Nhiệm vụ này do nhóm nghiên cứu của ThS Cao Thanh Huyền (Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng) thực hiện và đã được Hội đồng khoa học thành phố nghiệm thu chiều 27/10.
Trong thời gian
1 năm (10/2021 - 10/2022), nhóm nghiên cứu tiến hành dự thảo 3 quy trình sản xuất rau mầm (cải ngọt, cải củ, rau muống) trên giàn máy gieo mạ tự động theo tiêu chuẩn VietGAP.
Các tác giả đã lựa chọn được công thức giá thể phù hợp nhất với tỷ lệ 80% đất : 15% mùn xơ dừa : 5% phân vi sinh.
Về chế độ gieo hạt, thời gian thúc mầm và thời gian che phủ cũng được tính toán cụ thể, với hạt mầm cải ngọt lượng hạt giống gieo phù hợp là 50gam/ khay, hạt giống cải củ là 70gam/khay và hạt giống rau muống là 100gam/ khay. Thời gian thúc mầm cho cả 3 loại đều trong 36 giờ sẽ cho tỷ lệ nảy mầm cao nhất. Thời gian che phủ phù hợp với cả 3 loại là 3 ngày.
Đối với thời gian thu hoạch, cải ngọt là 5 ngày, củ cải là 7 ngày và rau muống là 10 ngày. Việc sử dụng máy thu hoạch sẽ cho năng suất cao gấp nhiều lần so với cắt bằng tay, với lượng cải ngọt đạt 600 khay/giờ, cải củ 800 khay/ giờ, rau muống là 650 khay/ giờ.
Bên cạnh việc xây dựng quy trình cụ thể và chi tiết, nhóm nghiên cứu đã cũng xây dựng mô hình sản xuất 3.000 khay rau mầm cho 3 loại rau trên tại hợp tác xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy và đào tạo tập huấn cho 30 lượt nông dân.
Theo đánh giá của Hội đồng khoa học thành phố, sản phẩm của đề tài đem lại lợi ích thiết thực, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng; tuy nhiên, cần tuyên truyền sâu rộng để người tiêu dùng hiểu về giá trị của loại rau mầm. Đối với báo cáo đề tài, Hội đồng cho rằng nhóm nghiên cứu cần thu gọn để thông tin cô đọng hơn, chỉnh sửa các quy trình dễ hiểu hơn để nhân rộng cho bà con nông dân.
Trên cơ sở chỉnh sửa, bổ sung, Hội đồng đồng ý nghiệm thu đề tài./.
Hồng Hạnh (Theo Phòng truyền thông KH&CN Hải Phòng)