Mặc dù thời tiết có nhiều bất lợi so với những năm trước, nhưng vườn hoa nhà ông Trương Văn Nhung ở Củ Chi, TPHCM năm nay vẫn đạt năng suất cao. Ông Nhung cho biết, đó là nhờ sử dụng cây giống nuôi cấy mô.

Nuôi cấy mô là một trong những công nghệ cao trong sản xuất hoa và cây cảnh mà Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM đã nghiên cứu và ứng dụng thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Các cán bộ Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM kiểm tra sự phát triển của cây nuôi cấy mô. Ảnh: Mạnh Linh
Các cán bộ Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM kiểm tra sự phát triển của cây nuôi cấy mô.
Ảnh: Mạnh Linh

Công nghệ, thiết bị hiện đại

Hoạt động từ năm 2014, khu nhà lưới, nhà kính, nuôi cấy mô tế bào thực vật của Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM được xem là khu phức hợp sản xuất cây giống hiện đại và đầy đủ chức năng nhất Việt Nam. Nhà nuôi cấy mô thực vật rộng 677m2, có đủ các thiết bị nhân giống invitro như cân điện tử, kính hiển vi, máy cất nước, tủ tăng trưởng thực vật…, có khả năng nhân giống 2 triệu cây cấy mô mỗi năm.

Nhà kính gồm 10 phòng, có thể điều chỉnh nhiệt độ, cho phép tiến hành cùng lúc tối thiểu 10 thí nghiệm hay trồng 10 giống cây có chế độ dinh dưỡng khác nhau. Nhà màng chia thành 3 phân khu, mỗi phân khu có mô hình trồng cây cùng hệ thống tưới và dinh dưỡng riêng, có thể điều chỉnh phù hợp với tối thiểu 3 loại cây. Khu nhà lưới cũng có hệ thống tưới nước và dinh dưỡng tự động.

TS Dương Hoa Xô - Giám đốc trung tâm - cho biết, đây là nơi ứng dụng kết quả nghiên cứu công nghệ sinh học thực vật từ phòng thí nghiệm vào sản xuất. Trung tâm cũng triển khai các nghiên cứu, thử nghiệm trên phạm vi nhà kính, nhà lưới và đồng ruộng đối với các loại cây trồng; lưu trữ nguồn gene giống cây trồng, chọn lọc, lai tạo bằng công nghệ sinh học để tạo ra các giống cây trồng mới…

Giúp dân làm giàu

Ông Trương Văn Nhung - chủ vườn hoa ở Củ Chi - cho biết, năm nay thời tiết có nhiều bất lợi đối với nghề trồng hoa nhưng vườn hoa của ông vẫn đạt năng suất cao nhờ cây giống được sản xuất từ công nghệ nuôi cấy mô. Theo chủ vườn, canh tác giống này khá yên tâm, chỉ việc xử lý giá thể rồi trồng, không phải sử dụng nhiều thuốc mà cây vẫn phát triển rất tốt.

TS Dương Hoa Xô cho biết, ưu điểm của công nghệ nuôi cấy mô là khả năng nhân nhanh với số lượng lớn, giúp tăng năng suất và hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí sản xuất đến 50%. Đề tài nghiên cứu “Ứng dụng hệ thống nuôi cấy ngập chìm tạm thời trong nhân giống cây lan hồ điệp lai” do trung tâm triển khai đã xây dựng thành công quy trình nhân giống lan hồ điệp với ưu điểm vượt trội so với nuôi cấy truyền thống như tăng hệ số và tỷ lệ tạo chồi, giúp chồi phát triển mạnh hơn, tăng tỷ lệ sống của cây con khi ra vườn.

Từ thành công của đề tài này, trung tâm tiếp tục nghiên cứu, cải tiến để hoàn thiện quy trình nhân giống ngập chìm tạm thời trên các loài hoa lan khác, hoa chuông, cây dược liệu, chuối… Đến nay, hầu hết các quy trình nhân giống này đã được áp dụng hiệu quả vào công tác sản xuất cây giống nuôi cấy mô, phục vụ nhu cầu của bà con nông dân TPHCM và các tỉnh, thành khác.

Với mục đích giảm thiệt hại do dịch bệnh cho bà con nông dân, trung tâm cũng nghiên cứu xây dựng quy trình nhân giống hoa lan sạch virus. Quy trình này được xây dựng dựa trên việc kết hợp giữa phương pháp nuôi cấy mô và phát hiện virus.

Theo đó, trước khi tiến hành nhân giống, cây mẹ sẽ được kiểm tra virus để đảm bảo chắc chắn không nhiễm bệnh, sau đó nhân giống bằng phương pháp nuôi cây mô. Mô cấy sẽ được kiểm tra lại về tình trạng nhiễm virus trước khi nhân lên với số lượng lớn. Đây là phương pháp tạo ra cây giống vừa đồng đều về chất lượng, vừa đảm bảo sạch virus.