Nuôi cá kèo trong ao đất ở huyện Đầm Dơi, tỉnh cà Mau mang lại lợi nhuận khá cao, đồng thời giúp người dân tận dụng ao nuôi tôm thâm canh kém hiệu quả.
Ngành nuôi trồng thủy sản đã trở thành mũi nhọn trong nền kinh tế của huyện Đầm Dơi trong những năm qua. Hiện Đầm Dơi có hơn 62 ngàn ha nuôi trồng thủy sản với nhiều loại hình nuôi khác nhau. Tại đây có hơn 300 ha, với 400 hộ nuôi thâm canh ao đất một số loài thủy sản, nhưng không có điều kiện chuyển đổi sang ao lót bạc, nên tỷ lệ thả nuôi rất thấp và hiện trạng đang bỏ ao trống không sản xuất do người dân nuôi không hiệu quả.
Cá kèo có thịt thơm ngon được nhiều người tiêu dùng ưa thích, chế biến được nhiều món ăn ngon có giá trị dinh dưỡng cao. Ở Việt Nam, cá kèo là loài có giá trị kinh tế cao trong vài năm gần đây và có tiềm năng phát triển vùng nuôi ở các tỉnh ven biển ĐBSCL. Nghề nuôi cá kèo đang phát triển nhanh và cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng nội địa, chế biến cá kèo khô.
Nhằm tận dụng những ao đất bị bỏ trống, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đầm Dơi đã triển khai mô hình “Thử nghiệm nuôi cá kèo thương phẩm trong ao đất sử dụng chế phẩm sinh học tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau”. Mô hình được thực hiện tại hộ ông Võ Duy Thanh - ấp Tân Long B, xã Tân Dân, với diện tích 0,3ha ao nuôi, mật độ thả nuôi 80 con/m2, thời gian thực hiện từ tháng 9/2023 đến tháng 4/2024.
Ao nuôi cá kèo là những ao đất thông thường, nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh bỏ trống, được thiết kế hệ thống lưới rào xung quanh, lưới giăng nhằm hạn chế dịch hại chim cò, còng cọc,… Sau khi cải tạo, xử lý ao nuôi, được thả cá kèo giống, kích cỡ 2 - 2,5cm. Cá được cho ăn bằng thức ăn viên công nghiệp dùng cho cá kèo. Trong quá trình nuôi, cá được bổ sung thêm vitamin C, men tiêu hoá nhằm tăng sức đề kháng, kích thích cho cá ăn ngon và tiêu hoá thức ăn tốt hơn, tránh được hiện tượng cá bị chướng bụng đầy hơi.
Ngoài ra, nước ao cần được chủ động điều chỉnh tăng cao hoặc giảm thấp phù hợp với các giai đoạn phát triển của cá nuôi. Giai đoạn hai tuần đầu mới thả cá giống, mực nước ao cần đạt 5-10 cm, sau đó tiếp tục dâng từ từ, mỗi tuần cao hơn 0,2 m cho đến khi mực nước đạt 0,8-1,2 m. Định kỳ ba ngày, hoặc quan sát thấy môi trường thay đổi kiểm tra các yếu tố môi trường để xử lý kịp thời (pH: 7,5-8,5; độ mặn: 15-25 ‰; độ kiềm: 80-160 mg/lít; độ trong: 30-40 cm; màu nước: xanh vỏ đậu hoặc nâu nhạt; khí độc nitrate (NO2–) < 1 mg/l, ammonia (NH3)< 0,2 mg/l, oxy hòa tan > 4 mg/l,…). Bên cạnh đó, định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học (7-10 ngày một lần) để làm sạch nền đáy và ổn định môi trường trong suốt quá trình nuôi.
Sau thời gian nuôi hơn bốn tháng, kích cỡ trung bình 49 con/kg, tỷ lệ sống đạt 75,5%. Năng suất đạt khoảng 12 tấn/ha/vụ.
Theo tính toán của nhóm thực hiện mô hình, với diện tích ao nuôi 0,3 ha, tổng chi phí đầu tư ban đầu là 280 triệu đồng (không tính chi phí xây dựng ao nuôi). Kết quả thực hiện mô hình cho thấy với giá bán tại thời điểm thu hoạch (4/2024) khoảng 215.000 đồng/kg, hộ nuôi thu được gần 800 triệu đồng/vụ.