phía bắc, thổ nhưỡng của Điện Biên khá phong phú và đa dạng, có thể
chia thành 7 nhóm chính, bao gồm: Đất phù sa (12.622,13ha), đất đen vùng nhiệt
đới (95,22ha), đất đỏ vàng hay còn gọi là đất Feralit (629.806,26ha), đất mùn -
vàng đỏ trên núi (291.818,08ha), đất mùn alit triền núi cao (1.136,35ha), đất đỏ
vàng biến đổi do trồng lúa nước (1.467,04ha) và đất dốc tụ (1.460,64ha).
"Chính nhờ những đặc điểm về điều
kiện tự nhiên mà giống hồng ở Điện Biên cho quả to và ngọt hơn ở các địa phương
khác, trung bình chỉ khoảng 4-5 quả/kg" - ông Nguyễn Duy Tiến - xã Thanh Chăn,
huyện Điện Biên, Điện Biên - cho biết.