Viện Sinh học nhiệt đới đã nghiên cứu hiện trạng và đề xuất một số giải pháp quản lý, phát triển bền vững nghề nuôi yến ở TPHCM.
Cụ thể, trong đề tài “Nghiên cứu hiện trạng, đề xuất giải pháp quản lý, phát triển bền vững nghề nuôi yến ở TPHCM”, nhóm tác giả ở Viện Sinh học nhiệt đới chỉ ra, đa số các nhà yến nằm trong khu vực nội thành, đông dân cư đều gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh như tiếng ồn mở liên tục, mùi hôi từ lông và phân chim yến. Chính quyền địa phương tại các khu vực này đang có phương án không cấp phép cho nhà yến mới, tiến tới ngưng hoạt động các cơ sở nuôi yến gây ô nhiễm, kém hiệu quả. Đối với vi sinh vật gây bệnh, cho thấy, nhóm vi khuẩn Samonella, có mật độ tương đối cao với giá trị trung bình là 6,36 ± 1,24 CFU/25 g đất.
Qua khảo sát hiện trạng, đánh giá tác động của việc nuôi yến, nhóm tác giả cho rằng cần có quy hoạch cụ thể về vùng nuôi yến trên địa bàn thành phố và hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục pháp lý có liên quan đến tổ chức, cá nhân trong việc phát triển nghề nuôi chim yến tại thành phố theo đúng quy hoạch.
Theo đó, khu vực trung tâm TPHCM tập trung dân cư khá đông, kéo dài qua phía Đông của các quận Bình Thạnh, quận 2 và TP Thủ Đức, không thuận lợi cho việc phát triển nuôi chim yến. Ba khu vực có tiềm năng lớn trong việc phát triển nghề nuôi yến tại TPHCM là huyện Củ Chi, Cần Giờ và khu vực quận 9 (cũ), đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về vùng nuôi yến tiềm năng như: diện tích thảm thực vật lớn đảm bảo nguồn thức ăn (côn trùng) cho chim yến sinh sống và phát triển. Mật độ dân cư tại các khu vực này khá thưa thớt nên việc phát triển nghề nuôi yến ít ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư.
Ngoài ra, việc xây dựng tiêu chí đánh giá vị trí xây dựng nhà yến, giúp người nuôi xác định khu vực nên xây nhà yến, là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công của nhà yến. Hiện nay, kích thước xây dựng nhà yến không có tiêu chí về kích thước nhất định, nhưng theo thống kê cho thấy, nhà yến kích thước chiều ngang tối thiểu trên 5m, chiều dài trên 20m cho sản lượng tổ yến cao hơn các nhà yến có kích thước nhỏ hơn. Về chiều cao của nhà yến, cần thiết kế chiều cao tầng dao động 3,5m đến 4,5m sẽ cho hiệu quả nuôi cao nhất.
Nhóm tác giả cũng khuyến nghị, TPHCM cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong ấp nở, dẫn dụ và nuôi chim yến; nhân nuôi côn trùng phù hợp làm thức ăn bổ sung cho chim yến; quy trình chế biến sản phẩm từ tổ yến, truy xuất nguồn gốc của tổ yến để đảm bảo chất lượng và thương hiệu của tổ yến khi bán ra thị trường. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu về các yếu tố bên trong nhà yến, kinh nghiệm nuôi yến từ các nhà yến thành công để tập hợp thành những quy chuẩn cụ thể trong xây dựng nhà yến.
Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu trong năm nay.
TPHCM có nhiều điều kiện thuận lợi để nuôi yến như địa hình tương đối bằng phẳng, khí hậu ôn hòa với nền nhiệt độ cao và tương đối ổn định trong năm. Bên cạnh đó, tần suất xuất hiện của bão ít và ít chịu ảnh hưởng của bão là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi yến trong nhà trên địa bàn. Bên cạnh đó, TPHCM có diện tích đất nông nghiệp còn nhiều (42,1% tổng cơ cấu đất đai của thành phố), thị trường tiêu thụ lớn, nhiều cơ hội ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi yến,… Vì vậy, nuôi yến tại TPHCM được xác định là một trong những nghề tiềm năng, có khả năng thu nguồn lợi kinh tế cao. Trong những năm qua, số lượng nhà nuôi yến tăng lên nhanh ở các quận, huyện, hiện có hơn 700 nhà.
(Theo đề tài “Nghiên cứu hiện trạng, đề xuất giải pháp quản lý, phát triển bền vững nghề nuôi yến ở TPHCM”) |