Giám đốc Sở KH&CN TPHCM có thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản có giá trị đến 1 tỷ đồng/nhiệm vụ KH&CN do Sở phê duyệt. Trường hợp trên 1 tỷ đồng/nhiệm vụ KH&CN, phải có ý kiến của UBND Thành phố trước khi quyết định.

Tại kỳ họp thứ 17 HĐND TPHCM khóa X (ngày 17/7), HĐND TPHCM đã biểu quyết thông qua Quy định thẩm quyền quyết định việc mua sắm tài sản (được trang bị để thực hiện nhiệm vụ KH&CN) của các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước và mua sắm hàng hóa, dịch vụ đối với nguồn kinh phí KH&CN thuộc phạm vi quản lý của TPHCM.

Đối tượng áp dụng là cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thực hiện việc mua sắm tài sản của các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước đối với nguồn kinh phí thuộc phạm vi quản lý của TPHCM; Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thực hiện việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ đối với nguồn kinh phí KH&CN thuộc phạm vi quản lý của TPHCM; Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác có liên quan.

Theo đó, Giám đốc Sở KH&CN có thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản có giá trị đến 1 tỷ đồng/nhiệm vụ KH&CN do Sở phê duyệt. Trường hợp trên 1 tỷ đồng/nhiệm vụ KH&CN, phải có ý kiến của UBND Thành phố trước khi quyết định.

Với nhiệm vụ từ kinh phí của Trung ương giao TPHCM quản lý, thì thủ trưởng đơn vị dự toán ngân sách được UBND TP HCM giao quản lý, sử dụng kinh phí được quyết định mua sắm tài sản của nhiệm vụ.

v
Nghiên cứu khoa học tại ĐH Quốc gia TPHCM. Ảnh: ĐHQG

Với các nhiệm vụ KH&CN khác, thủ trưởng các đơn vị dự toán ngân sách các cấp được quyết định mua sắm tài sản có giá trị đến 1 tỷ đồng/nhiệm vụ, do mình phê duyệt, trong phạm vi dự toán được giao. Trường hợp mua sắm tài sản trên 1 tỷ đồng, sẽ thực hiện lập dự án mua sắm tài sản theo quy định về thực hiện các chương trình, dự án đầu tư công với dự án không có cấu phần xây dựng.

Đối với việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ từ nguồn kinh phí KH&CN, thẩm quyền quyết định thuộc về Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và thủ trưởng đơn vị dự toán các cấp.

Trên thực tế thời gian qua, các nhiệm vụ KH&CN của TP HCM không bố trí kinh phí mua sắm tài sản thực hiện nghiên cứu. Cơ quan chủ trì yêu cầu các đơn vị nghiên cứu phải có tài sản cơ bản phục vụ cho hoạt động đơn vị. Trong khi đó, các nhiệm vụ KH&CN tại TPHCM, có hơn 70% là mua sắm hàng hóa, dịch vụ.

Theo HĐND TPHCM, quy định mới được thông qua để tập trung ngân sách nhà nước chủ yếu cho hoạt động nghiên cứu khoa học; hạn chế những nhiệm vụ nghiên cứu nhưng thực chất là mua sắm hàng hóa, dịch vụ, qua đó đảm bảo kỷ luật, kỷ cương tài chính.