Gần đây, người dân thành phố Bạc Liêu dấy lên phong trào xây nhà lầu nuôi chim yến. Chưa rõ mặt tích cực mà nó mang lại song việc mọc lên như nấm của những tòa nhà này đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Vốn đầu tư cho việc nuôi chim yến so với các ngành nghề khác là tương đối cao, song lợi nhuận mà nó mang lại rất lớn. Điều này lý giải cho việc mọc lên như “nấm” những tòa nhà nuôi yến ở giữa thành phố Bạc Liêu. Tuy nhiên, việc phát triển không theo quy hoạch của ngành nghề này khiến cho nguy cơ gia tăng bệnh dịch tăng cao.

Trong 5 năm gần đây, sự phát triển của ngành nghề nuôi chim yến ở thành phố Bạc Liêu tăng nhanh chóng. Các khu địa ốc ở phường 1, 2, 5, 7 và khu vực ven biển là những nơi phổ biến nhất. Theo như các cơ quan chức năng, người dân ở đây vẫn ngang nhiên xây dựng, mở rộng nhà cửa để nuôi yến dù chưa được cấp giấy phép xây dựng.

Một nhà nuôi yến ở thành phố Bạc Liêu.
Một nhà nuôi yến ở thành phố Bạc Liêu.

Chưa rõ được mặt tích cực nó mang lại cho thành phố nhưng những hộ dân sống gần nhà nuôi yến thường phàn nàn rằng hằng ngày họ phải chịu đựng những âm thanh khó chịu cho máy “dụ” chim yến. Mặc dù đã phản ánh lên các cơ quan chức năng nhiều lần nhưng vẫn chưa có trường hợp nào được xử lý.

Bên cạnh đó, việc nuôi yến theo kiểu tự phát như thế này tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh cũng như vệ sinh khiến nhiều người dân bức xúc và lo lắng.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu, năm 2013 toàn tỉnh có 107 nhà nuôi yến, nhưng đến giữa năm 2017, con số này đã lên đến khoảng 340 nhà với quy mô hơn 215.000 con và đều mang tính tự phát, không theo quy hoạch. Theo dự báo, con số này sẽ không ngừng tăng lên nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời từ các cơ quan chức năng của tỉnh, thành phố.

Chim yến được nuôi ngày càng nhiều tại thành phố Bạc Liêu.
Chim yến được nuôi ngày càng nhiều tại thành phố Bạc Liêu.

Theo các nhà kinh doanh, nuôi chim yến mang lại lợi nhuận khá cao với giá bán dao động 18-20 triệu đồng/kg. Thế nhưng, ngành nghề này còn đang gặp phải nhiều khó khắn khi người nuôi chưa nắm vững kĩ thuật, không dẫn dụ được đàn chim yến tới cư ngụ hoặc là dẫn dụ được môt thời gian xong chúng lại bỏ đi.

Ngoài ra, do chưa có các quy định cụ thể trong công tác quản lý việc nuôi chim yến nên chính quyền địa phương lúng túng trong việc tìm hướng giải quyết.