Ngày 18/5, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM đã trao giải cuộc thi Thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh năm 2024.
Đây là cuộc thi được tổ chức lần đẩu bởi Ban Quản lý Khu Công nghệ TPHCM phối hợp cùng Thành Đoàn, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở KH&CN, Đại học Quốc gia TPHCM, nhằm tìm kiếm các sản phẩm, giải pháp, các ý tưởng thiết kế vi mạch để giải quyết các bài toán đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh.
Qua vòng sơ loại, Ban giám khảo đã chọn năm dự án xuất sắc nhất, trong tổng số 39 dự án tham gia vào vòng chung kết.
Kết quả chung cuộc, giải Nhất trị giá 30 triệu đồng thuộc về Dự án “Thiết kế chip Analog Front-end nhiễu thấp tái cấu hình ứng dụng thu nhận tín hiệu từ cảm biến trên công nghệ CMOS 180nm”, tác giả Phạm Thế Hùng, Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM.
Sản phẩm là dạng mạch xử lý tín hiệu analog thu thập tín hiệu liên tục từ cảm biến, có khả năng xử lý nhiễu và khuyếch đại tín hiệu giúp việc truyền dữ liệu tốt hơn. Chip khi hoàn thiện có thể ứng dụng trong việc thu nhận tín hiệu từ cảm biến môi trường, cảm biến đặt xung quanh ôtô, cảm biến trong nhà thông minh, robot...
Giải Nhì 20 triệu đồng thuộc về Dự án “Thiết kế phần cứng khử sương mù trong hình ảnh của camera thông minh”, nhóm tác giả Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Nguyễn Hoàng Hải, Phan Minh Nhật, Trần Tuấn Kiệt, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.
Giải Ba 10 triệu đồng, thuộc về Dự án “Thiết kế mạch SAR ADC hiệu suất cao ứng dụng chuyển đổi số tín hiệu từ cảm biến cho hệ thống IoT”, tác giả Nguyễn Mai Minh Kha, Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM.
Ban tổ chức cũng trao bốn giải Khuyến khích 5 triệu đồng/giải cho các dự án “Thiết kế hệ thống bảo mật mã hóa và chứng chỉ cho FIRMWARE ứng dụng cho hệ thống IoT” (Trần Quốc Đăng, Tôn Nữ Tâm Nhi, Trịnh Huy Hoàng - Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM); “Thiết kế vi xử lý cho hệ thống IoT đảm bảo tính bảo mật” (Vũ Anh Đức, Nguyễn Thành Long, Trần Ngọc Toản, Nguyễn Đình Hữu Phúc - Trường Đại học Công nghệ thông tin TPHCM); “Thiết kế Kiến trúc PIM Sử dụng SRAM và PIM Controller cho Ứng dụng Thành phố thông minh" (Huỳnh Dương Tôn Lực - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM); "Thiết kế mạch Spiking Neural Network ứng dụng học và nhận dạng chữ số trên công nghệ CMOS” (Lê Như Lam, Phùng Đức Minh Duy - Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM).
Những dự án đoạt giải tiếp tục được Khu Công nghệ cao TPHCM hỗ trợ để được ươm tạo, tiến tới phát triển và chuyển giao sản phẩm cho sản xuất.
Tại lễ trao giải, Ban tổ chức đã phát động Cuộc thi Thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh lần thứ 2, tìm kiếm và ươm mầm những dự án thiết kế vi mạch ứng dụng trong các lĩnh vực công nghệ xanh, thông minh, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng. Đây là những nền tảng để phát triển hạ tầng giao thông xanh, phát triển đô thị xanh, sản xuất bền vững, bảo đảm phát triển công nghiệp vi mạch không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.